Dầu tăng do lo sợ dư cung dịu đi
Giá dầu tăng trong phiên qua (24/7) do tâm điểm thị trường chuyển sang vấn đề nhu cầu của Trung Quốc có khả năng tăng lên kéo đi sự lo lắng về dư cung và căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Dầu thô Brent chốt phiên tăng 38 US cent lên 73,44 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất trong phiên tại 74 USD/thùng. Dầu Tây Texas WTI tăng 63 US cent hay gần 1% lên 68,52 USD/thùng. Trong phiên dầu WTI có lúc đã đã đạt mức 69,05 USD/thùng.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group cho biết, các báo cáo Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng giúp dịu đi lo sợ rằng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ làm giảm nhu cầu dầu của nước này.
Bức tranh nhu cầu sẽ vẫn thuận lợi trừ khi sản lượng tăng đáng kể từ Nga và Saudi Arabia vì tăng trưởng toàn cầu mạnh đã dẫn tới dự trữ dầu thô sụt giảm.
Theo Viện Dầu mỏ Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 3,2 triệu thùng. Việc giảm nhiều hơn dự kiến khiến giá tăng sau phiên giao dịch, dầu thô WTI ở mức 68,73 USD/thùng. Theo thăm dò của Reuters dự trữ dầu thô dự báo giảm 2,3 triệu thùng trong tuần trước. Tồn trữ tại Cushing dự kiến giảm tuần thứ 10 liên tiếp.
Những cam kết tăng sản lượng từ Nga và Saudi Arabia cùng với việc bớt gián đoạn nguồn cung tại Libya và nhu cầu giảm của các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu tiếp tục gây sức ép lên giá.
Thị trường lo sợ rằng nguồn cung có thể bị gián đoạn bởi cuộc đối đầu tại Trung Đông hay tranh chấp thương mại giữa Washington với các đối tác thương mại chủ chốt có thể giảm nhịp độ tăng trưởng toàn cầu. Iran, nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC bơm 3,75 triệu thùng/ngày đã chịu áp lực ngày càng tăng từ Mỹ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy các nước cắt giảm toàn bộ nhập khẩu dầu thô của Iran bắt đầu trong tháng 11/2018.
Saudi Arabia và các nhà sản xuất lớn khác đang tăng cường sản lượng để bù đắp cho sự thiếu hụt khi thời hạn chót tháng 11/2018 đến gần.
Vàng tăng do đồng USD giảm giá
Giá vàng tăng do đồng USD giảm và các nhà theo dõi thị trường dự đoán tích cực về số liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ phát hành vào ngày 28/7.
Vàng giao ngày tăng 0,13% lên 1.225,7 USD/ounce, vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 giảm 10 US cent hay 0,01% xuống 1.225,5 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD, đo đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, giảm 0,2% sau khi chạm mức cao nhất một năm vào tuần trước. Các nhà theo dõi thị trường phần lớn dự kiến tăng trưởng kinh tế quý 2 của Mỹ vượt dự báo 4,1% hiện nay.
Giá vàng đã giảm hơn 10% kể từ khi chạm đỉnh 1.365,23 USD/ounce hồi giữa tháng 4, phần lớn do đồng USD mạnh trong bối cảnh tăng lãi suất của Mỹ. Tuần trước giá đã chạm mức thấp nhất một năm.
Carsten Fritsch, nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt cho biết “còn quá sớm để nói rằng vàng đã thoát đáy, nhưng có một số dấu hiệu theo hướng đó. Quá trình có thể mất vài tuần nếu không phải vài tháng để phục hồi từ những tổn thất này và những hình ảnh kỹ thuật bị hư hại”. Về mặt kỹ thuật, vàng đã phá vỡ xuống dưới đường trung bình 200 ngày dựa trên cơ sở hàng tuần. Một dấu hiệu tích cực là lượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, đã tăng 0,6% lên 802,55 tấn trong ngày 23/7, mức cao nhất trong hơn 2 tuần.
Các nhà phân tích lưu ý, giá vàng thường tăng trong thời điểm bất ổn tài chính và chính trị đã không như vậy, khi phản ứng của các nhà đầu tư im ắng trong tranh chấp giữa Mỹ và Iran. Iran đã bác bỏ cảnh báo giận dữ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Tehran có nguy cơ bị hậu quả nghiêm trọng nếu họ đe dọa chống lại Mỹ.
Các kim loại quý khác dùng trong công nghiệp tăng giá bởi giá các kim loại cơ bản tăng.
Bạc tăng 0,8% lên 15,50 USD/ounce, bạch kim tăng 0,4% lên 834,10 USD/ounce và pallađi bổ sung 0,3% lên 917 USD/ounce, trước đó giá đạt 927 USD/ounce mạnh nhất trong một tuần.
Nhôm lên mức cao nhất 2 tuần
Giá nhôm đạt mức cao nhất trong hai tuần do các quỹ cắt giảm đặt cược về giá giảm với dự đoán các lệnh trừng phạt công ty Rusal đang được dỡ bỏ, thị trường cũng quan tâm tới dự đoán nguồn cung giảm từ Trung Quốc.
