Đằng sau kế hoạch bất thành
Con số 0 tròn trĩnh ở mục số lượng cổ phiếu đã giao dịch trong thương vụ thoái 80 triệu cổ phần tại Tổng công ty cổ phần Viglacera mà Bộ Xây dựng đang làm đại diện chủ sở hữu nhà nước nắm giữ khiến kế hoạch thoái vốn, giảm vốn nhà nước từ 53,97% xuống còn 36% của bộ này bất thành.
Nguyên nhân chính thức được đưa ra để lý giải việc này là không đạt mục tiêu về giá thoái, nghĩa là, mức giá khởi điểm 26.100 đồng/cổ phiếu mà Bộ Xây dựng đã phê duyệt không được thị trường chấp nhận.
Bộ Xây dựng có cơ sở khi xác định mức giá này. Cuối tháng 5/2018 (thời điểm phê duyệt phương án thoái vốn tại Viglacera), thị trường đang giao dịch khá tốt. Quan trọng hơn, Viglacera là doanh nghiệp tốt, các mục tiêu chiến lược, kế hoạch năm đều được hoàn thành vượt mức kể từ sau cổ phần hóa.
Giới nghiên cứu thị trường còn dự báo, thương vụ này có thể lọt vào Top 10 thoái vốn nhà nước đình đám của năm. Hơn thế, trước đó, bộ này đã rất thành công khi thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty Bạch Đằng với mức giá 26.300 đồng/cổ phiếu, gấp đôi giá khởi điểm.
Nhưng kể từ đó đến lúc kết thúc thời gian thoái vốn theo kế hoạch, giá cổ phiểu của Viglacera liên tục giảm. Suốt tuần đầu tháng 8, giá cổ phiếu VGC của Viglacera dao động khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu.
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, sẽ nghiên cứu các giải pháp để thực hiện theo kế hoạch, nhưng cũng tỏ ra đầy áp lực.
Bởi, trong danh sách doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thoái vốn năm 2018 theo Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng còn 6 doanh nghiệp nữa phải thực hiện, trong đó có Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam đang được thẩm định phương án, mức vốn nhà nước phải thoái là 51% vốn điều lệ.
Nghĩa là, Bộ Xây dựng sẽ phải tính toán để không ai, cả cổ đông nhà nước và các cổ đông khác của Viglacera, bị thiệt sau đợt thoái vốn tiếp theo.
Nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tếTrung ương (CIEM), đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng với không chỉ Bộ Xây dựng, mà tất cả bộ, ngành đang gánh trách nhiệm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp.
“Hiện tại, kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa của các bộ, ngành được làm riêng rẽ, thiếu chiến lược, chiến thuật để hỗ trợ nhau, nên nhiều khi gây ra tác động tiêu cực, kìm giá của nhau”, ông Hiếu lý giải.
Chiến thuật người bán
Ông Hiếu kỳ vọng vào hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chính xác hơn là kỳ vọng vào nhiệm vụ xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến năm 2020 mà Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang thiết kế cho mô hình này.
“Có thông tin đầy đủ, giám sát được toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có phần vốn nhà nước là cơ sở để chủ sở hữu nhà nước có chiến lược với từng mặt hàng, chọn thời điểm ra vào hiệu quả nhất”, ông Hiếu nói.
Đây là điều mà nhiều bộ, ngành không có được trong các kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp do mình đại diện. Thậm chí, trong nhiều báo cáo tổng kết về thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lý do dồn dập đưa hàng ra thị trường để chạy tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa của các bộ, ngành không ít lần được đưa ra giải thích cho các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hay thoái vốn không thành công.
“Thị trường có lý lẽ riêng, dựa vào chất lượng hàng hóa, dung lượng thị trường, khẩu vị nhà đầu tư và cả thời điểm ra hàng. Doanh nghiệp nhà nước hay vốn nhà nước trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa thường là những món hàng hấp dẫn do lợi thế về lĩnh vực hoạt động, thương hiệu, địa điểm, chắc chắn sẽ được giá nếu chủ sở hữu có chiến lược rõ ràng, khôn ngoan”, ông Hiếu nói.
Vào thời điểm hiện tại, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có nhiều lợi thế để là người tính toán tốt nhất chiến thuật thoái vốn nhà nước.
Không chỉ có kinh nghiệm trong cổ phần hóa, thoái vốn hơn 10 năm, với gần 1.000 doanh nghiệp, kế hoạch được giao năm 2017 – 2018 là 132 doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực chính là dữ liệu vàng giúp SCIC có chiến thuật bán hàng nhịp nhàng.
Thành công trên mức kỳ vọng trong lần thoái 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk năm ngoái là điển hình của chiến thuật hợp lý, không chỉ mang lại giá trị thu về cho SCIC, mà còn tạo sự phấn khích cho thị trường.
Có thể vì vậy, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC không vội vàng khi tiến độ thoái vốn 6 tháng đầu năm nay khá chậm. “Không thể cứ đem hàng ra bán bằng mọi giá. Có thể chờ đợi cơ hội phù hợp hơn để đạt hiệu quả cao nhất và việc này cũng phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Chi nói.
Từ nay đến cuối năm, SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn tại Domesco, Vinaconex, Sa Giang và Vinacontrol, bên cạnh các hoạt động thoái vốn theo kế hoạch tại các doanh nghiệp quy mô nhỏ khác.
Song, kinh nghiệm của SCIC không giúp được Bộ Xây dựng hay các bộ khác, vì mỗi cơ quan một việc. Thậm chí, nhiều bộ, ngành cũng không muốn SCIC tham gia, dù theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 62 doanh nghiệp của các bộ, ngành phải chuyển giao về SCIC trong năm 2017 – 2018, nhưng hiện SCIC mới tiếp nhận 25 doanh nghiệp.
37 doanh nghiệp chưa chuyển giao, có tổng vốn nhà nước 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 14.721 tỷ đồng, tại 5 bộ và 8 tỉnh. Sẽ rất khó bàn về chiến thuật bán hàng trong bối cảnh như vậy.