UBCKNN cho biết, tính đến tháng 6/2018, TTCK đã giúp DN và Chính phủ huy động hơn 2,1 triệu tỷ đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau. Giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu cộng lại đã đạt xấp xỉ 100% GDP và đang tăng trưởng rất nhanh, so với mức dư nợ tín dụng ngân hàng hiện tại khoảng 140 – 145% GDP.
Chủ tịch UBCKNN, ông Trần Văn Dũng cho biết, TTCK đang song hành với thị trường tín dụng, bổ sung hỗ trợ cho nhau hiệu quả để giải quyết bài toán về nguồn vốn tổng thể cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó thị trường tín dụng tập trung xử lý nhu cầu vốn ngắn hạn đến trung hạn và TTCK tập trung xử lý nhu cầu về vốn từ trung hạn đến dài hạn.
Sự chuyển dịch trong cơ cấu vốn cho đầu tư phát triển đã bắt đầu phát huy tác dụng giúp nguồn lực tài chính của quốc gia được phân bổ một cách hiệu quả hơn; góp phần giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tín dụng ngân hàng.
Cũng theo ông, chất lượng hàng hóa trên thị trường đã dần được cải thiện thông qua nhiều chuẩn mực về quản trị DN, công bố thông tin, chế độ báo cáo của công ty đại chúng đã được ban hành như Nghị định 71/2015/NĐ-CP, Thông tư 155/2015/TT-BTC với nhiều quy định hướng tới thông lệ quốc tế và nâng cao tính minh bạch của DN. Có thể kể đến là quy định về thành viên độc lập của HĐQT, nguyên tắc vay giữa các công ty mẹ – con, chủ tịch HĐQT tách rời tổng giám đốc… tại Nghị định 71/2015/NĐ-CP; hay yêu cầu DN đại chúng phải công bố thông tin về môi trường và xã hội, khuyến khích DN công bố thông tin bằng tiếng Anh… tại Thông tư 155/2015/TT-BTC.
“Một TTCK minh bạch hơn đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là trong mắt của NĐT quốc tế”, đại diện UBCKNN cho hay.
Liên quan đến việc tăng nguồn cung hàng hóa trên TTCK, một trong những bước tiến pháp lý lớn có thể kể đến là Nghị định 60/2015/NĐ-CP. Theo đó đã thể chế hóa và đẩy nhanh quá trình đăng ký giao dịch, niêm yết của các DN cổ phần hóa và công ty đại chúng trên TTCK, góp phần công khai công tác cổ phần hóa DNNN đến đông đảo NĐT; đồng thời, việc gắn công tác cổ phần hoá với đăng ký giao dịch đã đưa TTCK Việt Nam tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, TTCK cũng đã có nhiều các sản phẩm như chứng chỉ quỹ đầu tư BĐS, sản phẩm ETF; hợp đồng tương lai chỉ số VN30, giúp đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán và tăng cơ chế phòng vệ rủi ro cho NĐT. “Sắp tới, các sản phẩm mới như hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, chứng quyền có đảm bảo sẽ được triển khai, tạo ra sự đa dạng hơn các loại hàng hóa trên TTCK”, đại diện UBCKNN cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Nghị định 60/2015/NĐ-CP cũng đã cho phép công ty đại chúng có thể nâng sở hữu nước ngoài lên tối đa 100% nếu công ty không hoạt động trong ngành, nghề kinh doanh hạn chế đối với NĐTNN, cho phép sở hữu nước ngoài tại tổ chức kinh doanh chứng khoán đến 100%; ngoài ra NĐTNN được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN; chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký… NĐTNN cũng có thể tiếp cận thị trường nhanh chóng khi Thông tư 123/2015/TT-BTC đã cho phép họ được mở mã số giao dịch trực tuyến chỉ trong 1 ngày làm việc, kể từ ngày dữ liệu được thành viên lưu ký nhập vào hệ thống… Các chính sách này đã góp phần cải thiện thanh khoản, thu hút ngày càng đông đảo NĐT tham gia TTCK.
Nhằm gia tăng chất lượng tăng trưởng cho thị trường, hướng tới mục tiêu TTCK phát triển ngày càng bền vững, công khai, minh bạch, đại diện UBCKNN cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán theo hướng giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật DN và Luật Đầu tư; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường; nâng cao chất lượng quản trị công ty; công bố thông tin; tạo cơ chế xử lý CTCK hoạt động kém hiệu quả và thúc đẩy tổ chức kinh doanh chứng khoán phát triển. Đồng thời, bổ sung cơ chế bảo vệ NĐT; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Bên cạnh đó, UBCKNN cũng sẽ tiếp tục đa dạng và nâng cao chất lượng hàng hóa. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh công tác cổ phẩn hóa, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; Nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn nghiệp vụ chào bán, phát hành theo phương pháp dựng sổ (book building); Tăng cường kiểm tra, đặc biệt là giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn trước khi đăng ký giao dịch và niêm yết; Giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty; Khuyến khích các DN niêm yết áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về công bố thông tin báo cáo tài chính theo IFRS; các chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế.
Cùng với đó, là việc đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu; đưa vào vận hành bộ sản phẩm repo mới theo Thông tư 10/2017/TT-BTC; phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp. Đồng thời với đó là nghiên cứu phát triển thị trường trái phiếu DN theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để tăng cường tính minh bạch của TTCK, UBCKNN cũng sẽ xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi), trong đó hoàn thiện các quy định về công bố thông tin. Đồng thời với đó là giám sát chất lượng của các công ty kiểm toán khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng; chất lượng hồ sơ tư vấn phát hành, niêm yết của CTCK; Nâng cao trách nhiệm của công ty đại chúng thông qua áp dụng quy chế quản trị công ty theo Nghị định 71 để nâng cao nhận thức, trước hết là cho lãnh đạo DN về tuân thủ yêu cầu minh bạch công bố thông tin, về vai trò và các nguyên tắc quản trị, làm cơ sở cho quá trình thực hành quản trị, tuân thủ, áp dụng quản trị công ty theo thông lệ tốt, cải thiện quan hệ NĐT…