Nhôm tăng 0,7% lên 2.084,5 USD/tấn sau khi tăng lên 2.114 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 10/7.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết “không đưa Rusal rời khỏi kinh doanh” và chính phủ đã bỏ ngỏ khả năng loại bỏ nhà sản xuất nhôm của Nga này ra khỏi danh sách trừng phạt của Mỹ.
Trung Quốc chiếm hơn 55% của nguồn cung nhôm trên toàn cầu đã ước tính năm nay vào khoảng 65 triệu tấn. Một khảo sát gần đây của Reuters cho thấy rằng các nhà phân tích dự đoán thị trường nhôm thiếu hụt 599.000 tấn trong năm nay và 570.000 tấn trong năm 2019.
Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục hạn chế tăng trưởng công suất mới trong tương lai bằng cách cấp hạn ngạch cho dự án mới, chủ yếu tại các tỉnh mạnh về thủy điện như Quảng Tây và Quý Châu hay hoán đổi công suất bằng cách đóng cửa các nhà máy hiện tại”.
Tiêu thụ nhôm sử dụng trong ngành đóng gói và vận chuyển được dự kiến tăng 5% trong năm nay và năm tới. Giới phân tích dự kiến tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc vượt tăng trưởng nguồn cung trong năm nay và năm tới. Giá sẽ phải giữ ở mức hiện tại hay tăng do chi phí sản xuất ngày càng tăng, gồm cả điện và nguyên liệu thô bauxit và ôxít nhôm.
Tổng thể các kim loại công nghiệp được thúc đẩy bởi đồng USD của Mỹ giảm giá, khiến các hàng hóa định giá bằng đồng USD rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác, khả năng nhu cầu ngày càng tăng.
Cao su giảm xuống mức thấp nhất trong 22 tháng
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm xuống mức thấp nhất trong 22 tháng do lo ngại tranh chấp thương mại Mỹ – Trung leo thang có thể làm giảm tăng trưởng tại Trung Quốc, nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới.
Một đồng yên mạnh do triển vọng điều chỉnh chính sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng gây áp lực cho giá cao su.
Giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tiếp tục mất giá trong 4 phiên liên tiếp. Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 12 chốt phiên ngày 24/7 giảm 1,7 yên xuống còn 166,3 yên/kg. Đầu phiên giá đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5/10/2016 tại 166,0 yên/kg.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 85 NDT chốt phiên tại 10.110 NDT (1.487 USD)/tấn sau khi chạm mức thấp nhất 1 tháng tại 10.050 NDT/tấn trong đầu phiên này.
Đồng USD giảm nhẹ so với đồng yên của Nhật Bản do dự đoán ngân hàng trung ương Nhật có thể giảm quy mô kích thích tiền tệ tích cực. Đồng yên tăng giá khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này kém thu hút khi mua bằng đồng tiền khác.
Đường tăng giá
Đường thô kỳ hạn tháng 10 chốt phiên 24/7 tăng 0,11 US cent hay 1% lên 11,19 US cent/lb.
Các đại lý cho biết lo ngại về thời tiết khô hạn tại khu vực trung tâm phía nam của Brazil đã hỗ trợ giá cùng với đồng real của Brazil mạnh lên không khuyến khích các nhà sản xuất bán ra.
Nhà phân tích Tobin Gorey tại ngân hàng Commonwealth của Australia cho biết “giai đoạn khô hạn này hiện nay đang kéo dài một cách bất thường – không giống như hồi tháng 5 khi những lo ngại lần đầu tiên được nâng lên. Tác động có thể nhiều hơn trong năng suất mía năm tới so với năm nay”.
Các đại lý đang đợi một báo từ tổ chức Unica của Brazil về việc sản xuất mía trong nửa dầu tháng 7. Số liệu này được dự kiến đưa ra trong tuần này bao gồm khu vực quan trọng trung tâm phía nam. Một khảo sát của S&P Global Platts cho thấy có khoảng 45,39 triệu tấn mía với sản lượng đường 2,42 triệu tấn.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 2,10 USD hay 0,7% lên 326,1 USD/tấn.
Hạn hán có thể cắt giảm nguồn cung khoai tây của Đức
Đợt hạn hán và nắng nóng tại châu Âu trong mùa hè này có thể khiến thiếu hụt khoai tây kích cỡ đủ lớn để sản xuất khoai tây chiên của Pháp.
Năng suất vụ khoai tây có thể bị giảm ít nhất 25%. Khoai tây cỡ lớn cần thiết cho các nhà chế biến lương thực để sản xuất khoai tây chiên của Pháp thậm chí còn rất hiếm.
Hiệp hội chế biến rau, hoa quả và khoai tây Đức (BOGK) cho biết “thời tiết khô và nóng tiếp tục nghĩa là vụ thu hoạch khoai tây ở Đức và châu Âu sẽ thấp hơn đáng kể và kém hơn năm ngoái”.
Mưa cần thiết cho vụ khoai tây không được dự báo và bức tranh ngày càng tồi tệ theo từng tuần. Hạn hán cũng gây thiệt hại cho vụ ngũ cốc của Đức.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 25/7