Dầu giảm
Giá dầu giảm trong phiên đêm qua do dịch bệnh virus corona không có dấu hiệu chậm lại, gây lo ngại về kinh tế toàn cầu và thúc đấy các nhà đầu tư bán các tài sản rủi ro như chứng khoán dầu thô. Giá dầu giảm ngay cả khi OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý 2, đây là đợt cắt giảm nhiều nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng cần thuyết phục Nga và các nhà sản xuất khác tham gia. Tuy nhiên cho đến nay Moscow chỉ ủng hộ gia hạn thỏa thuận hơn là đồng ý cắt giảm thêm sản lượng.
Chốt phiên 5/3, dầu thô Brent giảm 1,14 USD hay 2,2% xuống 49,99 USD/thùng. Dầu thô WTI giảm 88 US cent hay 1,9% xuống 45,90 USD/thùng.
OPEC sẽ đề xuất cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày kéo dài đến hết năm nay.
Nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank cho biết, tình trạng rõ ràng xung quanh kết quả của cuộc họp OPEC+ đang đè nặng lên giá dầu. Bộ trưởng Tài chính của Nga cho biết Moscow đã chuẩn bị khả năng giá dầu giảm nếu OPEC và các đồng minh không đạt được một thỏa thuận cắt giảm nguồn cung.
Nhu cầu dầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của virus corona. Dự báo ban đầu về tăng trưởng nhu cầu dầu thô trong năm 2020 đã bị điều chỉnh giảm, do hoạt động hạn chế của nhà máy, du lịch và các hoạt động kinh tế khác trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Công ty Năng lượng Rystad hiện nay dự đoán nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 500.000 thùng/ngày trong năm 2020, giảm so với dự báo 820.000 thùng/ngày hồi tháng 2.
Giá dầu được hỗ trợ bởi tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng thấp hơn dự kiến, mặc dù có một số lo ngại về dư cung tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Nhà nhập khẩu khí hàng đầu của Trung Quốc, PetroChina đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với nhập khẩu khí đốt tự nhiên vì sự bùng phát của virus corona. Công ty đã đưa ra thông báo cho phép dừng nghĩa vụ hợp đồng theo điều khoản ngoại lệ đối với các nhà cung cấp khí đốt và ít nhất một nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng.
Vàng tăng 2%
Giá vàng tăng 2% trong phiên qua lên mức cao nhất trong hơn một tuần do số ca lây nhiễm virus corona tiếp tục lan ra khắp thế giới, làm gia tăng mối lo ngại về tác động của dịch bệnh tới kinh tế toàn cầu và khiến các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn.
Vàng giao ngay tăng 1,9% lên 1.666,16 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 4 của Mỹ đóng cửa tăng 1,5% lên 1.668 USD/ounce.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết sự lây lan toàn cầu đã dập tắt hy vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm nay, trong khi một báo cáo của Fed cho thấy những dấu hiệu bệnh dịch bắt đầu gây áp lực lên tâm lý kinh doanh của Mỹ.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu dự kiến cắt giảm lãi suất 10 điểm cơ bản trong tuần tới.
Hỗ trợ vàng là USD giảm so với các đồng tiền đối thủ, khiến vàng rẻ hơn cho người giữ các loại tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ xuống trở lại dưới 1%.
Hầu hết kim loại công nghiệp tăng
Giá hầu kết các kim loại tăng trong phiên, do dự đoán có thêm các biện pháp kích thích từ các ngân hàng trung ương và chính phủ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu suy yếu bởi sự lây lan của virus.
Tuy nhiên, các thương nhân cho biết, thị trường kim loại công nghiệp vẫn ảm đạm do người tiêu dùng và sản xuất chờ đợi diễn biến trong những tuần và tháng tới.
Giá kẽm trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đóng cửa tăng 1,5% lên 2.011 USD/tấn. Giá kim loại này được sử dụng rộng rãi trong mạ kẽm đã giảm gần 1/5 giá trị kể từ giữa tháng 1.
Chì tăng 0,9% lên 1.835 USD/tấn, thiếc tăng 0,6% lên 17.025 USD/tấn và nickel tăng 1,7% lên 12.890 USD/tấn.
Trong khi hầu hết các kim loại cơ bản tăng, đồng lại giảm do các thị trường chứng khoán Mỹ và Châu Âu quay lại xu hướng giảm bởi số ca nhiễm virus tăng vọt tại Mỹ.
Giá đồng đóng cửa giảm 0,2% xuống 5.674 USD/tấn.
Các kim loại cơ bản được hỗ trợ một phần từ USD suy yếu, khiến chúng rẻ hơn cho người sử dụng các đồng tiền khác, làm thúc đẩy nhu cầu.
Thép Thượng Hải tăng
Giá thép Thượng Hải tăng bởi kỳ vọng Trung Quốc tung thêm kích thích nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị tác động bởi sự bùng phát của virus corona, mặc dù đà tăng hạn chế khi tồn kho của quốc gia này cao kỷ lục.
Thép thanh dùng trong xây dựng trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tiếp tục tăng phiên thứ 4, đóng cửa tăng 0,6% lên 3.469 CNY (499,81 USD)/tấn. Trong phiên giá đã lên mức cao nhất kể từ ngày 24/2 tại 3.496 CNY. Thép cuộn cán nóng và thép không gỉ đều tăng 0,4%.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng của Trung Quốc phục hồi sau khi bị trì trệ bởi dịch bệnh, nhưng nhu cầu thép vẫn chậm do dự trữ lớn của các sản phẩm thép.
