Trong khi giá nhôm trên phần lớn thị trường đều đã trở lại bình thường, thị trường nhôm bán thành phẩm (từ dạng phôi, tấm cho tới dạng than) vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.
Đơn giản vì Rusal là một trong những doanh nghiệp sản xuất nhôm bán thành phẩm hàng đầu thế giới vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Ngay cả khi Mỹ úp mở về việc gỡ lệnh trừng phạt, một số nhà sản xuất vẫn không sẵn sàng đặt niềm tin lại vào công ty này.
Một nguồn tin thân cận của Bloomberg cho biết, trước khi bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, Rusal từng nhận đơn sản xuất hợp kim cho các bộ phận của ôtô từ một khách hàng lớn ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, khách hàng này sau đó đã rút lui vì lo ngại bất ổn về nguồn cung.
Những doanh nghiệp tiêu thụ nhôm chắc chắn đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho khả năng Rusal bị tái trừng phạt, chuyên gia phân tích thị trường nhôm tại CRU Group cho biết.
Tuy nhiên, đây sẽ không phải là điều dễ dàng. Bởi trên thực tế, quá trình sản xuất nhôm bán thành phẩm phức tạp và đắt đỏ hơn nhôm thỏi bình thường và cũng có ít nơi cung cấp sản phẩm này. Hơn nữa, thị trường đang có xu hướng giao dịch nhôm bán thành phẩm theo hợp đồng dài hạn, đồng nghĩa rằng việc chuyển qua giao dịch kỳ hạn khác sẽ mất thời gian dài hơn.
Ngay sau khi lệnh trừng phạt được ban hành vào ngày 6/4, chi phí cho các lô hàng nhôm xuất khẩu (gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm) tăng vọt. Đến thời điểm Mỹ “xuống giọng” với Rusal gần đây, giá nhôm thỏi bắt đầu hạ nhiệt nhưng chi phí cho các sản phẩm nhôm bán thành phẩm vẫn “ngất ngưởng trên trời”.
Tập đoàn nhôm của Nga buộc phải cho ngừng dây chuyền sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng sau lệnh trừng phạt của Mỹ, và sau đó dần khôi phục các nhà máy này, theo hai nguồn tin thân cận của Bloomberg. Tuy nhiên, Rusal có thể phải giảm sản lượng trở lại nếu từ nay cho tới tháng 10, Mỹ không gỡ lệnh trừng phạt. Khi đó, toàn bộ chuỗi cung ứng nhôm của thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn.
Một vấn đề khác nữa là Rusal luôn đàm phán các hợp đồng cung cấp nhôm hàng năm vào tháng 9. Như vậy, nếu các biện pháp trừng phạt vẫn được duy trì, công ty này sẽ khó tìm được khách hàng.
Công ty En+ Group Plc, sở hữu 48% cổ phần của Rusal, từng yêu cầu Mỹ tạm thời gỡ bỏ lệnh trừng phạt cho tới ngày 5/8 để công ty hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực. Nếu không được chấp thuận, En+ sẽ phải xem xét đến khả năng quốc hữu hóa hoặc bán Rusal cho Trung Quốc. Khi đó, thị trường nhôm toàn cầu sẽ lại rơi vào hỗn loạn như khi Mỹ giáng đòn xuống tập đoàn nhôm này hồi tháng 4.
Ông Van ước tính, sản lượng nhôm giá trị gia tăng của Rusal trong năm 2019 sẽ thấp hơn 24% so với thời kỳ đạt đỉnh vào năm 2017. Các sản phẩm này chiếm gần một nửa trong tổng sản lượng 4 triệu tấn nhôm mà tập đoàn sản xuất trong năm ngoái.
Khi cái tên Rusal vắng mặt trên thị trường, các doanh nghiệp sản xuất khác đã nhảy vào lấp chỗ trống nhưng việc thay đổi quá trình sản xuất sẽ mất nhiều thời gian. Tháng 5, Công ty Vedanta Ltd. của Ấn Độ cho biết sẽ đầu tư 100 triệu USD để tăng năng suất sản xuất phôi nhôm, hợp kim nhôm và dây nhôm.