Dầu có tháng giảm mạnh nhất kể từ 2016
Giá dầu thô giảm trong phiên vừa qua, góp phần đưa tổng mức giảm trong tháng 7/2018 nhiều nhất trong vòng 2 năm do lo ngại nguồn cung lại dư thừa sau khi sản lượng của OPEC cao kỷ lục trong tháng 7/2018 bất chấp thông tin Mỹ và Trung Quốc có thể mở lại các cuộc thương lượng về thương mại – có thể giúp tăng nhu cầu.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giao tháng 10/2018 giảm 1,34 USD xuống 74,21 USD/thùng; dầu thô Mỹ giảm 1,37 USD tương đương gần 2% xuống 68,76 USD/thùng.
Như vậy trong tháng 7, dầu Brent giảm hơn 6%, còn dầu Mỹ giảm khoảng 7%, nhiều nhất kể từ tháng 7/2016 đối với cả 2 loại dầu tham chiếu này.
Đà giảm chưa dừng tại đó, sau giờ giao dịch lúc đóng cửa, dầu thô Mỹ giảm tiếp xuống 68,32 USD/thùng bởi số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của nước này tăng 5,6 triệu thùng trong tuần vừa qua, trong khi khảo sát của Reuters cho rằng giảm 2,8 triệu thùng.
Nga và OPEC đã tăng sản lượng trong tháng 7 vừa qua. Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các thành viên OPEC đã tăng sản lượng thêm 70.000 thùng/ngày lên 32,64 triệu thùng/ngày, là mức cao của năm nay.
Kết quả thăm dò của Reuters cũng cho thấy giá dầu chắc chắn sẽ duy trì vững trong năm nay và năm tới vì sản lượng tăng từ OPEC và Mỹ sẽ đáp ứng nhu cầu tăng từ châu Á và giúp bù đắp những phần thiếu hụt do gián đoạn nguồn cung.
Vàng trải qua chuỗi giảm giá dài nhất kể từ 2013
Vàng cũng giảm xuống mức thấp nhất một tuần rưỡi trong phiên vừa qua, đem lại tháng giảm giá thứ 4 liên tiếp do đồng USD mạnh lên trong bối cảnh lãi suất của Mỹ tăng tiếp tục gây sức ép lên vàng, khích lệ các nhà đầu tư bán mạnh.
Vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.215,80 USD/ounce, thấp nhất kể từ 19/7/2018. Với 4 tháng giảm liên tiếp, vàng vừa lập kỷ lục chuỗi tháng giảm giá dài nhất kể từ 2013. Vàng Mỹ kỳ hạn giao sau giảm 0,6% trong phiên vừa qua, xuống 1.214,50 USD/ounce.
USD kết thúc phiên vững so với rổ các đồng tiền chủ chốt, sau khi lập đỉnh cao nhất 3 tháng vào trước đó, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tái khẳng định triển vọng sẽ nâng lãi suất dần.
Trong con mắt của các nhà đầu tư, vàng đang phải nhường chỗ cho những tài sản khác. Chứng khoán thế giới tháng 7/2018 đã tăng điểm tốt nhất kể từ tháng 1/2018 bất chấp căng thẳng thương mại và lo ngại gia tăng gây làn sóng bán tháo cổ phiếu của lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu. Chuyên gia Reuters dự báo giá vàng sẽ còn giảm tiếp xuống khoảng 1.206-1.214 USD/ounce.
Thép tăng gần 10% trong tháng 7/2018
Giá thép tại Trung Quốc tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm. Phiên cuối tháng 7/2018, thép cây kỳ hạn giao tháng 10/2018 trên sàn Thượng Hải có lúc đạt 4.184 NDT (613 USD)/tấn, mức cao chưa từng có kể từ tháng 2/2013, trước khi kết thúc ở mức 4.171 NDT (tăng 1,1%), đưa tháng 7/2018 trở thành tháng giá tăng mạnh nhất trong vòng 8 tháng qua (tăng gần 10%) do Trung Quốc kiềm chế sản xuất để ngăn ô nhiễm môi trường khiến nguồn cung tại nước sản xuất và tiêu thụ số 1 thế giới này trở nên thắt chặt.
