Dầu tăng do dự trữ dầu thô của Mỹ giảm
Giá dầu tăng phiên thứ hai liên tiếp sau khi số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô trong nước giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2015, làm giảm lo lắng về dư cung.
Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 49 US cent hay 0,67% chốt phiên 25/7 tại 73,93 USD/thùng. Dầu WTI của Mỹ tăng 78 US cent hay 1,14% lên 69,30 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục tăng sau phiên giao dịch sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới này tạm thời dừng ngay lập tức tất cả các chuyến tàu chở dầu qua eo biển Bab El-Mandeb khi một cuộc tấn công trước đó của phong trào Houthi liên kết với Iran vào 2 tàu chở dầu.
Eo biển Bab El-Mandeb nằm giữa Yemen, Djibouti, Eritrea và nối liền biển Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương. Khoảng 4,8 triệu thùng dầu thô và sản phẩm xăng dầu mỗi ngày đi qua eo biển này trong năm 2016, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Theo EIA dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 6,1 triệu thùng trong tuần tính tới ngày 20/7 xuống còn 404,9 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2015. Các nhà phân tích dự kiến dự trữ giảm 2,3 triệu thùng.
Dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma, điểm phân phối dầu WTI giảm 1,1 triệu thùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014. Dự trữ xăng giảm 2,3 triệu thùng, so với giới phân tích dự đoán giảm 713.000 thùng. Trong khi đó dự trữ xăng tại Midwest Mỹ giảm xuống mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2015.
Tuy nhiên, chiều giá tăng bị hạn chế sau khi số liệu này phát hành do phần lớn sự sụt giảm trong dự trữ dầu thô là tại khu vực Bờ Tây. Dự trữ tại khu vực này giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2011.
Giá dầu bị áp lực giảm trong tháng này do tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như khối các nền kinh tế chủ chốt khác, điều này làm tăng khả năng nhịp độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu năng lượng yếu hơn.
Vàng tăng do đồng USD suy yếu
Giá vàng tăng trong phiên qua (25/7) nhưng vẫn gần mức thấp 1 năm do đồng USD giảm trong khi các manh mối không rõ ràng về tranh chấp thương mại giữa Mỹ và châu Âu khiến các thị trường hầu như giao dịch trong biên độ hẹp.
Vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.231,56 USD/ounce. Vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 6,3 USD hay 0,5% lên 1.231,8 USD/ounce.
Đồng USD trượt giá khiến vàng rẻ hơn trong mắt những người nắm giữ các đồng tiền khác, dẫn đến khả năng làm tăng nhu cầu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean- Claude Juncker đến Washington trong ngày 25/7 để đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung vào căng thẳng thương mại. Mỹ đã áp đặt thuế với thép và nhôm của EU.
Ngân hàng ICBC Standard dự báo giá vàng trung bình 1,260 USD/ounce trong quý 3/2018 và 1.300 USD/ounce trong quý 4/2018.
Sự quan tâm của nhà đầu tư với vàng ngày càng tăng, có thể thấy trong việc nắm giữ của quỹ giao dịch vàng lớn nhất SPDR Gold Trust, tăng hơn 1% kể từ ngày 18/7 lên 25,803 triệu tấn.
Trữ lượng vàng của SPDR đang có xu hướng giảm kể từ ngày 30/4/2018, một phần do lãi suất của Mỹ tăng, chi phí giữ vàng ngày càng lớn và không mang lại thu nhập, lãi hay cổ tức.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất trong tháng 6, lần tăng thứ 7 kể từ tháng 12/2015. Dự đoán sẽ có 2 lần tăng nữa trong năm nay.
Bạc tăng 0,9% lên 15,58 USD/ounce, pallađi tăng 2,2% lên 934,8 USD/ounce sau khi chạm mức 936,60 USD/oucne cao nhất trong 9 ngày, bạch kim tăng 1,3% lên 839,10 USD/ounce.
Đồng giảm nhẹ
Đồng giữ ở mức cao nhất trong 2 tuần do USD suy yếu và thị trường chờ đợi kết quả đàm phán lương tại mỏ khai thác kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới.
Mỏ Escondida của BHP tại Chile cho biết họ đã thực hiện đề nghị cuối cùng cho liên đoàn đại diện cho công nhân bao gồm tiền thưởng ký kết hợp đồng và tăng 1,5% tiền lương. Chưa có phản hồi từ liên đoàn khi mà yêu cầu tăng lương của họ là 5%.
Đồng LME giảm 0,1% xuống 6.290 USD/tấn. Kim loại này sử dụng trong ngành điện và xây dựng này đã tăng mạnh nhất trong ngày 24/7 kể từ tháng 1/2018.
