Đồng thời chỉ số này sẽ giúp cơ quan quản lý chủ động hơn trong điều hành thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, ĐTCK có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA (ảnh).
Chỉ số VNIBOR đo lường những tín hiệu gì trên TTTC, thưa ông?
Lãi suất là giá của đồng vốn và về cơ bản được hình thành trên cơ sở quan hệ cung – cầu vốn trên thị trường ở từng thời điểm cụ thể đối với từng loại tiền, kỳ hạn, số tiền, mức độ rủi ro của đối tượng vay vốn… Như vậy, trên thị trường luôn cùng lúc có nhiều loại lãi suất khác nhau cho nhiều loại vốn có đặc điểm khác nhau.
Thông thường, ở các thị trường phát triển, trong cùng một thời điểm và với cùng một loại tiền cụ thể, các thành viên tham gia thị trường cũng như nhà quản lý luôn tìm cách xây dựng các mức lãi suất giao dịch chuẩn cho các kỳ hạn giao dịch chuẩn, từ kỳ hạn qua đêm cho đến các kỳ hạn dài hơn như từ 1 – 9 tháng, 1 năm, 3 năm… Các mức lãi suất chuẩn này thường được xác định trên cơ sở mức lãi suất của những người đi vay tốt nhất, có độ tín nhiệm cao nhất trên thị trường và thường được dùng để làm cơ sở xác định mức lãi suất giao dịch cho các đối tượng vay khác có mức độ tín nhiệm bằng hoặc thấp hơn. Vì vậy, các thành viên thị trường cần mức lãi suất chuẩn để làm cơ sở định giá các sản phẩm giao dịch trên thị trường một cách minh bạch, còn nhà quản lý lại cần có các mức lãi suất chuẩn này để nắm bắt được chính xác tín hiệu cũng như phản ứng của thị trường để có các biện pháp điều hành phù hợp, hiệu quả.
Các mức lãi suất chuẩn cho những kỳ hạn ngắn dưới 1 năm thường được xây dựng trên cơ sở lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giữa các ngân hàng có chất lượng, quy mô hoạt động và mức xếp hạng tín nhiệm cao hàng đầu trên thị trường. Các mức lãi suất chuẩn cho những kỳ hạn trên 1 năm thường được xác định trên cơ sở giá của các trái phiếu chính phủ lô lớn với các kỳ hạn chuẩn tương ứng trên 1 năm.
Đường cong lãi suất ngắn hạn chuẩn rất thông dụng trên TTTC thế giới, nhưng tại sao Việt Nam vẫn chưa thể xây dựng chỉ số này, thưa ông?
Ý tưởng xây dựng chỉ số VNIBOR đã được các thành viên VBMA nung nấu từ khá sớm, xuất phát từ lợi ích thiết thực của chỉ số này, nhưng chưa thể hình thành do một mặt chưa có sự quan tâm thích hợp từ phía cơ quan quản lý và chưa có tổ chức trung gian đủ mạnh để điều phối xây dựng các tiêu chí lựa chọn những ngân hàng thương mại hàng đầu làm các nhà tạo lập thị trường, cũng như xây dựng cơ chế hợp tác giữa các nhà tạo lập thị trường trong việc tính toán đưa ra mức lãi suất chuẩn cho các kỳ hạn khác nhau. Quy định hiện hành về trần lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ở mức 13,5%/năm làm cho việc chào giá của các nhà tạo lập thị trường trên thị trường liên ngân hàng để làm cơ sở hình thành VNIBOR không phản ánh được chính xác tương quan cung – cầu thực tế, đồng thời làm cho VNIBOR trở nên không chính xác, không có tác dụng làm cơ sở tham chiếu cho thị trường.
Nhiều cản trở là vậy, tại sao VBMA lại tin tưởng có thể xây dựng chỉ số VNIBOR thành công?
Chúng tôi tin tưởng vì 2 lý do chính. Thứ nhất, sự phát triển của TTTC trong nước là rất nhanh trong các năm trở lại đây. Sự phát triển của thị trường về quy mô giao dịch, sản phẩm giao dịch, số lượng, thành phần cũng như sự hiểu biết và tính chuyên nghiệp của các đối tượng tham gia đang đòi hỏi các hoạt động của thị trường phải ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, minh bạch theo thông lệ quốc tế. Thứ hai, cùng với sự phát triển của thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và NHNN nói riêng cũng ngày càng quan tâm và mong muốn có được hệ thống thông tin thị trường đầy đủ, chính xác, kịp thời và minh bạch để có thể đưa ra các chính sách quản lý hiệu quả.
Thưa ông, việc xây dựng thành công chỉ số VNIBOR mang lại lợi ích gì cho các chủ thể kinh doanh trên TTTC, trong đó có TTCK?
Việc xây dựng được đường cong lãi suất ngắn hạn chuẩn VNIBOR sẽ giúp người ra quyết định kinh doanh trên thị trường có cơ sở tham khảo minh bạch, đủ độ tin cậy để đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp, qua đó sẽ khuyến khích và thúc đẩy các NĐT, nhà kinh doanh tham gia thị trường mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các tổ chức chuyên nghiệp trong và ngoài nước có yêu cầu về mức độ minh bạch cao. Trong khi cơ quan quản lý có thể nắm bắt được xu hướng của thị trường, để trên cơ sở đó có chính sách điều hành linh hoạt, hiệu quả hơn.