Dầu tăng hơn 2% vì lo sợ thiếu cung
Giá dầu tăng do triển vọng nguồn cung sẽ khan hiếm khi cung cấp gián đoạn và việc Mỹ trừng phạt Iran có thể ảnh hưởng tới sản lượng dầu thô toàn cầu. Kết thúc phiên vừa qua, dầu Brent giao tháng 10/2018 tăng 79 US cent lên 75,55 USD/thùng; hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2018 đáo hạn ở mức 74,97 USD/thùng (tăng 68 US cent tương đương 0,9%); dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,44 USD tương đương 2,1% lên 70,13 USD/thùng.
Giá tăng mạnh, nhất là dầu Mỹ, do tồn trữ dầu của Mỹ tuần qua giảm và lo ngại sự cố tại cơ sở sản xuất dầu Syncrude ở Canada không thể giải quyết sớm. Dự trữ dầu thô ở Oklahoma – điểm giao nhận dầu WTI – đã giảm do nguồn cung từ Syncrude tới trung tâm giao nhận dầu giảm sút vì sự cố. Dự trữ tại Cushing trong tuần tới 20/7/2018 giảm xuống 23,7 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014.
Vàng vững do USD mạnh
Giá vàng vững vào lúc kết thúc phiên giao dịch vừa qua trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) (sẽ diễn ra trong tuần này) – tại đó các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra những tín hiệu báo trước tương lai của đồng USD và tỷ lệ lãi suất – những yếu tố chính tác động tới giá kim loại quý.
Vàng giao ngay giá vững ở 1.223,14 USD/ounce, trong khi vàng Mỹ giao tháng 8/2018 giảm nhẹ 1,7 USD tương đương 0,1% xuống 1.221,30 USSD/ounce.
USD tăng khiến cho vàng trở nên đắt đỏ đối với những nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó giảm nhu cầu đối với vàng, mà USD đã tăng liên tiếp kể từ giữa tháng 4, khiến giá vàng giao ngay đã mất khoảng 10%. “Vàng vẫn là câu chuyện của USD, và tôi không thấy có sự điều chỉnh nào (giá vẫn giảm)”, chiến lược gia hàng hóa Oliver Nugent của ING cho biết, và cho biết thêm rằng USD vẫn tiếp tục tăng khi đây trở thành tài sản an toàn thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh căng thẳng thương mại.
Than đá thấp nhất kể từ tháng 5
Mặc dù đang mùa nhu cầu cao điểm (mùa Hè nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng máy điều hòa tăng lên), giá than đá tại Trung Quốc vẫn tiến tới tháng giảm đầu tiên trong vòng 3 tháng, với hợp đồng kỳ hạn tương lai trên sàn Trịnh Châu xuống dưới 600 NDT (87,89 USD)/tấn lần đầu tiên kể từ tháng 5/2018. Ngày 30/7/2018, hợp đồng than nhiệt kỳ hạn tại Trịnh Châu giảm 1,6% xuống 592,4 NDT/tấn, mức thấp nhất kể từ 25/5/2018. Than đá giao ngay tại cảng Tần Hoàng Đảo đã giảm khoảng 5% trong tháng này, xuống 646 NDT vào ngày 23/7/2018.
Sau khi tăng mạnh lên mức gần 700 NDT hồi tháng 5 và 6/2018 khiến Chính phủ Trung Quốc phải cảnh báo có khả năng gây ra tình trạng thiếu điện trong mùa Hè, giá than đã quay đầu giảm sau đó, khi thời gian hạn chế sản xuất tại các mỏ than kết thúc trong bối cảnh dự trữ tại các cảng tăng lên, nguồn cung nước tại các nhà máy thủy điện tăng khiến nhu cầu than không nhiều như dự kiến. Mưa lớn làm thời tiết mát mẻ, nhu cầu sử dụng điện cũng giảm đi. Nguồn tin Bloomberg dự báo giá than sẽ giảm 5% trong năm nay.
