Đúng như nhiều nhận định của các chuyên gia chứng khoán, phiên giao dịch 14/6/2018 đã khép lại với những diễn biến không thực sự tích cực khi áp lực bán tăng vọt khiến các chỉ số chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, VN- Index đóng cửa giảm 14,81 điểm xuống 1.015,72 điểm; HNX-Index giảm 1,75 điểm xuống 114,91 điểm.
Theo giới chuyên môn, bên cạnh nguyên nhân Fed tăng tiếp lãi suất thêm 25 điểm nữa và dự kiến sẽ tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay có thể khiến dòng vốn nước ngoài đảo chiều, thì những diễn biến không ổn định của các chỉ số trong thời gian qua càng khiến giới đầu tư thêm phần thận trọng.
Sự thận trọng này được biểu hiện ngay khi thị trường tiếp tục giao dịch với thanh khoản kém, khi trên HSX chỉ có 166,569,362 CP được giao dịch với giá trị 4.590 tỷ đồng. Nhìn sang nhóm VN30 cũng chỉ có 53,686,420CP được khớp lệnh với giá trị 2,320 tỷ đồng. Còn trên HNX, khối lượng giao dịch chỉ đạt 40,204,631 CP với giá trị giao dịch đạt 526 đồng.
Điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 14/6 là khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 650 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, trên sàn HSX, khối ngoại bán ròng khá mạnh với 27,17 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 587,69 tỷ đồng. Mã chứng khoán VIC được khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 128,54 tỷ đồng, tiếp theo là HPG (125,56 tỷ đồng), DXG (77,52 tỷ đồng), STB (64,3 tỷ đồng), BID (48,7 tỷ đồng). Đóng cửa phiên giao dịch, cả 5 cổ phiếu trong top bán ròng của khối ngoại đều giảm điểm. Ngược lại, khối này lại mua ròng SKG với 63,51 tỷ đồng; VCB (12,95 tỷ đồng), VRE (10,48 tỷ đồng), CTD (9,99 tỷ đồng), HCM (7,23 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng khá mạnh với 4,37 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 70 tỷ đồng. Cụ thể, khối ngoại bán ròng VGC với 42,83 tỷ đồng; SHB (14,56 tỷ đồng), PVS (5,05 tỷ đồng), SHS (3,71 tỷ đồng), TIG (1,22 tỷ đồng). Đóng cửa phiên giao dịch, cả 5 cổ phiếu trong top bán ròng đều giảm sâu.
Sự điều chỉnh của thị trường dường như đã được dự báo từ trước khi phiên giao dịch ngày 13/6, mặc dù chỉ số VN-Index có tăng nhưng tâm lý chốt lời vẫn thường trực. Sự bứt phá của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã đẩy các chỉ số tăng trở lại, song thanh khoản cũng sụt giảm so với phiên trước cả về khối lượng và giá trị. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư còn rất dè dặt khi tham gia thị trường.
Nhìn nhận xu hướng thị trường trong thời gian tới, một số chuyên gia cho rằng, rất có thể các chỉ số sẽ tiếp tục được điều chỉnh nhẹ bởi bên cạnh tâm lý chung là thận trọng, động thái tăng lãi suất của Fed cũng phần nào tác động đến xu hướng chung của TTCK Việt Nam khi mà động lực giúp tăng trưởng đến từ khối ngoại bị suy giảm.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích vàtư vấn đầu tưkhách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)cho rằng, việc Fed tăng lãi suất có thể kéo theo dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi (EM), trong đó có thể cả Việt Nam. Dù không quá nhiều nhưng việc dòng vốn của khối ngoại không vào cũng ảnh hưởng đến thị trường chung.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình-Giám đốc phân tích CTCK KB Việt Nam cũng nhận định, Fed được cho là yếu tố sẽ tác động mạnh đến TTCK toàn cầu và có thể tác động đến TTCK Việt Nam đặc biệt là dòng vốn khối ngoại. Nhưng xét tổng thể, yếu tố này có thể tác động đến thị trường trong trung hạn, còn ngắn hạn thông tin trên có thể chưa phản ánh ngay vào diễn biến thị trường Việt Nam cũng như đến tâm lý nhà đầu tư trong nước do lộ trình tăng lãi suất của Fed đã được dự báo từ sớm và đã phản ánh vào diễn biến thị trường thời gian gần đây.
Một số ý kiến khác cũng chung nhận định, việc Fed tăng lãi suất thực chất đã có lộ trình từ cuối năm 2017 và TTCK thế giới cũng như Việt Nam đã dự báo được điều này. Bên cạnh đó, thị trường đã rơi vào giai đoạn điều chỉnh tương đối mạnh vào tháng 4 và 5. Nên nhìn chung việc Fed tăng lãi suất là điều đã được dự báo và ảnh hưởng không quá nghiêm trọng đến thị trường nói chung. VN-Index đang thể hiện trạng thái tích lũy và đang hồi phục trở lại.