10 năm, M&A tạo dựng nên những đế chế thực phẩm nội
Trong 10 năm qua, hàng trăm thương vụ M&A trong ngành thực phẩm đã diễn ra tại Việt Nam. Nhiều cái tên và thương hiệu sản phẩm Việt đã biến mất trên thị trường, nhưng thay vào đó, những trụ cột của ngành thực phẩm đang dần được hình thành.
Nổi bật nhất phải kể đến Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO – tiền thân là Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC). Doanh nghiệp này đã trải qua quá trình mua bán sáp nhập (M&A) dài hơi để hình thành nên KIDO như ngày hôm nay. Theo thông tin từ phía KIDO, quá trình M&A sẽ vẫn tiếp diễn trong chiến lược phát triển chung của Tập đoàn.
Năm 2011, Diễn đàn M&A Việt Nam đã trao giải “Thương vụ sáp nhập tiêu biểu nhất Việt Nam 2010-2011” cho Công ty cổ phần Kinh Đô với thương vụ M&A giữa 3 công ty: Công ty cổ phần Kinh Đô và Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Kinh Đô miền Bắc và Công ty cổ phần Kido, trong đó có 2 công ty đã niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM là Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) và Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc (NKD).
Những năm sau đó, KDC vẫn tiếp tục M&A để tăng quy mô, phát triển mảng kinh doanh mới và chiếm lĩnh thị phần. Song chấn động nhất phải kể tới thương vụ doanh nghiệp nội lớn nhất trong ngành bánh kẹo lại bán đứt mảng bánh kẹo và thương hiệu Kinh Đô cho Mondelez International, thu về khoảng 2.000 tỷ đồng, sau đó đổi tên thành Tập đoàn KIDO.
Tính đến thời điểm hiện nay, đây là thương vụ M&A lớn nhất trong ngành bánh kẹo Việt Nam. Trong đánh giá của giới phân tích, đây là thương vụ “đáng tiền” của KDC bởi tăng trưởng của ngành bánh kẹo lúc đó đang ở xu hướng đi xuống. Quả vậy, sau khi rời khỏi Công ty mẹ KDC, Công ty Kinh Đô Mondelez có lợi nhuận khá khiêm tốn, biên lợi nhuận thấp do chi phí phải trả cho các hoạt động bán hàng quá cao.
Hiện nay, KDC đang tập trung vào mảng đông lạnh và dầu ăn, đồng thời tiếp tục đặt mục tiêu M&A để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam và mở rộng ra nước ngoài với phương châm “lấp đầy gian bếp của khách hàng”.
Đối trọng với KIDO là “đế chế” hàng tiêu dùng Masan. Đế chế này thông qua công ty con Masan Consumer với các sản phẩm trải dài trên nhiều phân khúc như gia vị, nước tương, nước tăng lực, nước chấm, thực phẩm tiện lợi, chuỗi giá trị thịt… với mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” và sứ mệnh đặt ra là “cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cho hơn 90 triệu người Việt Nam”.
Trong thập kỷ qua, Masan liên tục tiến hành các thương vụ mua bán sáp nhập lớn với Vinacafe Biên Hoà, KKR, Singha, Vissan, Vĩnh Hảo, Cholimex Food… Hệ quả của chuỗi các hoạt động M&A này là hàng loạt sản phẩm mới, thương hiệu mới ra đời, phục vụ người tiêu dùng quanh tiêu chí mà Tập đoàn đặt ra.
Tạo dựng một đế chế cho riêng mình còn có Công ty cổ phần Thành Thành Công (TTC) với địa vị hiện tại là “ông trùm” ngành mía đường, khi nhanh chóng thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp mía đường có thực lực. Mới đây nhất, TTC đã hoàn tất việc mua lại mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai. Tới nay, TTC có 17 công ty đường thành viên với 62.300 ha vùng nguyên liệu, phân phối sản phẩm trên 200.000 điểm bán.
TTC tập trung phát triển các sản phẩm cạnh đường và sau đường nhằm tối ưu hóa chuỗi giá trị ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của đường Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn cho ra đời sản phẩm Nước uống hương mía Miaqua, các sản phẩm hữu cơ (organic), các sản phẩm từ nước dừa Cocoxim, chè Ngọc Bảo, gạo Betrimex, thịt bò Kobe Việt Nam…
KIDO, Masan, Thành Thành Công… là các điển hình của sự thành công qua M&A. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng “hái được quả ngọt” như vậy. 5 năm trở lại đây, thị trường chứng kiến cảnh nhiều doanh nghiệp thực phẩm nội có tiềm năng chấp nhận bán mình cho nhà đầu tư ngoại.
