Cảnh báo nói trên không chỉ đặt ra trước quan ngại “chu kỳ 10 năm” một lần, nền kinh tế đi vào giai đoạn giảm tốc, hay thị trường bất động sản “vỡ bong bóng” như các năm 1989, 1999 và 2009, mà đến từ nhiều phân tích vĩ mô và từ các cảnh báo diễn biến thị trường thời gian gần đây.
“Bong bóng bất động sản tại một số địa điểm đang hình thành và chỉ chực chờ các hiện tượng khác của nền kinh tế là vỡ ra”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng lưu ý như vậy trong tọa đàm nói trên.
Theo ông, dù phân khúc đất nền đã giảm nhiệt sau khi “Luật Đặc khu” được hoãn thông qua, nhưng thị trường bất động sản hiện nay đã quá “nóng”. Tại nhiều địa điểm, giá bất động sản đã tăng 100%. “Đây là hiện tượng rất đáng lo”, ông Hiếu cảnh báo. “Tại Việt Nam, giá tăng từ 5 – 10% là thường, tăng từ 10 – 30% là cao, tăng từ 30 – 50% là rất cao, tăng từ 50 – 100% là quá cao và tăng từ 100% là có hiện tượng bong bóng”.
Đặt trong tương quan với thị trường chứng khoán, vừa qua một giai đoạn dài liên tục tăng giá và VN-Index vượt qua 1.200 điểm, để rồi mới đây đã từng “đục thủng sàn” 900 điểm, ông Hiếu cho rằng bất động sản cũng tương tự, không thể lên mãi được.
“Thị trường như cái máy bay, có lên, có xuống. Tôi nghĩ hiện tượng bong bóng tại một số địa điểm đã hình thành và chỉ chờ chực các hiện tượng khác của nền kinh tế để vỡ ra. Chúng ta phải cẩn thận vì bong bóng có thể vỡ ra vào đầu năm 2019 hoặc trong năm 2019”, TS. Hiếu dự báo.
Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô của VEPR, thị trường căn hộ trong quý II/2018 suy giảm cả ở Hà Nội và TP.HCM, cả về lượng mở bán mới và lượng bán ra. Nếu trong tương lai gần, lãi suất tăng có thể đẩy thị trường bất động sản vào trạng ảm đạm hơn nữa. “Đây là rủi ro quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý, vì nó sẽ làm thay đổi toàn bộ trạng thái thị trường hiện nay”, VEPR đưa ra khuyến cáo.
Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, tại thị trường Hà Nội, tổng nguồn cung căn hộ bán mới trong quý II/2018 giảm 2,49% so với quý II/2017 và giảm tới 27,4% nếu so với quý 1/2018; lượng căn hộ giao dịch cũng giảm 3,55% so với cùng kỳ năm trước và giảm đáng kể ở mức 44,34% so với quý I/2018.
Tại TP.HCM, thị trường sụt giảm mạnh cả về lượng mở bán và giao dịch thành công: lượng mở bán giảm 19,94% so với quý II/2017 và giảm 55,24% so với quý I/2018; lượng bán ra chưa bằng một nửa so với quý I/2018 và cũng giảm tới 22,66% so với cùng kỳ năm 2017. Phân khúc trung cấp chứng kiến sự sụt giảm theo quý lớn nhất, tới 62%.
Cùng mới đây, Hội Môi giới bất động sản (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) đã công bố một báo cáo cho thấy tính nhộn nhịp, sôi động mua đi, bán lại trên thị trường của các nhà đầu tư, đầu cơ đã gần như không còn ở Hà Nội. Lượng giao dịch nửa đầu năm 2018 chủ yếu là của người tiêu dùng thực.
Báo cáo nói trên cũng cho biết giá bất động sản đã hạ nhiệt trong cả nước. Nhưng Hội Môi giới bất động sản cho rằng chưa có tình trạng “bán tháo”, ra khỏi thị trường. Đáng lưu ý là lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng (condotel) tiếp tục hạ nhiệt, nguồn cung ngày một dồi dào đang cảnh báo nguy cơ dư thừa so với cầu.
Hội Môi giới bất động sản dự báo những tháng cuối năm 2018, thị trường tương đối khó khăn, do tình hình kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới không ổn định, tín dụng bất động sản được quản lý chặt… Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần phải có kế hoạch phát triển thích ứng, cung sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và giảm chi phí để giảm giá bán hàng.