Số liệu của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc cho thấy sản lượng thép trung bình ngày của các thành viên Hiệp hội trong giai đoạn 11-20/7/2018 là 1,96 triệu tấn, giảm 19.200 tấn so với 10 ngày đầu tháng 7/2018. Tồn trữ thép cây tại kho của các thương gia Trung Quốc tuần vừa qua chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2018, chỉ 4,09 triệu tấn.
Trên thế giới, sản lượng thép của 64 quốc gia thuộc Hiệp hội Thép thế giới trong tháng 6/2018 cũng giảm 3 triệu tấn so với tháng trước đó, chỉ đạt 151,4 triệu tấn, do lo ngại chiến tranh thương mại sẽ làm rối loạn dòng chảy trên thị trường này.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt tăng theo giá thép. Kết thúc phiên vừa qua, quặng giao tháng 9/2018 trên sàn Đại Liên ở mức 488 NDT/tấn, tính chung trong tháng 7 tăng 3,3%. Hiện quặng sắt đang quanh mức cao nhất trong vòng nhiều năm, với loại 65% đạt 133,05 USD/tấn vào ngày 27/7/2018, cao nhất kể từ tháng 5/2014, theo Metal Bulletin; quặng 62% hiện cũng đạt gần 66 USD/tấn, sau khi chạm ngưỡng 67,76 USD/tấn ngày 20/7/2018.
Đồng tăng với kỳ vọng quan hệ thương mại Mỹ – Trung cải thiện
Phiên giao dịch cuối tháng kết thúc khi giá đồng tham chiếu tại London tăng 0,8% lên 6.300 USD/tấn nhờ thông tin Mỹ và Trung Quốc đang xem xét nối lại các cuộc đàm phán để giải quyết những bất đồng thương mại, trong khi hãng sản xuất Codelco cũng thực hiện các cuộc thương lượng với công nhân. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 7/2018, đồng vẫn mất khoảng 4,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2016, chủ yếu do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Về cuối tháng, những tín hiệu về kinh tế Trung Quốc càng góp phần gây áp lực lên giá đồng, khi chỉ số quản lý sức mua trong tháng 7/2018 giảm xuống 51,2 điểm, từ 51,5 điểm của tháng 6/2018 và thấp hơn mức 51,3 điểm trong cuộc thăm dò của Reuters.
Đường xuống mức thấp nhất 3 năm
Giá đường thô giao tháng 10/2018 vừa giảm 0,27 US cent tương đương 2,5% xuống 10,55 US cent/lb vào lúc đóng cửa, trước đó có lúc chỉ đạt 10,45 US cent, thấp nhất (đối với hợp đồng giao sau 3 tháng) kể từ cuối tháng 8/2015. Đường thô đã giảm tổng cộng 11% trong tháng 7/2018, nhiều nhất kể từ tháng 1/2018. Đường trắng giao tháng 10/2018 cũng giảm 2,9 USD (0,9%) trong phiên cuối tháng xuống 317,9 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 4/2018.
Lý do bởi nguồn cung dư thừa khi Thái Lan và Ấn Độ được mùa lớn, bù lại cho khả năng sản lượng giảm ở Brazil.
Đậu tương cao nhất 6 tuần, lúa mì cao nhất 2 tháng
Giá đậu tương Mỹ vừa tăng 3% lên mức cao nhất 1,5 tháng do kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán sẽ giúp mở lại cánh cửa xuất khẩu đậu tương Mỹ vào Trung Quốc. Hợp đồng đậu tương giao tháng 11/2018 trên sàn Chicago tăng 28 US cent tương đương 3% lên 9,19 USD/bushel, cao nhất kể từ 18/6/2018.
Lúa mì cũng tăng trong phiên vừa qua, với hợp đồng giao tháng 9/2018 tăng 7-1/4 US cent đạt 5,53-3/4 USD/bushel. Lo ngại sản lượng sụt giảm do thời tiết tiếp tục hỗ trợ giá lúa mì. Các chuyên gia đã hạ dự báo về sản lượng của Nga, Liên minh châu Âu và Australia do thời tiết năm nay xấu, trong khi khô hạn kéo dài ở nhiều nơi thuộc vùng trung tây nước Mỹ cũng gây bất lợi cho mùa màng. Thông tin mới nhất vừa cho thấy sản lượng của Thụy Điển năm nay có thể giảm mạnh 40%, trong khi mưa quá nhiều vào tháng 7/2018 ở Bulgari chắc chắn cũng khiến sản lượng của nước này giảm xuống chỉ khoảng 5,5 triệu tấn vì năng suất thấp hơn khoảng 7% so với năm trước, đó là chưa kể đến chất lượng cũng kém đi.
