Đây là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Tác động của thị trường chứng khoán lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách” tổ chức sáng nay (29/7) tại Hà Nội.
Khủng hoảng lòng tin
Hội thảo này do Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức, và Thời báo Kinh tế Sài Gòn bảo trợ thông tin. Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định: “Thị trường chứng khoán đang ở mức đáy. Người ta đặt ra hai khả năng: tăng trưởng trở lại, hoặc suy giảm tiếp đến sụp đổ. Tôi cho rằng thị trường sẽ tăng trưởng trở lại nhưng lâu.”
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) nói thêm: “Chúng tôi hi vọng bây giờ là đáy của thị trường rồi, còn nếu không không biết sẽ còn kinh khủng đến đâu”.
Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nói: “Nhiều người hỏi tôi: vì sao thị trường chứng khoá thê thảm vậy? Tôi luôn trả lời: nó chỉ là tấm gương phản chiếu bức tranh kinh tế, nhưng theo chiều hướng phóng đại hơn”.
Theo bà Liên, 46% doanh nghiệp niêm yết có cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, và 74% doanh nghiệp niêm yết có giá cổ phiếu thấp hơn sổ sách. Hiện tại có 813 công ty đang niêm yết.
Bà nói: “Điều này phản ánh rõ khó khăn của nền kinh tế và tâm lý bất an của nhà đầu tư. TTCK đang đối diện với khủng hoảng lòng tin”.
Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital, ông Dominic Scriven, cho biết thêm, tính tới tháng 7, cứ 100 doanh nghiệp có thông báo cáo bạch, thì đến 60% là lỗ.
Ông nói: “Thực tế là các nhà đầu tư đã mất đi 7% mỗi năm từ 2006 trở lại đây”.
Theo ông Trung, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên HASTC đang ngày càng xấu đi. Số công ty có doanh thu thấp hơn năm trước đã tăng lên 83 (22%) năm 2010, so với 67 năm 2009 và 24 năm 2008. Số công ty có lợi nhuận âm cũng tăng lên 13 trong năm 2010, so với 8 năm 2009 và 9 năm 2008.
Suốt tuần qua, chỉ số VN-Index gần như không biến động ở mức dưới 410 điểm
Triển vọng chưa rõ
Theo ông Scriven, 11 quỹ đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đang chịu lỗ. “Tôi được biết, phần lớn các quỹ sẽ biểu quyết rút vốn thời gian tới”, ông nói.
Ông cho biết, quỹ của ông đã cho các nhà đầu tư rút 10% vốn trong mỗi 6 tháng, nhưng việc này không thực hiện được do thanh khoản thấp.
Ông Nghĩa bổ sung thêm, hầu hết các quỹ này lỗ ít thì 3-5%, cao tới 40%, và bày tỏ lo ngại họ sẽ thoái vốn trong từ năm 2012 đến 2015 sau những thua lỗ trên trên.
Ông Nghĩa nói: “Nếu không có nhà đầu tư mới, hay những quỹ này không ở lại lập thêm quỹ mới thì thị trường sẽ đi về đâu. Nếu nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có tổ chức và chuyên nghiệp đi hết sẽ ra sao?
Hiện nay nhà đầu tư lớn rất thông cảm và còn hy vọng ở thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng không phải ai cũng ở lại”.
Ông Scriven cho biết thêm, có 2 công ty trong top 5 của thế giới – một trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, một trong ngành viễn thông – đã đến Việt Nam để sẵn sàng đầu tư tới 500 triệu đô la Mỹ trong vụ IPO của doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, một đã về nước còn công ty kia cũng đang tính đường rời khỏi thị trường vì cho rằng không thể thành công. “Đó là điều đáng buồn,” ông nói.
Cả ba diễn giả trên cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay để hỗ trợ thị trường chứng khoán là ổn định được kinh tế vĩ mô.