Nếu đề nghị này bị từ chối, công ty sẽ tổ chức 5 ngày đàm phán và có thể kéo dài tiếp. Giá ngày hôm nay là phản ứng của thị trường đối với giai đoạn chờ đợi.
Việc không đạt được thỏa thuận lao động tại Escondida năm ngoái đã dẫn tới một cuộc đình công kéo dài 44 ngày làm rung chuyển thị trường đồng toàn cầu.
Một cuộc đình công khác đã đẩy giá đồng tại London lên 7.348 USD/tấn vào ngày 7/6, cao nhất trong gần 4 năm rưỡi, trước khi những lo sợ về một cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể làm giảm nhu cầu, đẩy giá xuống dưới 6.000 USD/tấn trong tuần trước.
Công ty Freeport-McMoRan, công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới, đã báo cáo lợi nhuận lớn hơn dự kiến do sản lượng và giá tăng trên mức năm ngoái.
Bắc Kinh đã tuyên bố theo đuổi một chính sách tài chính “mạnh mẽ hơn” gồm cắt giảm thuế do chính quyền nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh các yếu tố xấu đến kinh tế ngày càng tăng. Động thái này sẽ thúc đẩy nhu cầu đồng và các kim loại khác tại Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu thế giới.
Cao su tăng sau 4 ngày sụt giảm liên tiếp
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng trong ngày 25/7, kết thúc 4 ngày sụt giảm liên tiếp và phục hồi từ mức thấp nhất trong 22 tháng bởi sự tăng giá ở Thượng Hải và do nhà đầu tư săn giá hời.
Giá cao su tại sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) đã xuống mức thấp nhất vào ngày 24/7/2018 kể từ 5/10/2016 bởi những lo ngại về tranh chấp thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 12 chốt phiên tăng 2,1 yên hay 1,3% lên 168,4 yên/kg. Hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tại TOCOM đã hết hạn trong ngày hôm nay ở mức 162,5 yên/kg.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 185 NDT lên 10.320 NDT (1.525 USD)/tấn, phục hồi từ mức thấp nhất một tháng có lúc chạm tới trong phiên trước.
Lũ lụt ở Lào cũng làm tăng lo ngại về sản lượng cao su ở các khu vực dọc theo sông Mekong, gồm cả huyện sản xuất chính của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. 19 người được xác định đã thiệt mạng và hơn 3.000 người cần được cứu sau khi vỡ đập thủy điện tại Lào.
Đường trắng tăng phiên thứ 4 liên tiếp
Đường thô kỳ hạn tháng 10 không thay đổi 11,18 US cent/lb, trong phiên giao dịch giá đã lên mức cao 11,35 US cent/lb.
Số liệu từ nước sản xuất đường hàng đầu thế giới Brazil cho thấy các nhà máy tại khu vực trung tâm phía nam đã sử dụng 45 triệu tấn mía trong nửa đầu tháng 7, giảm nhẹ từ 47,7 triệu tấn trong cùng kỳ năm trước. Báo cáo này chưa đủ manh mối cho bất kỳ phản ứng mạnh nào.
Khảo sát của S&P Global Platts dự báo lượng mía sử dụng là 45,39 triệu tấn, sản lượng đường là 2,42 triệu tấn. Các nhà máy được phân bổ 60,8% lượng mía để sản xuất ethanol.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng phiên thứ 4 liên tiếp, tăng 1,3 USD hay 0,4% lên 327,4 USD/tấn.
Qatar đang xây dựng một nhà máy đường trong một nỗ lực tránh gián đoạn nguồn cung sau khi các nước láng giềng vùng Vịnh Ả rập cắt đứt quan hệ kinh tế và chính trị với Doha hơn một năm trước.
Giá lúa mì ở EU tăng lên mức cao nhất trong 3 năm
Lúa mì kỳ hạn tăng bởi viễn cảnh sản lượng vụ mùa giảm tại EU, Nga và dấu hiệu sức mua được đẩy mạnh trong khi dự đoán giá có thể tăng tiếp.
Đậu tương kỳ hạn giảm nhẹ sau khi tăng trong phiên trước đó, trong khi giá ngô đi lên.
Lúa mì kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Euronext tăng 1,5 euro hay 0,8% lên 198,5 euro/tấn sau khi đạt đỉnh 200 euro, giá cao nhất kể từ tháng 7/2015.
Công ty tư vấn chiến lược ngũ cốc một lần nữa cắt giảm ước lượng sản lượng lúa mì của EU, hiện dự kiến dưới 130 triệu tấn so với 132,4 triệu tấn ước tính vào đầu tháng 7. Đây sẽ là vụ lúa mì có sản lượng thấp nhất tại 28 nước trong khối EU kể từ năm 2012. EU đã thu hoạch 141,8 triệu tấn lúa mì trong năm 2017.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 26/7