Ngành thép của Trung Quốc đang đặt hy vọng vào việc có thêm nhiều chính sách kích thích, bao gồm cắt giảm lãi suất ngắn hạn để thúc đẩy sự phục hồi.
Sau khi Fed cắt giảm lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản trong tuần này, khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp thông qua cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Bắc Kinh đã công bố các chính sách thuế và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng số liệu hoạt động sản xuất trong tháng 2 đã đặt ra vấn đề cấp bách của các biện pháp kích thích bổ sung.
Sự lạc quan về chính sách kích thích bổ sung đã thúc đẩy giá quặng sắt tại sàn giao dịch Đại Liên tăng 2,2%. Giá quặng sắt Đại Liên cho đến nay tăng gần 15% kể từ khi xuống mức thấp nhất 3 tháng hôm 10/2 tại 580 CNY/tấn.
Cao su phục hồi
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) phục hồi khi cổ phiếu Châu Á tăng làm dịu đi lo lắng của nhà đầu tư và khuyến khích việc săn giá hời, cho dù lo lắng kéo dài về sự sụt giảm kinh tế toàn cầu từ virus corona.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 3,5 JPY hay 2,1% lên 174 JPY (1,62 USD)/kg.
Cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 120 CNY lên 11.120 CNY (1.603 USD)/tấn.
Cà phê giảm mạnh
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 7,3 US cent hay 6,2% xuống 1.1135 USD/lb, tiếp tục giảm từ mức cao nhất 7 tuần.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 33 USD hay 2,5% xuống 1.274 USD/tấn.
Tại Việt Nam, nông dân đã bán 60 -70% cà phê thu hoạch trong niên vụ 2019 – 2020. Nông dân tại Tây Nguyên bán cà phê ở mức 31.500 đồng (1,38 USD)/kg, so với 32.000 đồng trong tuần trước.
Nhu cầu vẫn cao nhưng nông dân trồng cà phê đã ngừng bán do giá thấp. Tuy nhiên, cà phê sẽ sớm có thêm các nguồn cung mới từ Brazil và Indonesia bắt đầu đến từ tháng 4.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 2/2020 có thể tăng 31,1% so với tháng 2/2019 lên 150.000 tấn. Các lái thương dự báo xuất khẩu cà phê từ Việt Nam trong tháng 3/2020 sẽ phục hồi lên 160.000 – 170.000 tấn.
Các thương nhân chào bán cà phê robusta loại 2 (5% hạt đen và vỡ) ở mức cộng 145 – 155 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5 tại London, nới rộng từ 130 USD trong tuần trước.
Trong khi đó tại Indonesia, một thương nhân ở tỉnh Lampung cho biết cà phê robusta Sumatran được chào ở mức cộng 250 – 270 USD so với hợp đồng tháng 7 và tháng 12/2020, không đổi so với một tuần trước. Indonesia đã xuất khẩu 12.149,9 tấn cà phê robusta từ tỉnh Lampung của Sumatra trong tháng 2/2020, tăng 51% so với cùng tháng một năm trước.
Đường chạm mức thấp nhất 2 tháng
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,4% xuống 13,42 US cent/lb, sau khi xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1 tại 13,35 US cent. Đường cũng bị áp lực giảm từ đồng nội tệ của các nhà sản xuất hàng đầu Brazil và Ấn Độ suy yếu.
Giá năng lượng giảm khiến các nhà máy đường tại Brazil sản xuất thêm đường so với ethanol sinh học. Mía là nguyên liệu sản xuất cả hai sản phẩm này.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 1,2 USD hay 0,3% xuống 383,5 USD/tấn.
Gạo Thái Lan tăng lên đỉnh 6,5 năm, gạo Việt Nam cao nhất trong hơn một năm
Cuộc khủng hoảng nguồn cung do hạn hán đã đẩy giá gạo xuất khẩu Thái Lan lên mức cao nhất trong 6,5 năm, trong khi giá gạo Việt Nam lên mức cao nhất trong hơn một năm do nhu cầu mạnh.
Giá gạo Thái Lan 5% tấm tăng lên 460 – 467 USD/tấn trong ngày 5/3, cao nhất kể từ tháng 8/2013, so với 430 – 452 USD/tấn vào tuần trước. Hầu hết nhu cầu từ khách hàng trong nước nhằm dự trữ gạo trong bối cảnh lo sợ tình trạng thiếu hụt.
Hạn hán kéo dài tại nhiều khu vực sản xuất gạo có thể gây lo ngại cho thị trường về khả năng thiếu hụt nguồn cung và là lý do chính để giá tăng khi nhu cầu ở nước ngoài vẫn ổn định.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm tăng lên 390 – 400 USD trong ngày 5/3, cao nhất kể từ tháng 12/2018, so với 365 – 375 USD một tuần trước do nhu cầu lớn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay có thể tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, lên 811.000 tấn.
Trong khi đó tại Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm do nhu cầu yếu và bởi đồng rupee giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống 367 – 371 USD/tấn trong tuần này so với 369 – 373 USD một tuần trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 06/3
Minh Quân