Trong bối cảnh u ám của thị trường, một nội dung trong nhận định đầu tuần trước của VEF.VN là thị trường “sắp có “phản ứng kỹ thuật” (tăng điểm) trong ngắn hạn”. Với chuỗi giảm điểm liên tục của cả hai sàn, âu đó cũng là “lẽ tự nhiên”.
Lẽ tự nhiên này còn thể hiện sự hợp lý ở chỗ không bao giờ gây ra sự tán tận hy vọng cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, nghĩa là bất chấp các điều kiện kinh tế và tin tức có tiêu cực đến mấy chăng nữa, thị trường vẫn có xuống có lên.
Dĩ nhiên, những ai muốn xả hàng nằm trong kế hoạch thoái dần vốn của mình đều có thể cứ từ từ, bình tĩnh mà thực hiện.
Đồ thị biến động của HNX đang tuân theo một dạng thái là lạ so với mấy tháng trước đây. Đương nhiên không có giải chấp thì cũng chẳng thể có bán tháo kèm lao dốc. Nhưng thực tế từ đầu tháng 3/2011 đến nay đã cho thấy bất cứ khi nào nhóm tạo lập thị trường muốn, họ sẽ thành công với động tác đánh xuống thị trường.
Tuy vậy, việc một số mã chủ chốt của sàn HNX vẫn được cố ý giữ giá từ giữa tháng 6/2011 đến nay, tiêu biểu là ACB và KLS, đã cho thấy có một khả năng là HNX không còn nằm trong diện bị “giải tỏa trắng tay”, mà thay vào đó là “giải tỏa có bồi thường” – nói theo từ ngữ chuyên môn đất đai.
Tất nhiên mức bồi thường cũng chỉ mang tính tượng trưng như phiên tăng mạnh trong tuần trước, đủ cho những nhà đầu tư khôn ngoan gỡ gạc lại chút đỉnh, mang lại đôi chút hưng phấn cho thị trường đang rã rượi, chứ hoàn toàn không hàm ý về một cuộc đánh lên mạnh mẽ nào. Cũng bởi thế, việc chờ đợi sự đồng dạng giữa HNX với VNI sẽ có thể còn kéo dài khá lâu nữa.
Cũng rất có thể, sẽ chẳng có những phiên giảm mạnh để “rũ bỏ lượng cung lỏng” như một luồng nhận định trong giới phân tích. Trong tuần trước, tin tức tiêu cực nhất lại đến từ yếu tố bên ngoài – phần lớn các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới đều rơi vào trạng thái hoảng loạn do những dấu hiệu về suy thoái kép đang dần trở nên hiện thực.
Tuy nhiên, với HNX thì có lẽ mọi chuyện vẫn không mấy thay đổi. Bởi nếu lấy mốc từ đầu tháng 5/2011 đến nay, trong khi chỉ số Dow Jones của Mỹ mất đến 11% giá trị đã được coi là “suy thoái”, còn HNX lại mất khủng khiếp hơn: 26%. Sự chênh lệch quá lớn như thế sẽ khiến cho những người giữ cổ phiếu ở Việt Nam không còn muốn bán tháo nữa, khiến cho đồ thị suy giảm của HNX có thể giống với các thị trường chứng khoán Slovenia và Síp hơn là với Mỹ và Tây Âu.
Bởi thế, sắp tới cho dù chứng khoán Mỹ có lao dốc thêm 30% nữa thì chứng khoán Việt Nam cũng chẳng ảnh hưởng gì!
Có lý giải cho rằng sở dĩ có “phản ứng kỹ thuật” trong tuần trước là do thông tin sẽ giảm lãi suất cho vay xuống còn khoảng 17-19% ngay trong tháng 8 và vào tháng 9/2011 – được nêu ra bởi sự đồng điệu của hai người đứng đầu ngành tài chính và ngân hàng trung ương.
Nhưng nếu chịu khó nhớ lại thì vào cuối tháng 5/2011, thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng đã “dự báo” lãi suất sẽ giảm mạnh trong tháng 6 và giảm tiếp sang tháng 7/2011.
Trong thực tế, mặt bằng lãi suất có giảm trong hai tháng đó nhưng không đáng bao nhiêu, còn chứng khoán thì sau cú “phản ứng kỹ thuật” với thông tin từ ông Nguyễn Văn Giàu, đã tiếp tục trôi dốc, tiền bạc tiếp nối trôi sông.
