Việc “vắng bóng” những thông tin tích cực trong thời gian dài cũng có thể xem là yếu tố khiến thị trường diễn biến ảm đạm như hiện nay. Theo thông lệ, bắt đầu từ tháng 7, lần lượt các doanh nghiệp sẽ công bố kết quả kinh doanh bán niên, được kỳ vọng sẽ thay đổi “vận mệnh” nhiều cổ phiếu trong ngắn hạn.
Dù vậy, không phải nhóm cổ phiếu nào cũng nhận được những dự báo tích cực. Liệu có kỳ vọng nào cho một cơ hội để thị trường “dậy sóng”?
Những gam màu tối
Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã dần hé lộ kết quả kinh doanh quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 với những con số ước tính “trong mơ”, gây chú ý nhất có lẽ là nhóm ngân hàng.
Là ngân hàng triển khai kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm sớm nhất, Vietcombank cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng dự kiến đạt hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ và bằng 55,2% kế hoạch cả năm.
Theo thông tin từ NamABank, tính đến 16/6/2018, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đã đạt 97,3% kế hoạch kinh doanh năm mà ĐHĐCĐ đã thông qua, tương đương khoảng 292 tỷ đồng (gần bằng lợi nhuận cả năm 2017).
Tương tự, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của TPBank đạt 1.024 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế, sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, đạt mức 1.024 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khác với ngành ngân hàng, kết quả kinh doanh quý II/2018 của khối các công ty chứng khoán lại được dự báo sẽ khó duy trì đà tăng trưởng, do bị ảnh hưởng bởi diễn biến xấu của thị trường trong thời gian này.
Tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư cũng dẫn đến việc hạn chế giải ngân, ảnh hưởng đến doanh thu môi giới và các khoản cho vay.
Mặc dù chưa công bố con số chính thức, nhưng dựa trên tình hình thị trường hiện tại, không quá khó để nhận ra việc dư nợ vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán đã giảm mạnh so với cuối quý I.
Ngoài ra, nhiều công ty chứng khoán còn phải gánh thêm rủi ro từ trích lập dự phòng, thua lỗ tự doanh khi mặt bằng giá cổ phiếu trong thời gian qua đã giảm quá sâu..
Chẳng hạn như tại CTCK VnDirect (mã: VND), tính tới cuối quý I/2018, danh mục đầu tư FVTPL và AFS có giá trị 1.993 tỷ đồng, chiếm 20,5% tổng tài sản và tương đương 75,3% vốn chủ sở hữu.
Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, cao su thiên nhiên cũng khó có khả năng “tỏa sáng”, bởi các doanh nghiệp trong nhóm ngành này bị phụ thuộc vào giá dầu, giá cao su thế giới.
Trong khi giá cao su tự nhiên giảm, thì giá dầu lại đang ở vùng cao nhất trong 3,5 năm qua. Những thông tin này đều khiến doanh nghiệp không vui, bởi khi nguyên liệu đầu vào tăng sẽ khiến lợi nhuận bị thu hẹp.
Có nên kỳ vọng
Trên thực tế, “sóng” kết quả kinh doanh thường chỉ tập trung vào một nhóm cổ phiếu và thường chỉ diễn ra ở giai đoạn “đồn doán”, trước thời điểm công bố chính thức.
Hơn nữa, khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính chính thức, cần phải chờ tới báo cáo tài chính kiểm toán, nhà đầu tư mới có thể đánh giá được thực chất tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Trong mùa ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, không ít các doanh nghiệp đã “mất điểm” trong mắt các cổ đông khi nhiều con số tại báo cáo tài chính năm 2017 được kiểm toán có sự thay đổi đáng kể.
Có thể lấy ví dụ về trường hợp tại CTCP Sông Đà 7 (mã: SD7), báo cáo kiểm toán đã chuyển khoản lãi 37 triệu đồng thành lỗ gần 18 tỷ đồng, do mục “chi phí khác” bị điều chỉnh tăng gần bằng con số lỗ. Sở dĩ SD7 hạch toán như vậy là do muốn “phù phép” một khoản lãi khiêm tốn nhằm tránh bị hủy niêm yết.
Hay như trường hợp của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã: ITA) cũng bị “bốc hơi” 90% lợi nhuận sau khi kiểm toán. Tình trạng trên cũng xảy ra tại nhiều doanh nghiệp khác như : Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Sabeco, Chiếu xạ An Phú…
Theo đó, những khoản lợi nhuận khổng lồ từ lời đồn, đến thực tế là cả một quãng đường khá dài, theo đó, nhà đầu tư cần tỉnh táo trong quyết định đầu tư, doanh nghiệp báo lãi, nhưng chưa chắc đã làm ăn tốt.
Đáng chú ý, trong suốt ba năm qua, chỉ số Vn-Index luôn đạt mức tăng trưởng tốt trong tháng 7, tháng đầu tiên nhận cú huých từ kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm.
Thế nhưng, trong lịch sử giao dịch tháng 7 trên sàn HoSE, có 19 mã cổ phiếu góp mặt trong nhóm tăng giá, nhưng lại có tới 23 mã giảm giá.
Điều đáng nói là những mã giảm này hầu hết lại nằm trong nhóm cổ phiếu cơ bản, vố hóa vừa và lớn như: QCG, CSM, VHG, DRH, VPH, PVD, NBB, HSG…
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Văn Toại, trưởng phòng tư vấn đầu tư CTCK VPBS, dù thị trường đã đi qua giai đoạn “đói” thông tin, giá trị của nhiều mã cổ phiếu đã ở vùng hấp dẫn, nhưng nhiều thông tin tiêu cực về căng thẳng thương mại giữa các cường quốc thì vẫn còn.
Điều này có thể gây tác động tiêu cực tới thị trường tài chính – chứng khoán thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Do đó, sự thận trọng và sàng lọc thông tin sẽ là rất cần thiết để giảm thiểu rủi ro.