Thép cao nhất 5,5 năm do lo ngại về nguồn cung
Giá thép cây tại Trung Quốc tăng mạnh bởi lo ngại nguồn cung khan hiếm do nước này tiếp tục kiềm chế sản xuất thép nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Hợp đồng kỳ hạn tham chiếu tại Thượng Hải phiên vừa qua có lúc tăng mạnh 1,9% lên 4.146 NDT (607,92 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 2/2013, kết thúc phiên tăng 1,5% lên 4.130 NDT/tấn.
Tất cả các máy thiêu kết và lò luyện hình trục tại Tangshan – thành phố sản xuất thép lớn nhất của tỉnh Hà Bắc – đã phải dừng hoạt động từ 27/7 đến 31/7/2018 để kiểm tra mức độ ô nhiễm. Trước đó, Chính phủ đã buộc các lò thiêu kết và lò cao phải ngừng hoạt động trong 6 tuần mùa Hè cũng với mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ sử dụng công suất hàng tuần tại các lò cao của các nhà máy thép trên toàn Trung Quốc đã giảm xuống chỉ 3,59 điểm phần trăm xuống 67,4% trong tuần tới 27/7/2018, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4/2018.
Khí gas tăng mạnh do thời tiết nắng nóng
Giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á – khu vực tiêu thụ nhiều nhất thế giới – đang biến động mạnh do chịu tác động đồng thời từ 3 yếu tố: Thời tiết nóng ở bán cầu Bắc, Trung Quốc chuyển hướng sang tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch hơn và lo ngại về cuộc chiến thương mại do thuế nhập khẩu của Mỹ. LNG giao tháng 9 tại Bắc Á giá tăng lên 9,75 USD/triệu mBtu trong tuần kết thúc vào 27/7/2018, tuần tăng đầu tiên trong vòng 6 tuần.
Thời tiết nóng bất thường ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng góp phần đẩy giá tăng, bởi các nhà máy điện tăng cường sử dụng nhiên liệu khí để có đủ điện đáp ứng nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí. Nhật Bản thậm chí ngoài việc tăng sản lượng điện khí còn phải khởi động lại một số nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu dầu.
Giữa tháng 6/2018, LNG giao ngay đã đạt 11,60 USD/triệu mBtu, mức cao bất thường khi giá ở mùa Hè lại cao hơn cả mùa Đông lần đầu tiên kể từ 2012.
Cao su tăng
Giá cao su tại Tokyo tăng trong phiên vừa qua theo xu hướng tại Thượng Hải, mặc dù dự trữ vẫn cao. Hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Tokyo tăng 1,6 JPY (0,0144 USD) lên 169,06 JPY/kg vào lúc đóng cửa, đầu phiên lúc giá cao nhất trong vòng 1 tuần; hợp đồng giao tháng 9/2018 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 35 NDT (5,12 USD) lên 10.080 NDT/tấn. Lý do giá tăng bởi giới đầu tư và kinh doanh Trung Quốc kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng lên khi Chính phủ của họ nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ.
Tại Ấn Độ, sản lượng cao su xuống thấp nhất 6 năm đang ảnh hưởng tới ngành sản xuất lốp xe. Sản lượng cao su nước này trong quý 1/2018 chỉ đạt 126.000 tấn, trong khi tiêu thụ là 302.000 tấn. Sản lượng như vậy chỉ đáp ứng 42% tiêu thụ, so với mức 54% của cùng kỳ năm trước.
Lúa mì tăng mạnh do mất mùa
Lúa mì tăng mạnh do lo ngại thiếu cung. Lúa mì SRW giao tháng 9/2018 tại Chicago tăng 16 US cent tương đương 2,9% lên 5,46-1/2 USD/bushel, trong khi loại HRW giao cùng kỳ hạn tăng 15-1/4 cents tương đương 2,9% lên 5,47-3/4 USD/bushel.
Tại Nga, giá lúa mì đã tăng mạnh từ tuần trước, là tuần tăng thứ 2 do dự báo sản lượng giảm sút ở châu Âu và Biển Đen trong bối cảnh mưa làm cho việc thu hoạch ở một phần nước Nga bị chậm lại. Giá lúa mì Biển Đen 12,5% protein kỳ hạn giao tháng 8/2018 đã tăng 12% trong vòng một tuần, kết thúc tuần qua ở mức 223 USD/tấn (FOB); lúa mì Biển Đen cũng tăng 9 USD lên 216,5 USD/tấn (FOB), trong khi luá mạch tăng 11,5 USD lên 215 USD/tấn.
