Tác động đáng kể của dòng vốn ngoại đến VN-Index
Quay trở lại những tháng đầu năm, chỉ số VN-Index liên tục tăng trưởng, từ mức 995,77 điểm đầu năm lên mức đỉnh 1.204 điểm (phiên ngày 9/4), tương đương tăng 20%. Cùng với đó, giá trị giao dịch tăng cao. Cụ thể, chỉ riêng tháng 1, giá trị giao dịch đã lên tới 164,5 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với tháng 12/2017. Giá trị mua ròng của khối ngoại 3 tháng đầu năm cũng lên tới 9.656 tỷ đồng trên HOSE. Thị trường quay đầu giảm mạnh từ tháng 4 cùng với sự “tụt áp” của thanh khoản và mua ròng của nhà đầu tư ngoại. (Xem bảng)
Theo thống kê của Báo Đấu thầu, giá trị giao dịch bán của khối ngoại chiếm khoảng 15-20% giá trị giao dịch toàn thị trường. “Đây không chỉ là con số ảnh hưởng đáng kể lên dòng tiền chảy vào thị trường, mà còn ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư nội cũng như viễn cảnh chung của thị trường, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường” – Công ty CP Chứng khoán BIDV nhận định.
Câu chuyện tỷ giá và dòng vốn ngoại
Ông Dominic Scriven – Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thị trường tài chính toàn cầu thể hiện một số lo ngại: Một là, tranh chấp thương mại, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ – Trung; hai là, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, cùng với lãi suất USD tăng đã làm cho sức hấp dẫn của các thị trường tài chính ở các nền kinh tế mới nổi giảm. “Việt Nam không đứng ngoài những lo ngại này”, ông Dominic nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 ngày 4/7.
Về câu chuyện tỷ giá, ngày 21/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lên 1,75%, chỉ số USD Index – đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác từ 89,78 giảm xuống còn 89,0. Chỉ số này bắt đầu hồi phục mạnh từ ngày 16/4, liên tục đi lên và chỉ hạ nhiệt vào ngày 13/6 để chờ những bước đi tiếp theo sau cuộc họp của FED. Ngày 13/6, FED công bố tăng lãi suất lên 2% và dự định tăng thêm 2 lần từ nay đến cuối năm. Sau tín hiệu này, USD Index tiếp tục đi lên.
Cùng diễn biến như vậy, sau khi FED tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2018 vào 21/3, tỷ giá so với USD tại hầu hết các quốc gia mới nổi chưa có dấu hiệu tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình từ tháng 4/2018 đến nay đã khác, tỷ giá tăng mạnh ở rất nhiều quốc gia. Cụ thể, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá 13% chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay; đồng Rupee của Ấn Độ mất giá 5,4% tính từ đầu tháng 4; đồng Rupee của Pakistan cũng mất giá 5,4% chỉ tính riêng trong tháng 6; đồng Rupiah của Indonesia cũng mất giá 4% tính từ cuối tháng 4; đồng Peso của Philippines cũng mất giá 3% tính từ cuối tháng 4…
Tại Việt Nam, tính chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước đã tăng 1% trong khi tỷ giá giao dịch cũng mới chỉ tăng khoảng 1,1%. Tuy nhiên, VND có thể đang manh nha ở giai đoạn mất giá. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tỷ giá tăng mạnh không chỉ do tác động nâng lãi suất của FED mà còn do nội tại nền kinh tế. Mặc dù 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 2,57 tỷ USD nhưng đã bắt đầu nhập siêu trong tháng 5 (814 triệu USD) và tháng 6/2018 (100 triệu USD). Ngoài ra, GDP trong quý II đã tăng trưởng chậm lại so với quý I, lạm phát cũng đang tăng trở lại khi chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Bùi Nguyên Khoa, tỷ giá đang tác động đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài. VND đang manh nha ở giai đoạn mất giá và điều này làm cho dòng tiền cơ cấu ra rồi, không vội vàng vào lại vì còn phải quan sát CPI, khả năng ổn định tỷ giá của Việt Nam trước khi họ quay lại.