Điểm chung của tất cả các phiên giao dịch là thanh khoản thị trường vẫn thấp, thể hiện tâm lý e dè của nhà đầu tư, khiến dòng tiền chưa quay lại thị trường.
Cổ phiếu lớn phân hóa
Phiên giao dịch ngày 14/6 diễn ra không mấy tích cực khi lực bán dồn dập ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã đẩy các chỉ số cửa thị trường giảm sâu, đóng của tại mức thấp nhất ngày.
Vn-Index đóng cửa giảm gần 15 điểm về mức 1.015,72 điểm, HNX-Index giảm 1,75 điểm còn 114,91 điểm, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,1 điểm còn 53,1 điểm.
Tương tự như các đợt sụt giảm trước, nhóm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm luôn là những nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Trong danh sách 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn tới chỉ số, nhóm ngân hàng góp mặt 4 cái tên gồm VCB, BID, CTG, TCB. Chỉ tính riêng VCB đã “cuốn bay” của Vn-Index 1,23 điểm khi giảm 3% tương đương 1.800 đồng, xuống còn 58.000 đồng/cp.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu trụ cột như GAS, VIC, VJC, hay VRE đều chìm trong sắc đỏ, góp phần ảnh hưởng lớn đến các chỉ số thị trường chung.
Tuy nhiên, vẫn có những mã lớn giữ được sắc xanh kìm hãm được đà giảm của thị trường như: MSN, HSG, MWG… Trong đó, MSN tăng 1,2% lên 84.500 đồng/cp; HSG tăng 3,1% lên 13.200 đồng/cp…
Trước đó, thị trường cũng có một phiên giảm sâu hơn 18 điểm hôm 12/6, nhưng ngay sau đó đã hồi phục tốt khi tăng gần 10 điểm trong phiên 13/6. Tuy nhiên, đà tăng này không đi cùng thanh khoản tốt, dòng tiền tỏ ra khá dè dặt.
Do đó, ngay khi bắt đầu phiên giao dịch ngày 14/6, dòng tiền đã tập trung vào các mã vừa và nhỏ, “bỏ rơi” các bluechip, khiến nhóm này chìm trong sắc đỏ, đồng nghĩa với việc Vn-Index quay đầu giảm điểm.
Đà giảm này của thị trường đã thể hiện tâm lý thận trọng với những diễn biến trên thị trường trong bối cảnh những sự kiện có thể ảnh hưởng đến thị trường đã và sắp diễn ra, mà gần nhất là quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Điểm chung của thị trường từ đầu tuần đến nay là thanh khoản rất yếu. Phiên giao dịch đầu tuần chỉ đạt 4.500 tỷ đồng, ngày 12/6 đột biến hơn đạt 5.900 tỷ đồng, nhưng đến phiên 13/6, toàn bộ sự đột biến đó đã “bốc hơi” chỉ còn hơn 4.300 tỷ đồng.
Phiên giao dịch 14/6, thanh khoản trên toàn thị trường đạt 206,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt 5.100 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận vẫn đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Điều chỉnh là cần thiết
Việc thanh khoản giảm khó hỗ trợ thị trường tăng bền vững, do đó, những phiên điều chỉnh giảm là chuyện đương nhiên, cũng không quá gây bất ngờ cho nhà đầu tư.
Tuần này lại là tuần tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF, nên kế hoạch mua bán của các quỹ này cũng ảnh hưởng tới thị trường chung và thường sẽ đẩy mạnh giao dịch vào ngày cuối tuần (thứ Sáu), cũng là ngày kết thúc hoạt động này.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng sự trồi sụt của Vn-Index vừa qua là do các nhà đầu tư đang ở trong trạng thái “lướt sóng” ngắn và mua bán liên tục trong phiên để chốt lời.
Hơn nữa, hiện nay, nhiều cổ phiếu đã có mức tăng 15% – 20% từ mức đáy trong tháng 5, nên áp lực chốt lời đang khiến các chỉ số thu hẹp lại đà tăng, không loại trừ khả năng sẽ còn tiếp tục điều chỉnh trong tuần này.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS), thị trường chứng khoán sẽ có kỳ vọng tích cực trong 2 tuần cuối tháng 6 và có thể kéo dài tới tháng 8.
Theo ông Ngọc, những thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh quý II sẽ là “liều doping” cho cổ phiếu của doanh nghiệp trong ngắn hạn, bởi những thông tin này sẽ bắt đầu được “ước tính” từ đầu tháng 7 và được công bố chính thức sau đó.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và bluechip vẫn có vai trò dẫn dắt thị trường và nhiều khả năng vẫn sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý II. Nhiều nhóm cổ phiếu cũng đang về vùng giá hấp dẫn sau nhịp giảm vừa qua, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân trong thời gian tới.
Trước đó, công ty Chứng khoán BSC cũng đưa ra nhận định, trong trường hợp tích cực trong tháng 6, thị trường phân hóa, các cổ phiếu lớn vẫn thay nhau làm trụ giữ thị trường và dòng tiền chờ công bố kết quả kinh doanh quý II. Thanh khoản ở mức trung bình, chỉ số dần ổn định tạo vùng tích lũy trên 1.000 điểm
Hơn nữa, trong thời gian từ 14/6-15/7, World Cup 2018 sẽ diễn ra tại Nga, đây là sự kiện được hàng triệu người hâm mộ bóng đá chờ đón và cũng là cơ hội của nhiều doanh nghiệp niêm yết “ăn theo”. Có thể kể đến như cổ phiếu ngành bia, thực phẩm hay điện tử, tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên lưu ý tránh “hòa tan” cùng niềm vui bóng đá, bởi trong lịch sử các kỳ World Cup là khoảng thời gian không mấy tốt đẹp đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.