“Cây đũa thần” thuế tự vệ giảm dần tác dụng
Theo Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2017 của VGS, trong năm qua, doanh thu của Công ty tăng 31%, từ con số 4.579,3 tỷ đồng, lên 6.011,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 71,3 tỷ đồng, vượt kế hoạch 64 tỷ đồng đề ra cho năm 2017, nhưng giảm 12,5% so với năm 2016.
Trước đó, trong năm 2016, nhờ việc Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài khiến sản lượng nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc giảm mạnh, giúp các doanh nghiệp thép trong nước hưởng lợi lớn. Trong đó, tổng doanh thu thuần của VGS tăng tới gần 33% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế tăng 76% so với cùng kỳ 2015, đạt 81,5 tỷ đồng.
Nếu chỉ xét về những con số trên, có thể nói, 2 năm qua là giai đoạn VGS có kết quả kinh doanh ấn tượng, nhưng nếu phân tích kỹ hơn sẽ thấy, có nhiều yếu tố đáng lo ngại với VGS.
Có thể thấy, việc Bộ Công thương áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài đã giúp các doanh nghiệp thép Việt Nam, trong đó có VGS có kết quả kinh doanh khởi sắc 2 năm qua, nhưng thuế tự vệ ngành thép này không phải “cây đũa thần” và cũng không thể duy trì được lâu.
Việc tỷ giá tăng, cùng giá phôi thép cuộn cán nóng nhập khẩu HRC (nguyên liệu sản xuất chính của VGS) trên thị trường thế giới tăng mạnh sau khi Trung Quốc thực hiện cắt giảm sản lượng, đã khiến cho giá vốn hàng bán của VGS tăng vọt. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ hàng tồn kho chậm, dẫn đến chi phí lãi vay của VGS gia tăng, đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của Công ty. Cụ thể, dù doanh thu năm 2017 tăng tới 31% so với năm 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 12,5%.
Áp lực cạnh tranh lớn
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, VGS sản xuất và bán các loại ống thép khác nhau, bao gồm ống thép đen, ống thép mạ kẽm nhúng nóng và ống tôn mạ kẽm. Các sản phẩm này chiếm hơn 50% doanh thu của VGS, phần còn lại đến từ kinh doanh sản phẩm thép cán nguội (CRC), tôn cán nguội, thép xây dựng.
Năm 2017, VGS nắm giữ 6,5% thị phần ống thép nội địa, còn tính riêng khu vực miền Bắc, thì thị phần của VGS là 9,3%. Tuy nhiên, thị trường của VGS đang bị đe dọa khi các doanh nghiệp lớn trong ngành đẩy mạnh đầu tư, xây dựng nhà máy mới và mở rộng thị trường tranh giành thị phần.
Cuộc chạy đua xây nhà máy và tăng công suất đã diễn ra từ vài năm qua với những ông lớn đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen, hay cả những tên tuổi tiềm năng như Tôn Đông Á, Thép Nam Kim…
Trong đó, thực hiện chiến lược “xe lu”, Hòa Phát bán ra thị trường 3 triệu tấn thép các loại trong năm qua, cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, tập đoàn này đang thử nghiệm dây chuyền sản xuất tôn mạ công suất 400.000 tấn và chuẩn bị vận hành siêu dự án 3 tỷ USD Khu liên hợp Gang Thép Hòa Phát – Dung Quất.
Việc bổ sung năng lực sản xuất 4,5 triệu tấn của Nhà máy Dung Quất sẽ giúp HPG tăng công suất lên 7 triệu tấn thép các loại vào năm 2020, cao gấp đôi công suất hiện tại và gây ra áp lực cạnh tranh rất lớn lên các đối thủ cùng ngành như Thép Việt Đức.
Còn Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng mở rộng hoạt động ra toàn quốc với nhiều dự án công suất lớn đang thực hiện như Nhà máy Hoa Sen Nghệ An, Nhà máy Hoa Sen Hà Nam, Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội – Bình Định, Nhà máy Ống thép mạ kẽm nhúng nóng Hoa Sen Phú Mỹ…
Không những thế, siêu dự án Hoa Sen Cà Ná (Ninh Thuận) công suất dự kiến 16 triệu tấn/năm cũng được Hoa Sen nhắc lại tại Đại hội cổ đông thường niên đầu năm 2018. Cụ thể, tại Đại hội, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG cho biết, Công ty đang triển khai xúc tiến, hoàn thiện, chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký đầu tư dự án. Việc xin ý kiến cổ đông chuyển trụ sở chính của Tập đoàn cũng nằm trong lý do này.
