Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ luôn kiên định và coi ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, điều kiện quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, song lại có độ mở lớn.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ luôn nỗ lực tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, cắt giảm khoảng 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành…
Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 59.910 doanh nghiệp, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước; trong khi số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải là 7.714 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo nguồn tin trên, năm 2016 có tới 53% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận.
“Phải chăng các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thiếu khả quan do tình trạng vốn mỏng?”, Phó Thủ tướng nêu câu hỏi.
Trong bối cảnh còn có sự mất cân đối giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn, Phó Thủ tướng mong muốn các diễn giả tham dự Diễn đàn có thể tham mưu giúp Chính phủ để hoàn thiện thể chế phát triển thị trường tài chính.
Trong đó, đặc biệt là các giải pháp cung cấp vốn; đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước; tái cấu trúc thị trường; tăng cường năng lực hấp thu của hệ thống các chủ thể tham gia và củng cố hệ thống tài chính – ngân hàng, nhất là trước tình hình kinh tế khu vực và thế giới có nhiều biến động như hiện nay.
Phát triển thị trường vốn – tài chính trong điều kiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển… cũng là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm.
Trong phiên thảo luận đầu tiên, các diễn giả đã đề cập tới sự mất cân bằng trong vai trò cung ứng vốn cho thị trường giữa hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế phi ngân hàng, cũng như tác động kinh tế do sự mất cân bằng này mang lại.
Chia sẻ thêm về điểm này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, thị trường tài chính dù chưa phát triển thật sự đúng theo mong muốn, song thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ đã có những phát triển tương đối mạnh mẽ trong thời gian qua.
Phó Thống đốc đã chỉ ra thị trường chứng khoán có nhiều điểm đột phá, khi vốn hoá thị trường năm 2017 tăng trên 70%. Đối với thị trường tiền tệ, tỷ lệ tín dụng/GDP hiện ở khoảng 130%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khá thấp, khoảng 1,25%; trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm chủ yếu.
Bản chất hoạt động tổ chức tín dụng vốn dĩ là vốn ngắn hạn, nhưng thời gian qua, theo Phó Thống đốc, hệ thống ngân hàng phải đối mặt với áp lực lớn từ phía nhu cầu vốn của nền kinh tế, nên nhu cầu vốn vay trung, dài hạn vẫn là gánh nặng với các tổ chức tín dụng. Chính áp lực cho vay trung, dài hạn lớn khiến cho các tổ chức tín dụng đang phải đối mặt với rủi ro về chênh lệch kỳ hạn.
Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất chú trọng trong việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn, kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT… Trong các văn bản quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những quy định đối với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
“Ngân hàng Nhà nước luôn chú trọng và kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phối hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để luôn tạo lợi tức nắm giữ cho đồng Việt Nam. Có lộ trình theo hướng thu hẹp, giảm dần tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Chuyên gia Ngân hàng Thế giới – ông A.Alatabani cùng chung quan điểm khi thấy rằng các ngân hàng Việt Nam đang phải chịu áp lực lớn, đặc biệt về tăng trưởng tín dụng. Nên vấn đề đặt ra là làm sao để huy động được nguồn vốn dài hơi hơn.
Theo ông Alatabani, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam tạo ra bước đột phá, đổi mới sáng tạo, khắc phục tình trạng vốn mỏng, đặc biệt mở rộng nguồn vốn dài hạn. Và việc phát hành trái phiếu Chính phủ là bước đi phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì cho biết, chiến lược của thị trường vốn tài chính Việt Nam là hướng đến sự cân bằng giữa thị trường ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu.
Ông Dũng cũng cho rằng, để thị trường trái phiếu minh bạch cần phải đẩy mạnh việc các doanh nghiệp niêm yết chứng khoán. Cơ quan này cũng đang có đề án xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tại phiên thảo luận, các diễn giả cũng chỉ ra những rào cản hạn chế sự đa dạng hoá và hướng đi thúc đẩy đa dạng hoá hệ thống sản phẩm tài chính tại Việt Nam.
Vấn đề ứng dụng công nghệ vào các hoạt động tài chính để hoàn thiện hạ tầng tài chính theo hướng hiện đại, minh bạch; vấn đề tín dụng đen từ tình trạng khó tiếp cận nguồn vốn và cách thức giải quyết; những biện pháp minh bạch hoá và gia tăng giám sát thị trường, tạo lòng tin và thu hút các nhà đầu tư có tổ chức trong quá tình tái cấu trúc… đều là những nội dung được các diễn giả chia sẻ sôi nổi trong phiên thảo luận.