Chị Diễm Phương (TP.HCM) trong một ngày cuối tuần tìm đến NHTMCP Nam Á (Nam A Bank) để tìm hiểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn. Theo đó, chị được nhân viên ngân hàng hỏi tỉ mỉ về số tiền gửi, kỳ hạn gửi… Sau khi biết chị có ý định gửi tiền với kỳ hạn 3 tháng để cho linh hoạt trong việc sử dụng vốn khi có nhu cầu, nhân viên giao dịch nói với chị sẽ được hưởng lãi suất 5,4%/năm.
Dù mức lãi suất trên đã cao hơn so với ngân hàng cũ mà chị giao dịch, nhưng chị Phương vẫn yêu cầu cộng thêm lãi suất cho khoản gửi 700 triệu đồng của mình. Cuối cùng, chị Phương thỏa thuận lãi suất thành công với mức 5,5%/năm kỳ hạn 3 tháng trở lên. “Nhận thấy lãi suất sau khi thỏa thuận hấp dẫn hơn lãi suất mà tôi gửi ở ngân hàng cũ, nên tôi quyết định gửi tiền mở thêm sổ tại Nam A Bank”, chị Phương chia sẻ.
Cũng hài lòng với mức lãi suất sau thỏa thuận tại Shinhan Bank, thế nhưng anh Hoàng Long (TP.HCM) cho biết anh khá bất ngờ vì mình làm được điều đó. Anh Long chia sẻ, mục đích tìm đến Shinhan Bank của anh lúc đầu không phải để gửi tiết kiệm mà là chuyển khoản cho đối tác. Tuy nhiên, khi trao đổi với nhân viên tín dụng, anh được tư vấn gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn so với biểu lãi suất đang lưu hành. Đơn cử, với số tiền 200 triệu đồng, anh Long thỏa thuận được lãi suất 4,9% (kỳ hạn 6 tháng). Trong khi đó, biểu lãi suất niêm yết kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng này chỉ ở mức 4,2%.
“Tôi không hề biết việc gửi tiết kiệm ngày nay khách hàng có thể thỏa thuận được lãi suất. Tôi cảm thấy điều này thật thú vị”, anh Long vui vẻ nói.
Qua tìm hiểu, không chỉ hai ngân hàng nêu trên một số NHTM khác như Maritime Bank, VietBank, OCB, SHB, SCB, Sacombank, ACB… cũng đang áp dụng rất nhiều chính sách lãi suất linh hoạt cho từng đối tượng khách hàng. Theo đó, những khách hàng gửi tiền số lượng lớn vẫn có thể thỏa thuận lãi suất theo chiều hướng có lợi cho người gửi. Song song đó, các ngân hàng cũng áp dụng rất nhiều chính sách khác tương đồng như cộng thêm lãi suất, gia giảm kỳ hạn, tặng thêm lãi suất, chuyển đổi hình thức gửi… dành cho khách hàng mới và cũ.
Thực ra, chuyện thỏa thuận lãi suất gửi tiết kiệm không phải là chuyện mới vì nó đã được các ngân hàng áp dụng từ rất lâu. Tuy nhiên, trước đây các ngân hàng thường không công khai chuyện thỏa thuận lãi suất mà chỉ áp dụng có điều kiện ở một số đối tượng khách VIP. Theo đó, không có nhiều khách hàng được ưu ái áp dụng lãi suất ưu việt mà các ngân hàng đưa ra. Và lẽ dĩ nhiên, chuyện thỏa thuận lãi suất cũng không phải là cụm từ “quen thuộc” đối với những khách hàng tầm trung.
Tuy nhiên, câu chuyện thỏa thuận lãi suất ngày nay đã được các ngân hàng triển khai thoáng và công khai hơn trước đây nhiều. Theo đó, bất cứ người gửi tiền nào cũng có thể thỏa thuận lãi suất theo tiêu chí của từng ngân hàng.
Điều này có được vì ngay từ đầu năm 2018, Thông tư số 14/2017/TT-NHNN quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng chính thức có hiệu lực thi hành; thay thế cho Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của NHNN và các TCTD.
Theo quy định của Thông tư số 14 thì TCTD và khách hàng được thỏa thuận về mức lãi suất, phương pháp tính lãi phù hợp với quy định của pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng và quy định tại Thông tư 14.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng tại TP.HCM, thông tư này của NHNN giúp các ngân hàng tính toán lãi suất tốt hơn để thu hút người gửi. Còn đối với người gửi tiền thì Thông tư này tạo nên môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng và sòng phẳng. Người gửi tiền dù nhiều tiền hay ít tiền đều có thể thỏa thuận với ngân hàng để có lãi suất tốt nhất sao cho hai bên cùng có lợi… Trong khi trước đó, chỉ có người nhiều tiền mới có quyền được yêu cầu thỏa thuận lãi suất.
Thực ra, trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm đang giảm dần ở các kỳ hạn ngắn. Việc thỏa thuận lãi suất mà các ngân hàng áp dụng là một điểm hấp dẫn không chỉ thu hút người gửi tiền mà còn có tác dụng kích thích sự hiếu kỳ của nhiều người. Suy cho cùng, hình thức thỏa thuận gửi tiền lúc này vừa đem lại niềm vui cho ngân hàng và người gửi tiền, mà vẫn đảm bảo hoạt động đúng với quy định của NHNN. Do đó, người gửi tiền cần nắm bắt thêm thông tin cũng như chính sách của từng ngân hàng để có thể thỏa thuận được mức lãi suất tốt nhất cho mình…