Dầu tiếp tục tăng giá
Giá dầu kết thúc phiên ngày thứ ba (7/8) tăng sau các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các hàng hóa của Iran có hiệu lực làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu Iran trong tháng 11.
Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 90 cent tương đương 1,2% lên 74,65 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt mức cao 74,9 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI tăng 16 cent tương đương 0,2% lên 69,17 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 69,83 USD/thùng.
Các biện pháp trừng phạt trở lại đối với Iran – thành viên của OPEC – chính thức có hiệu lực, không chỉ nhắm tới hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran mà còn với hoạt động mua vào đồng USD, giao dịch kim loại, than đá, phần mềm công nghiệp và lĩnh vực ô tô. Trong tháng 7, Iran đã xuất khẩu gần 3 triệu thùng/ngày dầu thô. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 1,31 triệu thùng/ngày (bpd) lên 10,68 triệu bpd trong năm 2018, thấp hơn so với dự báo tháng trước tăng 1,44 triệu bpd lên 10,79 triệu bpd, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết.
Kim loại quý đồng loạt tăng
Giá vàng tăng gần 1% do USD giảm so với nhân dân tệ (CNY). Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.210,06 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 tại Mỹ tăng 69 cent tương đương 0,1% lên 1.218,3 USD/ounce. Bạc cũng tăng 0,7% lên 15,37 USD/ounce, bạch kim tăng 0,6% lên 825,74 USD/ounce trong khi palađi tăng 0,3% lên 906,55 USD/ounce.
“Ở thời điểm hiện tại, giá vàng chịu tác động bởi CNY hơn là chỉ số Dollar index. Đồng USD mặc dù tăng so với một số đồng tiền khác nhưng lại không tăng so với CNY”, chiến lược gia hàng hóa thuộc ABN Amro, Georgette Boele cho biết, và giải thích thêm rằng chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh nhất trong vòng hơn 2 năm (do các nhà đầu tư kỳ vọng vào chương trình chi tiêu mới của Chính phủ và bởi căng thẳng thương mại có dấu hiệu dịu bớt) trong khi USD giảm so với CNY khiến cho vàng trở nên rẻ hơn so với những nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ.
Kim loại cơ bản tăng
Giá các kim loại cơ bản đồng loạt tăng do hoạt động mua mạnh khi các nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tốc nhờ những biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh đồng nội tệ ổn định.
Với hợp đồng giao sau 3 tháng trên sàn London, kẽm tăng 1,3% lên 2.600 USD/tấn; đồng cũng tăng 0,7% lên 6.175 USD/tấn; nickel tăng 1,2% lên 13.850 USD/tấn, chì tăng 1,6% lên 2.149 USD/tấn và thiếc tăng 0,3% lên 19.575USD/tấn.
Ngành đường sắt Trung Quốc vừa thông báo năm 2018 sẽ đẩy mạnh đầu tư vào tài sản cố định trong ngành lên 800 tỷ CNY (117 tỷ USD), cao hơn 9,3% so với kế hoạch ban đầu. Tuần trước, Chính phủ nước này đã rất cố gắng ngăn nội tệ trượt giá. “Việc Chính phủ Trung Quốc tiếp tục kích thích kinh tế là tín hiệu tốt, nhưng điều quan trọng hơn là đồng CNY đã tăng trở lại so với USD – yếu tố sẽ thúc đẩy nhiều người mua kim loại”, ông Gianclaudio Torlizzi, đối tác của công ty tư vấn T-Commodity ở Milan cho biết.
Thép cao nhất 6 năm, quặng sắt cũng tăng
Giá thép tại Trung Quốc tiếp tục tăng lên mức cao nhất hơn 6 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt vì thiếu điện và kế hoạch hạn chế sản xuất trong mùa Đông. Thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải cuối phiên tăng 1,6% lên 4.237 CNY/tấn, trong phiên có lúc đạt 4,266 CNY (624,2 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2012.
Tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng tới khoảng 30% công suất sản xuất, nhiều nhà máy thép hiện chỉ được phép hoạt động vào giờ thấp điểm. Một số nhà máy tại Hà Bắc – tỉnh sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc – đã nhận chỉ thị cắt giảm sản lượng vì thiếu điện.
Quặng sắt tăng phiên thứ 3 liên tiếp, thêm 0,8% lên 503,5 CNY/tấn. Thị trường này dự đoán các mỏ trên toàn quốc sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn sau khi 4 công nhân bị thiệt mạng trong vụ nổ ở một mỏ than nhỏ tại miền Nam Trung Quốc, và điều đó có thể dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Cao su cao nhất 2,5 tuần
Giá cao su tại Tokyo tăng theo xu hướng giá dầu thế giới và cao su tại Thượng Hải. Hợp đồng giao tháng 1/2019 trên sàn Tokyo kết thúc phiên tăng 0,9 JPY lên 171,4 JPY (1,54 USD)/kg, trong phiên có lúc đạt 172,2 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 20/7/2018; hợp đồng giao cùng kỳ hạn tại Thượng Hải tăng 415 CNY lên 12.515 CNY (1.834 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 12.565 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 20/3.
Cà phê tăng, ca cao và đường giảm trở lại
Cà phê tăng phiên thứ 3 liên tiếp do mưa sớm tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – gia tăng lo ngại sản lượng vụ thu hoạch tới suy giảm, trong khi ca cao và đường giảm trở lại.
Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,1 cent tương đương 0,9% xuống còn 10,88 cent/lb. Hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn giảm 4,3 USD tương đương 1,3% xuống còn 323 USD/tấn.
Hợp đồng ca cao kỳ hạn tháng 12 trên sàn New York giảm 30 USD tương đương 1,4% xuống còn 2.140 USD/tấn. Hợp đồng ca cao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 25 GBP, tương đương 1,5% xuống còn 1.600 GBP/tấn.
Hợp đồng cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 0,3 cent tương đương 0,3% lên 1,0905 USD/lb. Hợp đồng cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 14 USD, tương đương 0,8% xuống còn 1.658 USD/tấn. Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nâng dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu năm 2017/18 lên 161,23 triệu bao (60 kg), tăng so với 159,92 triệu bao dự báo trước đó.
Đậu tương tăng, lúa mì giảm
Giá đậu tương tăng do điều kiện cây trồng tại Mỹ thấp hơn so với dự kiến, gia tăng lo ngại về sản lượng vụ thu hoạch suy giảm. Giá lúa mì giảm sau khi đạt mức cao nhất 3 năm trong phiên trước đó, do nhu cầu đối với nguồn cung của Mỹ giảm, bất chấp dự kiến sản lượng tại các nước xuất khẩu hàng đầu suy giảm.
Hợp đồng lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 9 trên sàn Chicago giảm 6-1/4 cent xuống còn 5,68-1/4 USD/bushel, trong khi hợp đồng lúa mì đỏ cứng vụ đông cùng kỳ hạn giảm 6-1/2 cent, xuống còn 5,79-1/2 USD/bushel.
Hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 11 trên sàn Chicago tăng 12-1/4 cent tương đương 1,4% lên 9,05-3/4 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng ngày 8/8