Giá dầu tăng, thị trường mới nổi ‘ngấm đòn’
Giá dầu thô Brent vượt 85 USD/thùng trong phiên 1/10 và được dự báo sớm lên 100 USD/thùng. So với mức giá kỷ lục mọi thời đại 147,5 USD/thùng của năm 2008, dầu thô vẫn còn một chặng đường rất dài.
Tuy nhiên, giá dầu Brent khi quy đổi từ USD ra các đồng tiền của khối thị trường mới nổi đã hoặc sắp ngang với đỉnh giá ghi nhận được vào 10 năm trước.
Cụ thể, nếu đổi ra đồng real của Brazil, giá dầu thô đã vượt qua đỉnh kỷ lục của tháng 3/2008 và thậm chí đắt hơn gần 50%. Nếu đổi ra đồng peso của Mexico, giá dầu Brent cũng đã phá kỷ lục của tháng 5/2008. Trong tháng 9, giá dầu tại Ba Lan và Nam Phi vượt qua mức kỷ lục của 10 năm trước trong khi giá tại Ấn Độ và Indonesia cũng sắp về lại mốc của năm 2008.
Trong bối cảnh các đồng tiền của khối thị trường mới nổi giữ xu hướng giảm so với USD, giá dầu thô tăng đang đẩy người tiêu dùng ở đây vào cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn. Đây là nguyên nhân dẫn tới cuộc đình công của giới lái xe tải ở Brazil hồi tháng 5, cũng như sự trở lại của ông Andres Manuel Lopez ở cương vị là Tổng thống Mexico sau khi ông hứa sẽ giữ ổn định giá nhiên liệu trong vòng 3 năm bằng việc xây dựng thêm nhiều nhà máy lọc dầu và tăng cường trợ cấp cho ngành năng lượng.
Tại Ấn Độ, diễn biến chính trị tương tự cũng có thể sẽ xảy ra. Việc chính phủ đương nhiệm bãi bỏ quy định về giá và ban hành loạt thuế bổ sung lên mặt hàng nhiên liệu bán lẻ kể từ năm 2014 đã đẩy chi phí xăng dầu tại các thành phố lên cao kỷ lục. Hiện tại, người dân tại Ấn Độ phải chi hơn 3/4 thu nhập trung bình mỗi ngày để mua một gallon xăng tại Ấn Độ.
Trong khi đó, tại Manila, thủ đô của Philippines, xăng RON 95 hiện có giá 60 peso (1,1 USD) mỗi lít, cao hơn gần 25% so với đầu năm nay.
Chính sách trợ cấp giá xăng dầu lên ngôi?
Một số quốc gia đã ban hành cơ chế mới để xoa dịu cú sốc về giá dầu. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, chính phủ các nước đã chi 105 tỷ USD để trợ cấp cho ngành dầu mỏ trong năm 2016, mặc dù đây là thời điểm giá dầu rất rẻ. Con số này dự kiến tăng mạnh hơn nữa bởi giá dầu thế giới đã vượt 80 USD/thùng.
Biện pháp này phần nào xoa dịu được nỗi lo của người tiêu dùng nhưng trên thực tế chi phí vẫn không giảm.
Tại Venezuela, giá xăng là 1 UScent/lít nhưng sự chênh lệch giá lớn với các nước láng giềng đã kích thích hoạt động buôn lậu và tội phạm có tổ chức dọc biên giới nước này. Một vấn đề đau đầu hơn là các khoản trợ cấp cho ngành dầu mỏ sẽ gây thiệt hại lớn cho ngân sách chính phủ, đặc biệt là khi nước này phải tăng chi ngân sách khi nội tệ giảm.
Indonesia cũng gặp phải tình trạng tương tự. Tổng thống Joko Widodo bãi bỏ quy định trợ cấp giá xăng sau khi nhậm chức vào năm 2014 nhưng ông có thể sẽ phải “hồi sinh” quy định này trước kỳ bầu cử vào năm tới, theo dự đoán của S&P Global Ratings.
Ở Đông Nam Á, sau khi nhậm chức vào đầu năm nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã ban hành lại quy định trợ cấp cho ngành năng lượng từng bị chính quyền trước đó bãi bỏ. Trong khi đó, chính quyền quân đội của Thái Lan cũng đang xây dựng quỹ bình ổn xăng dầu để kiểm soát giá.
Điều duy nhất mà người tiêu dùng và chính phủ các nền kinh tế mới nổi có thể kỳ vọng sẽ xảy ra là tốc độ thắt chặt nguồn cung trên thị trường dầu sẽ chậm lại. Dù lệnh trừng phạt Iran của Mỹ phải đến đầu tháng 11 mới có hiệu lực nhưng nguồn cung dầu trên thế giới hiện nay đã khá hạn chế.
Tiêu thụ dầu tại các nước phát triển đã đạt đỉnh nên cân bằng cung cầu dầu thô trong tương lai sẽ phụ thuộc vào người tiêu dùng tại khối thị trường mới nổi, theo nhận định của Tập đoàn BP Plc.