Bên mua thâu tóm chủ yếu là các tập đoàn thực phẩm lớn từ Hàn Quốc, Thái Lan. Chẳng hạn, CJ CheilJedang – đơn vị thành viên của “ông lớn” Hàn Quốc CJ Group – năm 2016 đã mua lại Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt và Công ty cổ phần Hàng chế biến xuất khẩu Cầu Tre. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tham gia vào việc tranh mua cổ phần tại nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành thực phẩm Việt.
Hay như Tập đoàn Daesang Corp mua lại Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt…Cùng với đó là sự xuất hiện của các nhà đầu tư Thái Lan trong các vụ mua bán quy mô và giá trị lớn như JC&C mua cổ phần của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Thaibev mua cổ phần của Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)…
Tần suất M&A dồn dập cho thấy, ngành thực phẩm là mảnh đất hấp dẫn trên thị trường M&A Việt Nam. Tuy nhiên, quan sát cả quá trình dài sẽ thấy, bên cạnh một số điểm sáng là các doanh nghiệp Việt vững bước trên thị trường M&A, cuộc chơi M&A ngành thực phẩm ngày càng nghiêng về các tập đoàn, doanh nghiệp ngoại. Họ có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng chiếm lĩnh thị trường dường như tốt hơn hẳn doanh nghiệp nội địa.
Thị trường mở, tiềm năng cho M&A
Theo dữ liệu của Nielsen, tại Việt Nam, ngành hàng thực phẩm là một trong 3 nhóm ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2017. Dữ liệu đo lường bán lẻ của Nielsen tại cả 2 kênh truyền thống và hiện đại trên toàn quốc đã chỉ ra rằng, doanh số của ngành hàng thực phẩm tăng trưởng 7% trong năm 2017 so với năm 2016, đóng góp 16,3% vào tổng doanh số của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Tuy nhiên, khi quan sát kỹ hơn vào 2 nhóm sản phẩm chính của ngành hàng thực phẩm thì các sản phẩm thuộc nhóm thông dụng hàng ngày lại không thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ như các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm được mua “ngẫu hứng”.
“Tốc độ tăng trưởng của thị trường FMCG sẽ phần lớn phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nắm bắt sự thay đổi của thị trường như thế nào và sẽ có định hướng ra sao để bắt kịp với nhịp độ thay đổi. Câu chuyện về ‘cá nhanh nuốt cá chậm’ sẽ tiếp tục được bàn luận nhiều hơn trong năm 2018 khi tốc độ thay đổi mạnh mẽ của hành vi người tiêu dùng, công nghệ và các mô hình kinh doanh, cũng như các yếu tố khác, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp”, Niesel đánh giá.
Về phía doanh nghiệp, Masan Group xác định, cần có quy mô lớn để dẫn đầu thị trường, đồng thời đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các công ty đa quốc gia. Vì vậy, bên cạnh chiến lược kinh doanh tập trung hợp nhất, doanh nghiệp này cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng bằng các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp phù hợp với sứ mệnh kinh doanh mà Tập đoàn đã xác lập.
Với KIDO, trong năm nay, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục M&A một công ty khác trong ngành dầu ăn là Golden Hope – liên doanh giữa Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và Sime Darby Plantation – Tập đoàn chuyên về cao su, dầu cọ của Malaysia, để tiếp tục nâng cao thị phần ngành dầu. Dự kiến sau khi hoàn tất, thị phần dầu ăn của KIDO sẽ đạt xấp xỉ 45% thị phần toàn thị trường. Cùng với đó, KIDO sẽ tiếp tục thâm nhập vào những ngành hàng thiết yếu có tần suất mua sắm thường xuyên và quy mô lớn, mở rộng M&A và hợp tác với các đối tác.
10 năm qua, từ việc quan tâm nhiều đến giá cả sản phẩm, đến nay, 37% người tiêu dùng Việt bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của mình, nhất là những sản phẩm có chưa các phụ chất nhân tạo. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu cũng đã tạo ra nhu cầu cao hơn của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm chất lượng tốt hơn, cao cấp hơn.
Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, ngành thực phẩm Việt Nam vẫn đang là một thị trường hấp dẫn đối với hoạt động M&A nhờ quy mô dân số 90 triệu dân, với cơ cấu dân số trẻ cùng tốc độ phát triển kinh tế ổn định. Sự hấp dẫn này còn đến từ một yếu tố khác, khi thị trường tiêu dùng nhanh ở Việt Nam đang ngày càng nhận được sự ưa thích của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ.