Khuyến cáo của Bộ Thương mại Mỹ trên trang Export.gov cho rằng thị trường hàng không ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ sẽ tạo cơ hội cho các công ty Mỹ khi Việt Nam đầu tư lớn vào xây dựng và nâng cấp sân bay, mở rộng đội máy bay, cải thiện dịch vụ vận tải hàng không, bảo trì máy bay và nâng cấp năng lực và phát triển dịch vụ.
Đặc biệt, với chính sách mở cửa bầu trời ASEAN có hiệu lực kể từ tháng 1/2015, cho phép các hãng hàng không bay tự do khắp các nước thành viên ASEAN trong một thị trường vận tải hàng không thống nhất và Việt Nam tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA), giao thông ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.
Miếng bánh hấp dẫn được minh chứng qua những con số doanh thu và lợi nhuận của các hãng không đều tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Nhu cầu tăng trưởng tốt cùng với dư địa thị trường lớn giúp cho Vietnam Airlines và VietJet Air có kết quả kinh doanh 2 năm gần đây khá khả quan.
Báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, số lượt khách di chuyển bằng máy bay trên toàn thế giới trong vòng 20 năm tới sẽ đạt 7,2 tỷ lượt, tức là tăng gần gấp 2 lần so với mức 3,8 tỷ lượt trong năm 2016. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 thị trường có số lượt khách tăng trưởng nhanh nhất bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.
Tại thời điểm hiện tại, Việt Nam có 7 hãng hàng không được cấp giấy phép nhưng chỉ có 5 hãng hàng không hoạt động vận tải hành khách, đó là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jestar Pacific, VASCO và Hải Âu. Trong số đó, chỉ có Vietnam Airlines, VietJet Air và Jestar Pacific là có sức ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành hàng không.
Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ phát triển đội máy bay của mình lên 116 chiếc cho đến năm 2018; Jetstar Pacific là 30 chiếc đến năm 2020. Trong khi đó, VietJetAir có kế hoạch tăng thêm 200 chiếc cho đội bay của mình đến năm 2023.
Thị trường còn nhiều tiềm năng với dư địa tăng trưởng lớn trong khi còn ít hãng hàng không hoạt động khiến cho không chỉ các nhà đầu tư tư nhân trong nước mà còn cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn tham gia.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, hàng không là ngành “không dễ ăn” bởi đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật cao và nhiều quy định ràng buộc. Các hãng bay mới nên nhắm vào thị trường ngách, khai thác hạ tầng các sân bay ở một số tỉnh, nơi công suất dư thừa vẫn còn rất nhiều. Việc này sẽ giúp tránh được sự cạnh tranh với những hãng lớn và có thể tận dụng được những lợi thế sẵn có.
Mới đây, Tập đoàn FLC đã chính thức tham gia vào lĩnh vực đầy tiềm năng này bằng việc thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng và vừa qua tăng vốn lên 1300 tỷ đồng. Mục tiêu chủ yếu là khai thác những đường bay đến những vùng phát triển kinh tế du lịch trọng điểm, cả đường bay trong nước và quốc tế. Bamboo Airways ra đời với mục tiêu phát triển kinh tế vùng, tăng tỷ lệ lượng khách du lịch nội địa và phục vụ các đối tượng khách du lịch quốc tế có nhu cầu di chuyển trực tiếp đến các địa điểm du lịch của Việt Nam như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc… Theo đại diện FLC, việc thành lập một hãng hàng không riêng sẽ giúp đẩy mạnh được mảng kinh doanh du lịch của Tập đoàn và tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng mới. Đại diện FLC cho biết, chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways sẽ cất cánh vào ngày 10/10/2018.
Hãng hàng không giá rẻ Air Asia cũng đã ký hợp đồng với Hàng không Hải Âu và Công ty TNHH Gumin để thành lập liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam với vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó đại diện đến từ Malaysia sẽ nắm 30% vốn. Hãng hàng không này cũng dự kiến sẽ bay vào cuối năm 2018.
Ngoài hai cái tên kể trên, vẫn còn một cái tên khác đang có tham vọng gia nhập thị trường đầy hứa hẹn này. Đó là công ty hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines), được thành lập năm 2010. Hiện tại, hãng hàng không này đã trình phương án điều chỉnh kế hoạch hoạt động để nhận được sự phê duyệt cho phép khai thác kinh doanh vận chuyển.
Việt Nam hiện đang có 21 sân bay, tổng công suất đang khai thác chỉ khoảng 71,5 triệu khách/năm, chưa bằng công suất chỉ một sân bay chính ở Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur (khoảng gần 100 triệu khách/năm). Nếu tính thêm các sân bay Long Thành, Vân Đồn, Phan Thiết, cả nước sẽ có 24 sân bay đến năm 2025 và 28 sân bay đến năm 2030.
Trong khi đó, Thái Lan đã có tới hơn 38 sân bay, dù dân số chỉ bằng 72% Việt Nam. Thái Lan cũng có hơn 10 hãng hàng không bay nội địa, quốc tế (trong đó có tới 4 hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài là Thai Air Asia, Thai Lion Air, Nok Scoot, Thai Vietjet).
Cục Hàng không Việt Nam dự báo, năm 2018, thị trường vận tải khách hàng không Việt Nam đạt 72 triệu lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa và quốc tế đạt lần lượt 35 và 37 triệu lượt. Dư địa khai thác kinh doanh trong lĩnh vực hàng không còn nhiều tiềm năng khi lượng khách liên tục tăng mạnh trong 10 năm qua. Việc chỉ có 2-3 hãng hàng không phục vụ nhu cầu của 90 triệu dân và hàng triệu lượt khách quốc tế là quá ít.
Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay, hàng không là phương thức vận tải tối ưu. Nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội càng lớn, đột phá về hạ tầng hàng không càng trở nên cần thiết. Và khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế, phải dành ngân sách tập trung vào các công trình thiết yếu, quan trọng, việc huy động vốn từ các nguồn xã hội hóa là lựa chọn tối ưu.
Khi tiềm năng, dư địa phát triển của thị trường hàng không được đánh giá còn rất rộng mở, việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 236 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 lại tiếp tục tạo “cú hích” mạnh mẽ cho thị trường hàng không, đặc biệt là rộng cửa cho “người mới”.
Để thấy được định hướng rõ nét, cơ hội dành cho “người mới” như thế nào? Lời giải sẽ có trong hội thảo “Phát triển Hàng không chắp cánh cho du lịch Việt Nam” được tổ chức tại Thanh Hóa vào ngày 26/7 tới. Hội thảo dự kiến có sự tham gia của các nhà chức trách hàng không, các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không – du lịch.