Trong khi VN-Index nhận được sự trợ lực của dòng tiền duy trì sắc xanh quanh mức 435 điểm, thì HNX-Index đã phải quay đầu, khuất phục trước áp lực chốt lời mạnh mẽ của bên bán, nhưng cũng chỉ dừng chân tại khu vực 75 điểm.
Đáng chú ý, thanh khoản trên cả hai sàn niêm yết trong phiên này đều có mức tăng đột biến. Cụ thể, tổng khối lượng chứng khoán chuyển nhượng trên sàn HoSE đạt trên 52 triệu đơn vị và tại HNX lên tới 69 triệu đơn vị.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, diễn biến giao dịch đã nghiêng về xu thế chốt lời và người mua lại đang khá thận trọng, cân nhắc rất kỹ càng trước khi đưa ra các quyết định mua vào. Nên với khối lượng tiền mặt lên tới 1.600 tỷ đồng đổ vào thị trường trong phiên, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, dòng tiền nào đã “nhảy vào lửa” trong phiên này?
“Lực cầu trong phiên giao dịch ngày 5/9 là rất khéo và tinh quái, những nhà đầu tư nhỏ lẻ không đủ niềm tin để có thể mạo hiểm nhảy vào. Theo tôi là khả năng các nhà đầu tư lớn giao dịch T+0 (mua, bán trong phiên) đã thực hiện hoạt động bán đầu phiên và cuối phiên họ mua lại đỡ giá, nhờ đó thị trường không rơi vào tình trạng sập hẳn, vì thế thanh khoản cũng được gia tăng nhiều,” ông Nguyễn Tuấn Anh, một trong những nhà đầu tư kiên trì bám sàn trong suốt thời gian qua đưa ra nhận định.
Với kinh nghiệm đầu tư của bản thân, ông Tuấn Anh cho rằng, phiên 5/9 cho thấy hoạt động giao dịch là của các tổ chức và những nhà đầu lớn. Thông thường, giai đoạn thị trường “xoáy” ở đỉnh thì có rất nhiều bẫy lên giá. Trong 1 phiên có tới 2,3 bẫy giá và nhà đầu tư rất dễ bị đánh lừa về tâm lý. Những phiên như thế này chính là để kiểm tra tâm lý, cũng như sức bền dòng tiền của giới đầu tư.
Sau những trải nghiệm và mất mát, ông Tuấn Anh cho rằng, hiện các nhà đầu tư nhỏ tham gia vào thị trường vẫn ở trong tâm lý “kinh hãi”. Kinh nghiệm đầu tư trên thị trường thời gian qua, với những đợt lên “nóng” và ngắn như thế này là cực kỳ nguy hiểm.
Trên thực tế mỗi khi nhà đầu tư quyết định mua vào, tâm trạng lo sợ thường lớn hơn sự kỳ vọng. Như nhìn vào diễn biến giao dịch phiên ngày 5/9, những nhà đầu tư nào tranh mua trần cổ phiếu trong các phiên 30, 31/8 đang rất lo ngại, bởi theo chu kỳ thanh toán T+4 (ngày 6/9 và 7/9) chứng khoán của họ mới về tới tài khoản.
“Theo quy luật trên thị trường thì mỗi khi có sóng cổ phiếu ngân hàng là bước vào kỳ cuối của một đợt tăng. Do đó, tôi đã chốt lời từ phiên thứ Năm (1/9) tuần trước, phần lớn số cổ phiếu được tôi mua gom từ trước khá lâu, nhưng mức lợi nhuận bình quân cũng chỉ khoảng 15%-20% và như thế cũng là thành công rồi,” ông Tuấn Anh chia sẻ.
Quan sát diễn biến giao dịch trong phiên, mặc dù sự hoảng loạn tháo chạy của giới đầu tư là chưa thấy, song theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Đầu tư Công ty Chứng khoán Hòa Bình, động thái giao dịch phiên 5/9 khó xác định cụ thể nhóm nào đỡ thị trường. Đầu giờ nhà đầu tư cá nhân vẫn mua khá nhiều, nhưng cuối giờ thị trường có dấu hiệu chuyển sang sắc đỏ, hầu hết mọi người đều hoảng sợ, do đó khối lượng khớp cuối phiên chủ yếu xuất phát từ lực cầu “treo” sẵn đỡ cho mã cổ phiếu không xuống quá sâu.
Các chuyên gia dự báo, trong các phiên tới thị trường sẽ chịu áp lực cao, bởi các phiên trước lực cầu tại các mã cổ phiếu ngân hàng, các cổ phiếu có tính thanh khoản lớn được kéo giá lên mạnh làm cho chỉ số hai sàn bị ảnh hưởng.
“Dòng tiền tổ chức khó có đủ lực giữ thị trường trong một, hai phiên tới, do họ đã mất khá nhiều sức kéo lực cầu vào thị trường ở các phiên trước. Có khả năng thị trường sẽ phải điều chỉnh. Ngoài ra, hoạt động trên thị trường bây giờ chủ yếu theo hình thức T+, mua vào và thoát ra ngay. Dòng tiền ra vào rất nhanh, không có tính ổn định đầu tư mà chỉ chạy theo sóng, nên xu hướng tăng bền vững rất khó thiết lập,” ông Trung nhận định./.