Dầu cao nhất hơn 1 tháng
Giá dầu thô tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng do gia tăng lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Iran và Venezuela trong khi tồn trữ của Mỹ giảm.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 63 US cent lên 77,77 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 74 US cent lên 70,25 USD/thùng, cả 2 đều cao nhất trong vòng hơn 1 tháng. Trong phiên có lúc WTI đạt 70,50 USD. Chỉ trong 2 tuần qua, dầu Brent đã tăng gần 10%.
Xuất khẩu dầu thô Iran chắc chắn sẽ giảm xuống chỉ hơn 2 triệu thùng/ngày, so với mức cao điểm 3,1 triệu thùng/ngày hồi tháng 4/2018, vì các nhà nhập khẩu từ chối mua do sức ép từ Mỹ. Sản lượng của Venezuela tiếp tục giảm, Angola cũng đang rất khó khăn mới duy trì được sản lượng, trong khi một số khu vực sản xuất của Libya cũng gặp vấn đề.
Ngoài căng thẳng địa chính trị, thiên tai cũng có thể ảnh hưởng tới thị trường. Một cơn bão có thể đang hình thành ở ngoài khơi châu Phi, có thể di chuyển vào Vịnh Mexico.
Tồn trữ dầu thô thương phẩm của Mỹ trong tuần tới 24/8/2018 đã giảm nhiều hơn mức dự kiến 2,6 triệu thùng, xuống 405,79 triệu thùng.
Palađi cao nhất 10 tuần, vàng giảm
Giá palađi phiên vừa qua có lúc đạt mức cao nhất kể từ 19/6/23018, là 983,75 USD/ounce, trước khi kết thúc ở 965 USD (gần như không thay đổi so với đóng cửa phiên trước). Palađi hiện đang đắt hơn tới 170 USD/ounce so với bạch kim, mức chênh lệch cao nhất kể từ tháng 3/2001 do thị trường palađi toàn cầu thiếu hụt nguồn cung trong khi bạch kim dư thừa.
Giá vàng giảm xuống dưới mức hỗ trợ 1.200 USD/ounce sau khi USD mạnh lên nhờ những số liệu kinh tế tích cực phát đi từ Mỹ. Vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.198,84 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 12/2018 giảm 6,5 USD (0,5%) xuống 1.205 USD/ounce.
Nhà phân tích Carsten Menke thuộc Julius Baer cho rằng giá vàng hiện đang ở mức “đáy”, và tin tưởng “vàng sẽ tăng giá trong trung và dài hạn, song trước mắt thị trường này sẽ gặp nhiều khó khăn vì USD mạnh lên”.
Nhôm giảm từ mức cao nhất 2 tuần
Giá nhôm quay đầu giảm sau 5 phiên tăng liên tiếp trước đó. Thị trường từ chỗ thăng hoa với kỳ vọng về Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ mới (NAFTA) chuyển sang lo ngại về căng thẳng giữa Mỹ và nước tiêu thụ nhôm lớn nhất thế giới – Trung Quốc.
Chốt phiên vừa qua, hợp đồng tham chiếu (kỳ hạn giao sau 3 tháng) trên sàn London giảm 1,8% xuống 2.132 USD/tấn, mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 tuần. Phiên trước đó, giá đạt mức cao nhất 2 tháng (2.178 USD/tấn).
Ngày 29/8/2018, các nhà lãnh đạo Mỹ và Canada bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận NAFTA mới trước thời hạn 31/8/2018. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán mới nhất giữa Mỹ với Trung Quốc lại không đi đến thỏa thuận nào.
Thị trường kim loại đang trong giai đoạn khó khăn, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gặp khó gây lo ngại nhu cầu nhôm và các kim loại khác sẽ giảm sút. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho phép nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu nhôm Aragentina, nhưng vẫn giữ nguyên thuế nhập khẩu ô tô – sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu nhôm.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, hoạt động tại các nhà máy ước tính đang chậm lại tháng thứ 3 liên tiếp do nhu cầu trong nước yếu và xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn.
Thép giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2018
Giá thép tại Trung Quốc tiếp tục giảm phiên thứ 7 liên tiếp. Thị trường tiếp tục điều chỉnh sau đợt giá tăng lên mức cao nhất 7 năm vào ngày 22/8/2018.
Thép cây giao tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 2,5% xuống 4.118 CNY (603 USD)/tấn, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2018. Chỉ trong 7 phiên giao dịch vừa qua, giá đã mất gần 7%.