Trong khi đó, tính tới cuối năm 2017, VGS vận hành 2 dây chuyền cán nguội, 4 dây chuyền hàn, 3 dây mạ kẽm và 1 dây chuyền xả băng. Tổng công suất đạt khoảng 600.000 tấn/năm và công suất hoạt động là 62% vào năm 2017. Tuy nhiên, do Công ty Sản xuất thép Việt Đức (công ty liên kết của VGS) không có nhà máy phôi, nên sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh đối với các đơn vị sản xuất cùng mặt hàng, nhưng có nhà máy phôi.
Do đó, với việc mở rộng của 2 ông lớn ngành thép, sức ép với các doanh nghiệp như Thép Việt Đức sẽ ngày một rõ ràng hơn.
Bức tranh tài chính không mấy sáng sủa
Không chỉ chịu áp lực cạnh tranh khiến biên lợi nhuận giảm, chiến lược đầu tư, cùng cấu trúc tài sản, tài chính hiện nay của VGS cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Hết năm 2017, chi phí lãi vay của VGS là 47,58 tỷ đồng, không phải là mức quá cao so với ngành, nhưng lại có xu hướng tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây.
Tính tới cuối năm 2017, tổng nợ phải trả (chủ yếu là nợ ngắn hạn) của VGS đã tăng 21,6% so với năm 2016, từ 936,6 tỷ đồng, lên 1.139,87 tỷ đồng. Trong đó, riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng tới 50% (tương đương hơn 264 tỷ đồng), từ 523,78 tỷ đồng cuối năm 2016, lên 787,09 tỷ đồng cuối năm 2017, chiếm tới 69% tổng nợ ngắn hạn phải trả. Trước đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn phải trả của VGS cũng đã tăng mạnh khoảng 46% (tương đương hơn 165 tỷ đồng) trong năm 2016.
Trong khi đó, tài sản ngắn hạn của VGS lại chủ yếu gồm các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền chỉ khoảng 15,6 tỷ đồng (tính tới cuối năm 2017), đặt VGS vào rủi ro thanh toán ngắn hạn.
Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ thuần của VGS, nếu như năm 2015, Công ty còn ghi nhận dương tới 299,08 tỷ đồng đối với lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, thì năm 2016, khoản mục này ghi nhận âm mạnh tới 187,78 tỷ đồng và tiếp tục âm thêm tới 55 tỷ đồng trong năm 2017, lên con số âm 243,18 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do hàng tồn kho ứ đọng khi tốc độ tiêu thụ ống thép xây dựng giảm dần, trong khi chi phí lãi vay gia tăng.
Tham vọng lấn sân sang bất động sản
Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh với mảng kinh doanh chính ngày một lớn, cơ cấu tài chính chưa thực sự ổn định, thì VGS lại nhảy sang lĩnh vực bất động sản với Dự án The Legend Việt Đức tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cụ thể, trong năm 2017, VGS quyết định giải thế công ty liên kết là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Đức để tự triển khai Dự án Khu đô thị Việt Đức Legend City giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư ước tính 936 tỷ đồng. Theo kế hoạch, giá bán sản phẩm dự án này khoảng 10,9 triệu đồng/m2, doanh thu ước tính khoảng 1.424 tỷ đồng và lợi nhuận ròng ước tính 311 tỷ đồng. Dự án đã được phê duyệt phương án xây dựng bao gồm hơn 823 đơn vị nhà ở, bao gồm căn hộ, nhà phố và biệt thự kết hợp với nhiều khu chức năng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của VGS diễn ra giữa tháng 4 vừa qua cũng đã thông qua kế hoạch này. Tuy nhiên, lưu ý rằng, dù có quyết định chấp thuận đầu tư từ năm 2010, nhưng sau gần 8 năm, tới nay, dự án này vẫn gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.
Tại các đại hội đồng cổ đông thường niên từ 2011 – 2017, năm nào các cổ đông cũng chất vấn về việc triển khai đối với dự án này. Trả lời cổ đông, Ban điều hành VGS dù đánh giá dự án rất khả thi, nhưng cho biết, năng lực tài chính của doanh nghiệp không đủ sức để triển khai dự án. Do đó, Công ty kêu gọi hợp tác đầu tư, nhưng bất thành.
Với bức tranh tài chính không mấy sáng sủa, việc quyết định đứng ra triển khai Dự án Khu đô thị Việt Đức Legend City trong năm 2018 sẽ là một thách thức không nhỏ với VGS. Bài học các doanh nghiệp tay ngang muốn đổi đời bằng bất động sản để rồi mắc kẹt, lâm cảnh nợ nần, kéo theo sự tụt dốc của cả ngành nghề kinh doanh chính trong quá khứ vẫn còn đó. Vì vậy, việc VGS “đặt cược” với Dự án Khu đô thị Việt Đức Legend City khiến nhiều cổ đông nhỏ không khỏi lo lắng.