Tổng công ty thép Việt Nam – CTCP (VnSteel) vừa có báo cáo cập nhật tình hình triển khai đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và kế hoạch hành động.
Bắt đầu có lãi
Báo cáo của VnSteel đã hé lộ tình hình hoạt động của Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án nhà máy Gang thép Lào Cai của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (gọi tắt là dự án nhà máy thép Việt – Trung) trong 6 tháng đầu năm 2018.
Theo đó, về đầu tư hạng mục dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung và VnSteel đã báo cáo xin lùi thời gian thực hiện dây chuyền cán thép sau khi đã xóa hết lỗ lũy kế. Hiện nay, Công ty Việt Trung đã nộp hồ sơ xin Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty Việt Trung đã duy trì các giải pháp quản trị để đảm bảo tổ chức sản xuất nhà máy gang thép Lào Cai đạt 100% công suất thiết kế và tổ chức triển khai khai thác mỏ Quý Xa đạt 100% công suất thiết kế.
Kết quả trong 6 tháng, sản lượng sản xuất phôi thép đạt công suất thiết kế. Cụ thể, sản lượng phôi thép ước đạt 285.540 tấn, sản lượng quặng sắt ước đạt 1.357.710 tấn và lợi nhuận ước đạt 642,35 tỷ đồng.
Về việc triển khai kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tập thể sau khi có kết luận của thanh tra, VnSteel cho biết Tổng công ty đã ban hành Kế hoạch số 798/KH-VNS ngày 11/6/2018 triển khai thực hiện công văn số 3700/BCT-TTB ngày 11/5/2018 của Bộ Công Thương về việc kết quả thanh tra dự án nhà máy thép Việt – Trung.
Cụ thể, đối với VnSteel, tiếp tục hoàn thành Kế hoạch 54/KH-VNS ngày 11/1/2018 đối với nội dung kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân. Các cá nhân đã nộp kiểm điểm theo đề cương báo cáo kiểm điểm trước ngày 15/6/2018.
Dự án nhà máy thép Việt – Trung là một trong 12 đại dự án thua lỗ, chậm tiến độ của ngành Công Thương. Dự án có tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động tháng 12/2014, dự án đã lỗ 91 tỷ đồng. Tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài trong 2 năm tiếp theo khiến khoản lỗ lũy kế đến hết năm 2016 lên đến 1.077 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, dự án đã “gượng dậy” và bắt đầu có lãi. Bộ Công Thương đang có kiến nghị rút dự án ra khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, là một trong số 12 dự án tồn đọng của ngành Công Thương là dự án thua lỗ rất trầm trọng. Bây giờ có một dự án bắt đầu có lãi thì chính các doanh nghiệp cũng mong muốn được ra khỏi các danh sách thua lỗ. Nếu ra khỏi được danh sách các dự án thua lỗ thì ít nhất các bạn hàng cũng nhìn nhận như là một doanh nghiệp bình thường.
Hơn nữa, theo Thứ trưởng Hải, các ngân hàng cũng nhìn nhận nhà máy này như một doanh nghiệp lành mạnh, bình thường và có thể tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn bình đẳng, giống như các doanh nghiệp bình thường khác.
Vì thế, việc ý định xin rút nhà máy thép Việt Trung ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương, Thứ trưởng cho rằng, đây là một mong muốn hết sức chính đáng của các doanh nghiệp.
“Lao đao” vì cơ chế đồng thuận
Trước đó, sau 10 năm hợp tác, hợp đồng liên doanh với Trung Quốc để khai thác mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai đã xuất hiện các dấu hiệu “cơm chẳng lành”.
Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel) – đơn vị đã rót gần 1.000 tỷ đồng vào liên doanh này cho hay, điều lệ của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện Kim Việt Trung có nêu: Các khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD đều phải theo cơ chế đồng thuận thay vì cơ chế tỷ lệ cổ đông, có nghĩa Hội đồng quản trị công ty muốn làm gì thì phải được toàn bộ thành viên hội đồng quản trị chấp thuận.
Cho nên, dù đóng góp nhiều vốn hơn (Việt Nam 55%, Trung Quốc 45%), số thành viên HĐQT nhiều hơn (Việt Nam 4, Trung Quốc 3) nhưng phía Việt Nam không được toàn quyền tự quyết hoạt động của công ty mà phụ thuộc vào việc cổ đông phía Trung Quốc đồng ý hay không.
Ông Bùi Thanh Bình, Tổng giám đốc VTM, thừa nhận hợp đồng liên doanh này thực tế đang gây khó khăn cho vận hành dự án. Bởi vì Hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh theo cơ chế đồng thuận thì mọi cái đều phải được thống nhất, đó là yếu tố gây khó cho điều hành do việc lấy ý kiến các cổ đông mất nhiều thời gian.
Lãnh đạo của Tổng công ty Thép Việt Nam cũng nhìn nhận, hợp đồng liên doanh tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung theo nguyên tắc cơ chế đồng thuận đang là một bất cập. “Các bên cơ bản phải đồng ý hết mới quyết được. Giờ có cái mình có thể quyết ngay nhưng không quyết được”, vị này cho biết.
Một chuyên gia không khỏi băn khoăn khi phía đối tác Việt Nam, ở đây là Tổng công ty Thép Việt Nam, lại lựa chọn một cơ chế có phần bất lợi cho chính Việt Nam trong việc đầu tư dự án này. Bởi, cơ chế đồng thuận tại dự án này khiến phía Việt Nam hoàn toàn mất quyền chủ động trong việc vận hành dù góp vốn nhiều hơn, chi phối về nguyên liệu đầu vào. Giả sử phía Việt Nam muốn đầu tư thêm một hạng mục nào đó để nâng cao hiệu quả dự án mà phía cổ đông Trung Quốc không đồng tình thì cũng chịu.