Theo Ủy ban Ngũ cốc Quốc tế, sản lượng lúa mì thế giới dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất 5 năm do sự sụt giảm ở Liên minh châu Âu và Nga. SovEco đã hạ dự báo sản lượng ngũ cốc Nga năm 2018/19 xuống 44,8 triệu tấn, từ mức 47,2 triệu tấn dự báo trước đó, trong đó sản lượng lúa mì sẽ giảm từ 36,9 triệu tấn xuống 35 triệu tấn. Nga đã xuất khẩu 3,3 triệu tấn ngũ cốc từ 1/7 tới nay, trong đó có 2,5 triệu tấn lúa mì, tăng mạnh so với 1,6 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Cà phê cao nhất 2 tuần
Cà phê arabica tăng giá lên mức cao nhất hơn 2 tuần sau khi số liệu cho thấy các nhà đầu cơ đã mua mạnh trong thời gian gần đây. Arabica giao tháng 9/2018 tăng 0,0095 US cent tương đương 0,9% lên 1,1140 USD/lb vào lúc đóng cửa, trước đó có lúc đạt 1,1340 USD, cao nhất kể từ 11/7/2018. Robusta cũng tăng, với hợp đồng giao tháng 9/2018 thêm 7 USD tương đương 0,4% lên 1.660 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 7/2018 ước tính giảm 16,7% so với tháng 6/2018, xuống 130.000 tấn, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong khi đó, người trồng cà phê Ấn Độ dự đoán sản lượng vụ tới sẽ giảm mạnh 30% do mưa quá nhiều. “Cả robusta và arabica đều bị mưa nhiều gây thiệt hại”, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Karnataka, HT Pramod cho biết.
Sầu riêng giảm do sản lượng tăng
Giá sầu riêng tại Trung Quốc đang giảm nhanh, từ chỗ khoảng vài chục NDT/0,5 kg hiện chỉ còn 13 NDT. Hầu như toàn bộ sầu riêng tại Trung Quốc được nhập từ Thái Lan, các giống chủ yếu là Mon Thong, Red Sun, và Kan Yao. Mùa sầu riêng năm nay đến muộn hơn mọi năm, nhưng sản lượng tăng nên nguồn cung ngày càng tăng, và dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai gần.
Sản lượng sầu riêng của Thái Lan năm nay cao kỷ lục, trong khi đó tiêu thụ nội địa giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này lại tăng mạnh. Theo nguồn Chinese Nikkei, đó là bởi sự cải thiện đáng kể các mạng lưới thông tin xuyên biên giới và sự phát triển của thương mại điện tử đã giúp người sản xuất và người tiêu dùng đến gần nhau hơn, nhất là tại khu vực châu Á. Theo nguồn tin này, sự phát triển thương mại điện tử ở Trung Quốc không chỉ giúp nước này bán hàng hóa sang thị trường Đông Nam Á mà còn làm tăng nhập khẩu từ thị trường Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu khổng lồ tại Trung Quốc. Sầu riêng là một trong những mặt hàng nổi bật trong quá trình này.
Sản lượng sầu riêng Thái Lan vào khoảng 600.000 tấn/năm trong vòng 5 năm tới 2017, phần lớn trong đó (khoảng 500.000 tấn) được xuất khẩu, và phần lớn trong lượng xuất khẩu (80-90%) tới Trung Quốc (cho tới 2016).
Thái Lan dự định cấm nhập khẩu dừa
Thái Lan đang xem xét cấm nhập khẩu dừa trong khoảng 3 tháng (tháng 8-10) để đẩy giá dừa trong nước tăng lên. Được biết năm nay giá dừa giảm nhiều do nhập khẩu liên tiếp tăng trong 2-3 năm vừa qua (sau đợt dịch bệnh trước đó). “Hiện vấn đề dịch bệnh đã được giải quyết và cần có những biện pháp để cân bằng thị trường”, Bộ trưởng Thương mại nước này cho biết.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h30 sáng ngày 31/7