Than giảm hơn 5%
Giá than tại Trung Quốc cũng giảm mạnh sau đợt tăng cao gần đây. Than cốc giảm 5,3% xuống 2.448 CNY/tấn. Đầu tháng 8/2018, giá than đã lên cao kỷ lục 2.720,50 CNY/tấn.
Nga đang lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu than sang châu Á, trọng tâm là Trung Quốc, theo đó sẽ tăng gấp đôi lượng xuất khẩu sang khu vực vào năm 2025. Năm 2018, Nga dự kiến xuất khẩu 420 triệu tấn than, vượt mức cao kỷ lục thời Liên Xô.
Gạo vững ở Thái Lan và Việt Nam, giảm ở Ấn Độ
Nhu cầu nhập khẩu gạo trên thị trường châu Á tiếp tục thấp khiến giá gạo tại 3 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới tuần qua vững hoặc giảm nhẹ. Đối với loại 5% tấm, gạo Ấn Độ giảm 3 USD/tấn xuống 386-390 USD/tấn, mặc dù đồng rupee xuống mức thấp kỷ lục lịch sử tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của nước này; gạo Thái Lan vững ở 393- 395 USD/tấn (so với 390- 395 USD/tấn cách đây một tuần); trong khi gạo Việt Nam vững ở 395- 400 USD/tấn. Thị trường đang kỳ vọng một số khách hàng lớn sắp quay trở lại. Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines ngày 29/8/2018 thông báo nước này sẽ nhập khẩu thêm 132.000 tấn gạo để tăng cung ở các tỉnh miền nam, nơi giá đã tăng trong những tuần gần đây vì khan hiếm hàng.
Theo USDA, sản lượng gạo Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 28,94 triệu tấn, tăng lên 29,07 triệu tấn trong năm 2019, so với 27,4 triệu tấn năm 2017. Tiêu thụ dự báo cũng sẽ lần lượt ở 22,1 triệu tấn, 22,4 triệu tấn và 22 triệu tấn. Xuất khẩu năm nay và năm tới dự báo vững ở 7 triệu tấn.
Đường tăng do sản lượng của EU và Brazil thấp
Giá đường trắng và đường thô cùng tăng trong phiên vừa qua do dự báo sản lượng giảm Châu Âu và Brazil có thể làm giảm lượng dư cung trong niên vụ 2018/19, mặc dù việc Ấn Độ bội thu ngăn cản xu hướng giá tăng. Kết thúc phiên, đường trắng tăng 0,2 US cent (1,9%) lên 10,57 US cent/lb, còn đường trắng tăng 2,7 USD (0,8%) lên 324,30 USD/tấn.
Hãng phân tích Green Pool đã hạ mức dự báo dư cung đường năm 2018/19 xuống 4,24 triệu tấn (quy thô), từ 6,62 triệu tấn đưa ra trước đó.
Lý do bởi sản lượng sẽ giảm ở EU và khu vực trung – nam Brazil. Theo Green Pool, sản lượng đường EU năm 2018/19 sẽ ở mức 17,7 triệu tấn (quy thô), giảm so với 19,8 triệu tấn vụ trước đó. Khu vực trung- nam Brazil cũng sẽ chỉ thu hoạch được 28,3 triệu tấn đường trong vụ này, so với 36,1 triệu tấn ở vụ trước.
Tuy nhiên, dự báo về sản lượng của Ấn Độ được điều chỉnh tăng từ 32,2 triệu tấn lên 33,5 triệu tấn, và dư cung đường thế giới niên vụ 2017/18 do đó cũng sẽ tăng lên 19,9 triệu tấn (trước đây dự báo là 19,6 triệu tấn).
Đậu tương giảm sâu
Giá đậu tương giảm do dự báo sản lượng của Mỹ tăng cao và lo ngại nhu cầu có thể giảm sút. Đậu tương giao tháng 11/2018 trên sàn Chicago có lúc chỉ đạt 8,29 USD/bushel, thấp nhất kể từ 16/7/2018, trước khi hồi phục nhẹ lên 8,31-1/2 USD/bushel vào cuối phiên (giảm 4-1/2 cent so với đóng cửa phiên trước).
Nhà môi giới hàng hóa INTL FCStone đã nâng dự báo năng suất đậu tương Mỹ năm 2018 lên 53,8 bushel/acre từ mức 51,5 bushel đưa ra đầu tháng 8. Đây sẽ là mức cao kỷ lục lịch sử. Trong khi đó, nhu cầu đối với mặt hàng này trở nên bấp bênh. Thị trường chưa hết lo về căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và việc Trung Quốc giảm nhập khẩu đậu tương Mỹ thì xuất hiện thêm việc dịch cúm lợn hoành hành ở Trung Quốc, chắc chắn sẽ làm cho nhu cầu khô đậu tương của nước này chậm lại. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Trung Quốc đã phát hiện 5 ổ dịch. Ổ mới nhất vừa được công bố vào ngày 30/8/2018 tại tỉnh An Huy, ảnh hưởng tới 185 con lợn.
