Thanh khoản mất hút trên sàn cơ sở
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục mất hút trong những phiên giao dịch vừa qua, cụ thể khối lượng giao dịch trên sàn HoSE bình quân trong tháng 6 chỉ đạt 135 triệu cổ phiếu/phiên, thấp đáng kể so với hơn 200 triệu cổ phiếu/phiên trong 3 tháng đầu năm nay, bất chấp nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thanh khoản sẽ cải thiện sau đợt điều chỉnh mạnh vào tháng 5.
Ngược lại, thanh khoản trên thị trường phái sinh tiếp tục lập kỷ lục. Sau khi liên tục tăng và đạt kỷ lục trong tháng 5 với tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch danh nghĩa lần lượt đạt 1.640.735 hợp đồng và 162.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 191,17% và 162,46% so với tháng 4, thì tháng 6 vừa qua khối lượng giao dịch lên đến 1.983.614 hợp đồng, tăng 21% trong khi giá trị giao dịch tăng 19% so với tháng 5, đạt 193.300 tỷ đồng. Nếu so với tháng đầu năm thì khối lượng và giá trị giao dịch trên thị trường phái sinh đã tăng tới 385% và 345%.
Trong tháng 6, khối lượng giao dịch cao nhất vào ngày 28/6 với 141.765 hợp đồng và giá trị giao dịch danh nghĩa đạt hơn 13.366 tỷ đồng, tương ứng tăng 24% và 28% so với tháng 5. Đáng lưu ý là sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường phái sinh dù vẫn chiếm tỷ trọng thấp nhưng đã có sự tăng trưởng đáng kể.
Cụ thể, khối lượng và giá trị khớp lệnh danh nghĩa của khối ngoại trên thị trường phái sinh đạt 4.548 hợp đồng và 441,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 92% và 68% so với tháng 5. Tổng kết nửa đầu năm 2018, chỉ riêng khối lượng và giá trị giao dịch của khối ngoại trong tháng 6 chiếm 1/3 tổng khối lượng và giá trị giao dịch của 6 tháng cộng lại.
Dòng tiền đổ sang chứng khoán phái sinh
Có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự tăng trưởng đột biến về thanh khoản trên thị trường phái sinh và sự mất hút của thị trường cơ sở trong 2 tháng trở lại đây. Thứ nhất là rủi ro trên thị trường cơ sở ngày càng tăng khiến nhà đầu tư càng e ngại giao dịch, nhất là khi khối ngoại vẫn liên tiếp bán ròng.
Trong khi đó, điểm số trên thị trường cơ sở biến động mạnh, tăng giảm hàng chục điểm chỉ trong một phiên mặc dù khiến rủi ro trên phái sinh tăng nhưng cũng đi kèm với lợi nhuận cao có thể đạt được trong phiên. Cụ thể như trong phiên ngày 25/6, hợp đồng phái sinh tháng 8 bất ngờ giảm gần chạm sàn về 901 điểm bởi lực bán bất ngờ trong phiên khớp lệnh đóng cửa.
Thứ hai, trong bối cảnh thị trường vẫn đối mặt với rủi ro điều chỉnh mạnh như hiện nay, thì cơ chế mua bán T+0 và cho phép bán khống trên thị trường phái sinh hấp dẫn hơn so với thị trường cơ sở, vì nhà đầu tư có thể chốt lời hoặc cắt lỗ ngay.
Thú ba, gần đây hàng loạt công ty chứng khoán đã giảm phí giao dịch mua bán chứng khoán phái sinh với mức ưu đãi khá lớn, càng kích thích nhà đầu tư tham gia.
Dù vậy, cũng có những luồng ý kiến cho rằng thị trường cơ sở đang bị thao túng, đặc biệt là chỉ số VN30 để kiếm lợi trên thị trường phái sinh. Điều này không phải là không có cơ sở khi mà với hàng loạt cổ phiếu lớn lên sàn vừa qua thì VN-Index nói chung và VN30 nói riêng chưa bao giờ dễ bị tác động đến thế. Cụ thể, 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã chiếm đến 84% vốn hóa toàn thị trường, trong đó 10 mã lớn nhất chiếm đến 60% trên sàn HoSE.
Chưa biết quan điểm này đúng hay sai nhưng rõ ràng cũng khiến những nhà đầu cơ vốn thích giao dịch theo tin đồn càng hứng thú hơn với phái sinh. Xu hướng đầu cơ trên thị trường chứng khoán phái sinh đã được thể hiện qua tình trạng các hợp đồng kỳ hạn ngắn chiếm ưu thế tuyệt đối so với các hợp đồng kỳ hạn dài do giá biến động sát với chỉ số tham chiếu .
Trước diễn biến khối lượng và giá trị giao dịch các hợp đồng tương lai tăng đột biến, nhiều nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu cơ sở cho rằng kênh đầu tư phái sinh hiện đang thu hút dòng tiền lớn từ chứng khoán cơ sở, qua đó có thể làm cho đà giảm của cổ phiếu sâu hơn khiến khả năng hồi phục cũng sẽ trễ hơn do dòng tiền chuyển sang tìm kiếm cơ hội từ thị trường phái sinh.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thị trường phái sinh có thể dẫn dắt thị trường cơ sở và ngược lại, thị trường phái sinh cũng có thể đi sau thị trường chứng khoán cơ sở. Mối quan hệ này mạnh hay yếu, dẫn dắt hay đi sau tùy thuộc vào mỗi thời điểm.
Nhà đầu tư cần lưu ý diễn biến tích cực của thị trường phái sinh trong thời gian gần đây, vì thanh khoản cao trên thị trường phái sinh có thể khó duy trì được lâu, thậm chí suy giảm trở lại.
Về cơ bản lợi thế đầu cơ trên đòn bẩy tài chính cao trên thị trường phái sinh sẽ trở thành bất lợi khi xu hướng không còn rõ ràng. Việc xác định sai xu hướng hay không đóng vị thế kịp thời có thể khiến tài khoản phái sinh giảm nhanh và mạnh so với chứng khoán cơ sở, khiến nhà đầu tư phải gánh những khoản thua lỗ nặng nề.