Cao su lình xình do tồn trữ lớn
Giá cao su tại Tokyo tiếp tục dao động trong biên độ hẹp – xu hướng của mấy tuần gần đây, chủ yếu theo xu hướng của sàn Thượng Hải. Tuy nhiên, phiên vừa qua, hợp đồng giao tháng 1/2019 trên sàn Tokyo tăng 0,8 JPY (0,0072 USD) lên 170,4 JPY/kg nhưng hợp đồng giao tháng 9/2018 trên sàn Thượng Hải lại giảm 20 NDT (2,93 USD) xuống 10.340 NDT/tấn. Tồn trữ tiếp tục ở mức cao tại cả Nhật Bản và Trung Quốc khiến thị trường cao su châu Á chưa thể khởi sắc. Cao su RSS3 của Thái Lan kết thúc tháng 7/2018 ở mức 1,47 USD/kg trong khi loại SMR20 của Malaysia là 1,32 USD/kg.
Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết các yếu tố cơ bản có sự cải thiện cũng không thể đẩy giá cao su thoát khỏi xu hướng giảm. Theo tổ chức này, nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 7 triệu tấn, trong khi đó nguồn cung cùng kỳ tăng 4,5% lên 6,2 triệu tấn (tức là thiếu hụt 746.000 tấn).
Chè giảm ở Bangladesh, tăng ở Ấn Độ
Giá chè tại Bangladesh – nước nhập khẩu ròng mặt hàng chè – trong phiên đấu giá tuần này tăng lần thứ 11 liên tiếp do nhu cầu mạnh đối với chè chất lượng cao trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Giá đạt mức trung bình 238,27 taka (2,7 USD)/kg tại thành phố cảng Chittagong, so với 276,34 taka tuần trước. Sản lượng chè của Bangladesh đã giảm xuống gần 79 triệu kg trong năm 2017 so với mức cao kỷ lục 85 triệu kg năm trước đó do mưa quá nhiều.
Tuy nhiên tại Ấn Độ, giá chè orthodox hiện thấp hơn khoảng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái do các ngân hàng nước này không tạo thuận lợi cho việc cấp tín dụng thư bằng đồng rupee cho hoạt động kinh doanh với Iran nữa (do Iran bị Mỹ tái trừng phạt về kinh tế). Hiện chè orthodox loại hảo hạng giá chỉ 216,63 rupee/kg, so với 238,32 rupee cách đây một năm. Trong 5 tháng đầu năm 2018, Ấn Độ xuất khẩu 10,36 triệu kg chè sàn Iran, tăng 13,59% so với cùng kỳ năm trước. Hàng năm Ấn Độ thường xuất khẩu khoảng 29-30 triệu kg chè orthodox sang Iran – thị trường phải nhập khẩu tới 95% nhu cầu chè, trong đó gần 90% từ Sri Lanka và Ấn Độ.
Trái bơ giảm giá bởi nguồn cung nhiều từ Mỹ Latinh
Bơ là loại trái cây mới lạ và đắt tiền tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất nhanh nhờ thương mại giữa nước này với châu Mỹ Latinh.
Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 30.000 tấn trái bơ trong năm 2017, gấp 1.000 lần so với 2011. Trái với xu hướng khối lượng nhập tăng, giá bơ liên tục giảm, giảm khoảng 5 lần trong cùng khoảng thời gian đó.
Đại diện thương mại của Peru ỏ Thượng Hải cho biết, thương mại bơ được hưởng lợi nhờ Trung Quốc giảm thuế quan và nhập khẩu trái cây từ Mỹ Latinh liên tục tăng. Năm 2017, Trung Quốc nhập 8.800 tấn bơ Mexico, 16.700 tấn từ Chile và 6.700 tấn từ Peru.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h45 sáng 1/8/2018