Sau phiên giảm sâu tới 17 điểm hôm 15/8, thị trường chứng khoán (TTCK) đã đảo chiều trong phiên giao dịch ngày 16/8 với việc VN-Index tăng 3 điểm lên 964 điểm. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt 174 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch 4.361 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia phân tích, sở dĩ thị trường giảm điểm trong phiên 15/8 do áp lực bán mạnh nhất là từ nhóm dầu khí, còn nhóm ngân hàng chỉ tác động nhẹ đến chỉ số khi nhóm này có bán ra, có giảm điểm nhưng khối lượng bán ra rất nhỏ.
Phân tích về sự giảm điểm đột ngột này của nhóm dầu khí, các chuyên gia cho biết nguyên nhân là do Tổng thống Trump hôm 10/8 tuyên bố tăng gấp đôi thuế với nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ lên tương ứng là 20% và 50%. Ngay sau đó, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá, xuống thấp kỷ lục. Để cứu đồng nội tệ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ áp thuế 140% với rượu, 120% với xe hơi và 60% với thuốc lá nhập từ Mỹ… Thuế suất với những hàng hóa khác như mỹ phẩm, gạo và than cũng tăng gấp đôi. Chính vì thế, đã làm cho chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ giảm điểm sâu.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn khiến TTCK giảm điểm sâu là do giá dầu thế giới đột ngột giảm từ 68 USD xuống dưới 65 USD/thùng do nguồn cung tại Mỹ vẫn có xu hướng tăng, trong khi cầu lại giảm đi do Trung Quốc lo ngại chiến tranh thương mại.
Những thông tin không tích cực này lại đúng lúc nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước đi vào giai đoạn điều chỉnh sau khi đã tăng mạnh (như GAS gần 30%, PVS, PVD cũng tăng hơn 30%…) đã khiến nhóm này giảm sâu và tác động mạnh đến chỉ số.
Một yếu tố quan trọng khác góp phần không nhỏ khiến chỉ số đánh rơi 17 điểm còn do ngày 15/8 là ngày nhà đầu tư (NĐT) chốt hợp đồng chứng khoán phái sinh, mà thông thường những phiên trước khi chốt chứng khoán phái sinh, các nhà tạo lập lại muốn “đập thị trường” để chốt với giá rẻ.
Sang đầu phiên ngày 16/8, TTCK tiếp tục đà giảm của phiên hôm trước, có lúc chỉ số VN-Index đã mất hơn 11 điểm về 950 điểm và chỉ hồi lại vào cuối phiên chiều khi lực cầu vào thị trường rất mạnh giúp đẩy chỉ số.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được các NĐT trông đợi khi tiếp tục có nhiều thông tin tốt trong thời gian tới, nhất là việc Hãng xếp hạng tín nhiệm Moodys vừa công bố nâng xếp hạng tín nhiệm cho 14 ngân hàng Việt, trong đó có 3 ông lớn là Vietcombank (mã VCB), BIDV (mã BID) và VietinBank (mã CTG)…
Cùng với đó là những thông tin cho thấy những động thái của Chính phủ có thể sẽ tiếp tục thoái vốn tại một số ngân hàng lớn và niêm yết VCB, BID, CTG… lên sàn giao dịch quốc tế.
Chính những thông tin tích cực này đã giúp cho tâm lý NĐT vững vàng hơn, giúp chỉ số VN-Index ngày 16/8 được kéo lại, song sức kéo chủ yếu dựa vào các mã lớn như: CTG, BID, VCB và một số mã khác thuộc dòng dầu khí như GAS, PVX…
Bên cạnh thông tin tích cực từ ngành Ngân hàng, một số thông tin hé lộ việc thoái vốn rất nhiều DN trong năm 2019-2020, trong đó có thể giảm tỷ lệ sở hữu của PVN đối với nhóm dầu khí cũng giúp TTCK hứng khởi hơn.
Các chuyên gia cho rằng, sau đợt điều chỉnh mạnh thời gian qua, TTCK Việt Nam đang tạo đáy. Dù hiện tại thị trường có “rung lắc” nhưng chỉ 1-2 phiên, chứ không điều chỉnh mạnh như thời gian trước. Chính vì vậy, có thể thời điểm này sẽ rất phù hợp với NĐT trung và dài hạn.
“Vì thời gian qua thị trường rơi khá sâu nên tâm lý NĐT còn lo lắng, chờ đợi và nghe. Rất có thể thị trường sẽ tăng 4-5 điểm trong một vài phiên tới rồi điều chỉnh nhẹ chứ không thể tăng mạnh 20-30 điểm như trước đây”, một chuyên gia nhận định.
Phân tích sâu hơn biểu hiện thị trường đang tạo đáy, một chuyên gia cho biết, các tin xấu đã ra hết nhưng kèm theo đó là kết quả kinh doanh của các DN niêm yết đã tốt dần lên và khối ngoại mua trở lại. Việc giao dịch ở vùng đáy còn được biểu hiện ở chỗ thanh khoản rất nhỏ, chỉ từ 3 đến 5 nghìn tỷ cùng với giá chứng khoán lên chậm… thể hiện tâm lý NĐT muốn nắm giữ cổ phiếu trung và dài hạn mà không muốn bán ra. Chính vì không muốn bán ra nên thanh khoản nhỏ và giá không biến đổi mạnh.