Nhà đầu tư bán ròng vì áp lực tâm lý
Đồng USD trên đà tăng mạnh trong một vài tháng gần đây sau khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức nâng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm nay. Sau quyết định này của FED, đồng USD đã tăng giá mạnh. Hiện chỉ số Dollar Index (đo sức mạnh đồng USD) đã chạm mức 95,1 điểm vào ngày 20/6/2018 (mức cao nhất kể từ tháng 7/2017), trước khi giảm nhẹ về mức hiện tại là 94,4 điểm.
Tại Việt Nam, ngày 1/8, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm VND/USD 22.669 đồng, ngang giá trước đó 1 ngày. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 23.348 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.990 VND/USD. Cùng với đó, tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch của Ngân hàng Nhà nước ở mức giá mua vào 22.700 đồng/USD và giá bán ra tiếp tục ở mức 23.299 đồng/USD.
Áp lực về tỷ giá đã tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư. Hơn 1 tháng qua, đặc biệt là những phiên giao dịch cuối tháng 7, TTCK đã chứng kiến áp lực bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong phiên giao dịch ngày 31/7, trên sàn HOSE, áp lực bán ròng của khối ngoại tiếp tục tập trung vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn như: VIC với 104,19 tỷ đồng, tiếp theo lần lượt là NVL (25,37 tỷ đồng), VRE (24,61 tỷ đồng), VNM (17,12 tỷ đồng), MSN (13,77 tỷ đồng). Phiên trước đó (ngày 30/7), cũng trên HOSE, các cổ phiếu lớn này cũng bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng: VIC (62,78 tỷ đồng); VNM (12,49 tỷ đồng), MSN (8,09 tỷ đồng), GTN (7,99 tỷ đồng)… Tuần trước đó, khối ngoại đã bán ròng trên 500 tỷ đồng tại HOSE.
Theo ông Phạm Thành Thái Lĩnh, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường và đầu tư, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVCS), việc biến động tỷ giá VND/USD sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài khi dấy lên những lo ngại về dự trữ ngoại hối của Việt Nam và những vấn đề liên quan như “nhập khẩu” lạm phát, nợ quốc gia. Trong trung hạn, đây vẫn là yếu tố có thể tác động mạnh đến diễn biến thị trường, đặc biệt là trong những tháng cuối năm khi sức ép tỷ giá tăng lên theo tính mùa vụ.
Cần bám sát thị trường
Nhìn vào các chỉ số của TTCK, có thể thấy dường như khối ngoại bán ròng để tái cơ cấu dòng vốn chứ không phải rút vốn khỏi thị trường, bán cổ phiếu này để mua cổ phiếu khác có giá trị. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 31/7, trên HOSE, khối ngoại đã mua ròng 1,64 triệu cổ phiếu, trong đó SSI là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 66,25 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong top mua ròng lần lượt là HDB (17,58 tỷ đồng), HPG (17,03 tỷ đồng), VCB (16,76 tỷ đồng), BID (16,29 tỷ đồng). Còn phiên ngày 30/7 là 359 nghìn cổ phiếu, trong đó có SSI (12,81 tỷ đồng), BID (10,95 tỷ đồng), KDC (10,73 tỷ đồng), HCM (7,65 tỷ đồng), NT2 (6,3 tỷ đồng). Tuần trước đó, nhà đầu tư cũng mua ròng gần 85 tỷ đồng tại sàn HNX.
Theo TS. Luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, trong thời gian vừa qua, nhất là 6 tháng đầu năm 2018, TTCK Việt Nam là một trong những thị trường có tiềm năng phát triển mạnh. Dù thời gian gần đây, chỉ số chứng khoán có giảm xuống một chút từ mốc 1.200 điểm xuống còn loanh quanh mốc 960 điểm nhưng đây chỉ là việc giảm tạm thời đi kèm với việc giảm điểm của TTCK thế giới.
“Xét dưới góc độ các chỉ số cơ bản cũng như các thông tin kinh tế vĩ mô trong nước, Việt Nam tốt hơn nhiều so với các nước khác, nhất là những TTCK mới nổi như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia… Nếu đánh giá về bản chất cũng như tiềm năng của nền kinh tế thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn thích đầu tư vào Việt Nam vì các chỉ số cơ bản như GDP, CPI, xuất siêu… tốt. Đi kèm với đó là chính trị ổn định. Đó là mong muốn lớn của các nhà đầu tư nước ngoài nên họ vẫn sẽ để dòng tiền lại thị trường Việt Nam”, ông Bùi Quang Tín nhận định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc đánh giá liệu dòng vốn có thật sự đảo chiều hay chưa vào lúc này vẫn chưa có gì chắc chắn, khi mà thời gian qua các quỹ đã gắn bó lâu năm với thị trường Việt Nam liên tiếp đăng ký thoái vốn và thu hẹp danh mục. Vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài và cả trong nước sẽ cần theo dõi sát yếu tố này. Nếu tỷ giá được kiểm soát tốt thì việc VND mất giá nhẹ so với USD trong bối cảnh TTCK đang giảm giúp giá nhiều cổ phiếu hợp lý hơn, mở ra nhiều cơ hội đầu tư hơn. Mặt khác, doanh nghiệp nào chuẩn bị tốt cho xu hướng tỷ giá, như cân đối với việc xuất khẩu và nhập khẩu, kinh doanh ở thị trường sử dụng USD và thị trường sử dụng các đồng tiền khác, từ đó làm lợi cho chính mình thì sẽ nhận được các dòng tiền đầu tư đổ về và ngược lại.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng khuyến cáo không thể chủ quan với diễn biến kinh tế, tiền tệ, thương mại như hiện nay. Việc FED tuyên bố có thể nâng lãi suất thêm 2 lần từ nay đến cuối năm và căng thẳng thương mại leo thang là hai yếu tố rất quan trọng cần được bám sát và có nhiều giải pháp để chủ động nắm bắt, cũng như ứng xử trong mọi trường hợp có thể xảy ra.