Thế nhưng theo “dự cảm” của chúng tôi, nền kinh tế và cụ thể là khối doanh nghiệp sản xuất sẽ có hy vọng với sự hứa hẹn sắp tới của Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính về giảm lãi suất cho vay. Cơ sở lớn nhất cho việc giảm lãi suất đã được ngành ngân hàng điều phối ròng rã từ tháng 5/2011 đến nay, vừa tái cấp vốn cho một số ngân hàng lớn, vừa tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần nói chung.
Chính vì thế, hiện tượng dư tiền đồng đang dần xuất hiện trong một số ngân hàng, còn với những ngân hàng đã “lỡ” huy động vốn của bà con với lãi suất quá cao, họ đang bị “kẹp hàng” nên trong thời gian tới cũng phải đôn đáo tìm kênh cho vay. Lãi suất vì thế sẽ tự nhiên hạ xuống mà không nhất thiết phải áp dụng triệt để biện pháp hành chính để kéo giảm.
Một điểm rất đáng chú ý từ thông tin của ngành tài chính và ngân hàng là ngoài biện pháp hành chính, lãi suất sẽ giảm còn bởi “gói biện pháp kinh tế” mà các ngành này sẽ đưa ra. Theo chúng tôi, cũng có thể hiểu đó là một hình thức của “gói kích thích kinh tế”, phần nào mang ý nghĩa của “gói kích cầu” – một kỷ niệm đã từng khơi dậy sự sống cho nhiều doanh nghiệp và cả hai thị trường chứng khoán toán quốc, thị trường bất động sản Hà Nội vào năm 2009.
Tuy thế, đối tượng hưởng lợi từ xu thế giảm lãi suất sắp tới lại nghiêng về doanh nghiệp hơn là chứng khoán. Hãy nhìn lại năm 2009 và so sánh: trước khi chính sách kích cầu của Chính phủ được tung ra vào giữa năm 2009, thị trường chứng khoán đã lập đáy vào tháng 2/2009 và từ đó tạo nên sự hồi phục gấp hơn hai lần cho đến tháng 10/2009.
Còn năm 2011 này, nếu thị trường chứng khoán “thực lòng” muốn lặp lại phản ứng tích cực như năm 2009, đáng lý điều đó đã phải diễn ra từ cuối tháng 5/2011, khi thị trường đã phá cả đáy khủng hoảng.
Phiên giao dịch cuối tuần trước cũng tô điểm thêm cho xu hướng không khả quan của thị trường chứng khoán, khi VNI tăng còn HNX giảm, mà nguồn cơn giảm lại sinh ra từ nỗi thất vọng đã từng được lặp đi lặp lại nhiều lần trong dĩ vãng: vẫn chỉ là những cổ phiếu siêu lớn được nhóm tạo lập thị trường làm giá trên sàn HOSE. ‘
Cái mà người ta gọi là điểm sáng của thị trường – khối lượng giao dịch tăng – thật ra cũng chưa nói lên triển vọng nào quá sáng sủa vì một phần khá lớn trong đó là giao dịch thỏa thuận.
Trong khi đó, sự ồn ào xung quanh việc đồ án quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 đã được Chính phủ thông qua, một vài tín hiệu cho thấy giá đất nền tại Thủ đô đang có xu hướng chững đà rơi, cùng một vài động thái ban đầu của các tân thủ trưởng ngành tài chính và ngân hàng trung ương đã cho thấy nếu lãi suất được xác nhận xu hướng giảm, khối doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, sẽ có cơ may nhiều hơn các công ty chứng khoán để nhận được sự ưu ái của dòng tiền.
Thậm chí, nếu khả năng này xảy ra, nó còn trở thành một “tai họa trung hạn” đối với chứng khoán.
Nhìn lại, tất cả các động thái “tích lũy” của đường biểu diễn chỉ số chứng khoán trong thời gian qua nếu không phải để tăng thì chỉ có thể phục vụ cho xu thế… giảm. “Nỗi thất vọng siêu hình” lại một lần nữa đang trở nên hữu hình với cách giảm từ từ, buồn ngủ và triệt tiêu dần tế bào thần kinh của nhà đầu tư.
Dự báo, tuần này chỉ số HNX dao động ngang.