Ngày 30/8, Cục Phòng vệ thương mại tổ chức Hội thảo “Thực trạng và thách thức của ngành thép Việt Nam trong bối cảnh các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại” tại TP.HCM.
Ngành thép Việt ít cơ hội khi có chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
Phát biểu tại hội thảo, ông Nam cho biết thế giới có hơn 1.500 vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, trong đó ngành thép nói chung chiếm tới 30%. Đặc biệt từ cuối năm 2016 đến nay, ngành thép thế giới liên tục bị “đánh” và Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể.
Ông Nam đánh giá ngành thép Việt Nam đang rất dễ bị tổn thương và bị động. “Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang, tôi không thấy cơ hội nào cho Việt Nam hoặc nếu có thì cũng rất ngắn, rất ít và không bền vững.”
Ông Nam cho biết, thị trường tiêu thụ chính của thép Việt là Đông Nam Á, Mỹ chiếm thị phần rất nhỏ, khoảng 4%, nhưng lại là thị trường tiềm năng. Nguyên nhân là những nước Đông Nam Á liên tục điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ đối với thép Việt Nam, trong đó Indonesia thậm chí áp dụng các biện pháp phi truyền thống. Cuối tháng 8, Cơ quan Phúc thẩm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phán quyết rằng việc Indonesia áp thuế lên sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam đã vi phạm quy định của Tổ chức.
Thép Việt vừa chịu áp lực kiện cáo từ thị trường tiêu thụ chính ASEAN lại vừa bị “lép vế” trước nước láng giềng Trung Quốc với quy mô ngành thép khổng lồ. Thép của Trung Quốc ngày càng dư thừa nhưng đáng ngại nhất là các sản phẩm dư thừa đều có chất lượng thấp, theo Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại.
Ngành thép Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Rủi ro lớn là hàng Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam nếu từ doanh nghiệp tới chính phủ không có chính sách quản lý toàn diện. Trong bối cảnh Trung Quốc đang dư thừa sắt thép mà Việt Nam lại đẩy mạnh xuất khẩu, thép Việt chắc chắn không tránh khỏi bị thế giới nghi ngờ và kiện cáo. Riêng trong năm 2018, Mỹ khởi xướng điều tra 3 vụ việc liên quan tới hành vi lẩn tránh thuế và 2 vụ việc chống bán phá giá đối với sản phẩm sắt thép Việt Nam.
Vì vậy, theo ông Nam, khả năng chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc bị mất thị trường và Việt Nam từ đó có cơ hội mở rộng thị trường vào Mỹ là không nhiều. Hơn nữa, ngành thép sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn là cơ hội, và cơ hội chỉ rất ngắn hạn.
Cơ hội và thách thức
Theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới, Việt Nam là nước sản xuất thép thô lớn thứ 24 vào năm 2015. Đến năm 2017, sản lượng thép thô của Việt Nam tăng lên khoảng 11,5 triệu tấn và là quốc gia sản xuất lớn thứ 18 thế giới. Sản xuất trong nước được thúc đẩy chủ yếu nhờ chính sách phòng vệ thương mại của chính phủ, mà cụ thể là quyết định áp thuế đối với việc nhập khẩu phôi thép của Bộ Công Thương, theo ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu ròng thép lớn thứ 3 thế giới trong năm 2017 với 12,3 triệu tấn, chỉ sau Mỹ và Thái Lan.
Xét về tiêu thụ, nhu cầu thép nội địa của Việt Nam trong năm 2017 giảm khoảng 3% so với năm ngoái, từ hơn 22 triệu tấn xuống còn 21,6 triệu tấn. Ông Khải cho biết, tiêu thụ thép tại Việt Nam giảm vì từ đầu năm 2017, tốc độ giải ngân cho các dự án, công trình lớn của Nhà nước khá chậm chạp, chỉ đạt 25% trong 6 tháng đầu năm. Một nguyên nhân khác là giá nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho ngành xây dựng bất ngờ tăng 3 – 4 lần, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp chờ giá cả giảm mới mua vào.
Trong xu thế Hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại, tạo ra nhiều thuận lợi cho ngành thép nói riêng và kinh tế nói chung.
Ngành thép được tạo điều kiện để phát triển bởi Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, công nghiệp vật liệu theo đó trở thành ngành được ưu tiên, ông Khải cho hay. Trước sự xâm nhập của thép ngoại cùng những chiêu trò gian lận, thép Việt đang được Chính phủ và Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia hỗ trợ lớn thông qua việc sử dụng các biện pháp phòng vệ, như chống bán phá giá, chống trợ cấp,…
Cũng theo Phó chủ tịch Hiệp hội thép, chỉ số thép/người của Việt Nam chỉ đang ở mức trung bình của thế giới với khoảng 240kg/người vào năm 2016, thấp hơn Thái Lan (285kg/người), Malaysia (325kg/người) và Singapore (506kg/người). Điều này chứng tỏ ngành thép Việt Nam vẫn còn dư địa để phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Nguồn: SEAISI, VSA
Trên thực tế, FTA giữa các quốc gia đều nhằm 2 mục đích, vừa để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và vừa thúc đẩy xuất khẩu. Vì vậy, ngành thép Việt Nam giữa 12 FTA cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ngành thép Việt Nam vẫn đang bị ảnh hưởng bởi sự biến động của giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào trên thị trường thế giới. Vì chưa chủ động được nguồn nguyên, nhiên vật liệu nên Việt Nam buộc phải nhập khẩu các mặt hàng này. Năm 2017, Việt Nam đã nhập 3,5 triệu tấn quặng sắt, 2,5 triệu tấn than cốc và 4,4 triệu tấn thép phế để phục vụ cho ngành sản xuất thép.
Việt Nam gần như không có nguồn cung than cốc nên than cốc dùng cho lò cao để sản xuất gang thép từ quặng hoàn toàn phải được nhập khẩu. Than điện cực dùng cho sản xuất thép từ lò điện cũng phải nhập về với giá tăng 6 – 7 lần vào năm 2017.
Trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại ngày càng lên cao, các sản phẩm thép của Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu để vượt qua những rào cản kỹ thuật và thương mại.
Một rào cản phổ biến mà ngành thép Việt Nam đang gặp phải trong thời gian gần đây là các vụ kiện đến từ thị trường xuất khẩu lớn như Liên minh châu Âu, Canada, Mỹ, Indonesia,… Một số quốc gia khác cũng đang xem xét khởi kiện thép Việt như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan,…
Cũng giống như nhiều quốc gia khác, ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với Đạo luật 232 của Mỹ với mức thuế nhập khẩu thép vào thị trường này là 25%. Ông Khải cho biết, Việt Nam chỉ xuất khẩu thép xây dựng dân dụng vào Mỹ với thị phần rất nhỏ 1,6% trong tổng lượng thép nhập khẩu của thị trường này.