Hơn nữa, quá trình thoái vốn phải bảo đảm sự phát triển bền vững của DN sau khi CPH, thoái vốn thay vì chỉ chú trọng tới yếu tố kinh tế.
NĐT chỉ nắm 7,3% vốn điều lệ
Báo cáo của Quốc hội khóa 14 về CPH, thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2011-2016, trong số 426 DN được CPH, NĐT chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ. Điều này dẫn đến một thực tế đáng lo ngại là việc tham gia HĐQT của NĐT chiến lược chỉ mang tính hình thức, hạn chế đóng góp của họ trong việc nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN sau CPH.
Trong khi đó, quá trình CPH chỉ phát huy tác dụng nếu Nhà nước lựa chọn được NĐT chiến lược có năng lực, công nghệ và kinh nghiệm phù hợp với sứ mệnh thúc đẩy DN phát triển. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cho phép NĐT chiến lược nắm giữ được lượng cổ phần đủ lớn để có thể tạo ra sự ảnh hưởng có ý nghĩa tới hoạt động của DN. Có như vậy mới tận dụng được các lợi thế của NĐT, cải thiện sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN sau CPH.
Việc lựa chọn NĐT chiến lược còn có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững của DN, ngành và cho cả nền kinh tế. Nếu như ở khu vực tư nhân, khi thực hiện các giao dịch mua bán, sáp nhập thường chỉ quan tâm tới khoản thu tài chính ngắn hạn, Nhà nước với vai trò là chủ thể kiến tạo sự phát triển của quốc gia, cần có tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn trong quá trình tìm kiếm NĐT chiến lược.
Bên cạnh việc CPH, thoái vốn tại DNNN với mức giá hợp lý, không làm thất thoát tài sản, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến các yếu tố để đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc lựa chọn NĐT chiến lược phù hợp.
Theo đó, Chính phủ cần thận trọng đánh giá lịch sử hoạt động của NĐT tiềm năng để phát hiện các tín hiệu không khả quan, hoặc các thông tin về kết quả phát triển kinh doanh dựa trên thương hiệu nội địa trong quá khứ.
Muốn thúc đẩy, mở rộng thị trường cho sản phẩm NĐT chiến lược cũng cần có kinh nghiệm dày dạn ở thị trường Việt Nam, đảm bảo có thể kế thừa và phát triển tốt các sản phẩm của DN sau CPH, thoái vốn.
Lúng túng trong thực hiện
Từ thực tiễn triển khai bán vốn nhà nước của SCIC tại các CTCP, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC, đánh giá hiện nay vẫn còn nhiều lúng túng trong việc cân nhắc hài hòa giữa các mục tiêu tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước với việc tìm kiếm NĐT chiến lược giúp phát triển DN.
Từ những thành công của SCIC, ông Lai chia sẻ muốn thoái vốn nhà nước tại DN thành công cần tổ chức hoạt động bán vốn một cách chuyên nghiệp, lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp, theo sát diễn biến thị trường và thực trạng hoạt động của DN. Tiên phong trong việc áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù, như bán cả lô, bán cho NĐT chiến lược, bán dưới mệnh giá…
Theo người đại diện cho SCIC, kể từ khi thành lập đến 31-12-2017, SCIC đã bán vốn tại 986 DN, trong đó bán hết vốn tại 885 DN, bán một phần vốn tại 82 DN, bán quyền mua tại 19 DN. Với tổng giá vốn nhà nước khoảng 8.332 tỷ đồng, sau bán vốn SCIC đã thu về 36.989 tỷ đồng, giá trị thu về gấp 4,4 lần giá vốn.
Tuy nhiên, cũng có DNNN được SCIC hạ giá tới 8 lần vẫn không bán được vốn. Nguyên nhân do tỷ lệ sở hữu SCIC quá nhỏ, hoặc DN đã có cổ đông chiến lược, DN có tranh chấp nhóm cổ đông, DN làm ăn thua lỗ, thời điểm bán vốn không phù hợp, định giá vốn quá cao. Hơn nữa, với cách thức tổ chức đấu giá cổ phần hiện nay vẫn có khoảng trống giữa NĐT trong nước và NĐT nước ngoài tham gia mua vốn.
Ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho rằng các DN đã hoạt động hiệu quả hơn sau CPH, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế. Khi DN hoạt động hiệu quả, các đợt thoái vốn nhà nước tiếp theo sẽ có giá trị cao hơn, giúp đem lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách.
Chương trình CPH của Chính phủ cũng giúp thị trường vốn có thêm nhiều công ty niêm yết, từ đó phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Các DN trên thị trường nhờ đó có thể gọi vốn thuận lợi hơn thông qua phát hành cổ phiếu, giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, giúp cơ cấu vốn tổng thể của nền kinh tế cân bằng hơn.
Chính vì vậy, thời gian qua dù điều kiện thị trường có thay đổi, Chính phủ vẫn cần có biện pháp đảm bảo tiến độ chương trình CPH, tránh để các biến động tăng, giảm của thị trường làm ảnh hưởng quá lớn đến số lượng DN được CPH. Đặc biệt, đối với các thương vụ lớn Chính phủ cần lên kế hoạch kỹ càng từ trước và thực hiện dần từng bước, tránh gây ra tình trạng thị trường không hấp thu kịp.
Tuy vậy, một trong những vấn đề cần được cải thiện hiện nay là công tác thông tin đến công chúng. Theo định kỳ 6 tháng, hoặc ít nhất là hàng năm, Chính phủ nên cung cấp cho báo chí, cộng đồng NĐT những thông tin cơ bản về kế hoạch CPH/thoái vốn cho giai đoạn vừa qua; những thành quả đạt được và các biện pháp khắc phục khi không đạt kế hoạch.