Cao su tăng tiếp
Gía cao su trên thị trường Tokyo tiếp tục tăng do lo ngại sản lượng ở một số nước sản xuất chủ chốt thấp dần bởi giá rẻ kéo dài và điều kiện thời tiết bất lợi.
Cao su kỳ hạn tháng 2/2019 tại Tokyo tăng 1,4 JPY lên 173,9 JPY (1,56 USD)/kg. Tại Thượng Hải, cao su giao tháng 1/2019 cũng tăng 95 CNY (0,8%) lên 12.455 CNY (1.823 USD)/tấn.
Giá cao su đã giảm 20% trong vòng một năm qua do lo ngại cuộc chiến thương mại giữa Washington và Beijing làm giảm nhu cầu. Tuy nhiên, hàng loạt các vụ động đất ở Indonesia và lũ lụt ở Ấn Độ có thể khiến sản xuất cao su bị chậm lại. Thời tiết ở Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ và Sri Lanka đã diễn biến không thuận lợi trong 7 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, tồn trữ cao su tại các kho của sàn Thượng Hải vẫn cao sau khi tăng gần 43% từ đầu năm tới nay. Tồn trữ tại Tokyo cũng tăng lên 11.012 tấn tính tới 20/8/2018 (tăng 46% so với 10 ngày trước đó).
Cà phê quanh mức thấp kỷ lục nhiều năm
Giá cà phê giảm do nội tệ Brazil tiếp tục mất giá, hiện ở mức thấp nhất 3 năm so với USD, thúc đẩy hoạt động bán ra từ các nhà xuất khẩu nước này. Arabica giao tháng 12/2018 trên sàn New York giảm 0,25 US cent (0,2%) xuống 1,0265 USD/lb per lb. Ước tính hợp đồng arabica giao sau 2 tháng giảm trên 9% trong tháng 8/2018, là tháng giảm thứ 3 liên tiếp, trung tuần tháng 8 có lúc giá chạm mức thấp nhất 12 năm.
Robusta giao tháng 11/2018 trên sàn London cũng giảm 24 USD (1,6%) xuống 1.522 USD/tấn vào lúc đóng cửa, trong phiên có lúc xuống thấp nhất kể từ tháng 4/2016 (1.515 USD/tấn).
Cà phê Việt Nam đang ở mức thấp nhất hơn 2 năm do ảnh hưởng của giá quốc tế. Tại Đắc Lắc, giá chào bán hiện khoảng 33.500 đồng đến 33.700 đồng (1,44 – 1,45 USD)/kg, so với 32.500 đồng cách đây một tuần. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 4/2016. Tuy nhiên, người trồng cà phê hiện chỉ còn trữ khoảng 2% sản lượng của vụ 2017/18. Giá thấp nên lượng giao dịch cũng ít.
Tại Indonesia, vụ thu hoạch sắp kết thúc, lượng giao dịch cũng không nhiều. Giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) ở Lampung hiện cao hơn 100 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 11/2018 tại London (so với mức +90 đến 140 USD cách đây một tuần). Một số nhà xuất khẩu đang trữ hàng lại với dự đoán giá sẽ tăng lên.
Chè tăng do cung khan hiếm
Giá chè tại Bangladesh trong phiên đấu giá tuần này tăng mạnh do lượng chào bán giảm. Tại trung tâm giao dịch Srimangal, giá trung bình ở mức 279,38 taka (2,7 USD), so với 279,29 taka ở phiên trước. Nhu cầu đối với chè ngon vẫn duy trì ở mức cao.
Là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu, sản lượng của Việt Nam tăng từ 1,03 triệu tấn năm 2016 lên 1,04 triệu tấn năm 2017, mặc dù diện tích trồng giảm nhanh từ 133.400 ha xuống khoảng 129.300 ha. Xuất khẩu chè cũng tăng mạnh từ 130.904 tấn lên 139.785 tấn trong cùng kỳ. Tám tháng đầu năm 2018, xuất khẩu đạt 80.103 tấn, trị giá 131 triệu USD.
Giá một số mặt hàng chủ chốt đầu giờ sáng nay