Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) vừa tổ chức thành công cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2018, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
Quý I lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng
Thép Nam Kim xây dựng chỉ tiêu năm 2018 với doanh thu 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 750 tỷ đồng, tăng lần lượt 35% và 6% so với kết quả năm trước. Nếu đạt kế hoạch, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của Nam Kim từ trước đến nay.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đây là kế hoạch tăng tương đối cao so với các doanh nghiệp cùng ngành và phù hợp với bối cảnh chung của ngành tôn và thép mạ năm nay. Công ty sẽ tiếp tục triển khai dự án Nam Kim Corea – một liên doanh sản xuất phân khúc tôn mạ màu chất lượng cao phục vụ trong ngành trang trí nội thất, điện tử, điện lạnh gia dụng; triển khai kế hoạch nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ.
Cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh quý I, đại diện NKG thông báo sản lượng đạt 207.400 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ (trong đó Tôn và Thép mạ là 176.000 tấn, xuất khẩu 109.000 tấn). Doanh thu dự kiến đạt 3.496 tỷ đồng, tăng 46% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 100 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ.
Sự suy giảm đến từ việc trong quý I/2017, Công ty có khoản doanh thu tài chính 43 tỷ đồng mà cùng kỳ năm nay không có. Ngoài ra, giá thép đầu vào năm 2017 biến động tăng nhanh tạo ra khoản lợi nhuận đột biến. Mặc dù không có các yếu tố đột biến trên nhưng Công ty vẫn tập trung đẩy mạnh tăng trưởng sản lượng, mở rộng thị phần nên kết quả đạt được trong quý I/2018 là phù hợp với thị trường hiện nay.
Năm 2017, Thép Nam Kim đạt doanh thu 12.619 tỷ đồng, tăng trưởng 41%. Lợi nhuận sau thuế đạt 707 tỷ đồng, tăng 37% cùng kỳ năm trước. Đây là năm Công ty đạt được doanh thu, sản lượng và lợi nhuận sau thuế cao nhất từ trước đến nay, ghi nhận mức tăng trưởng 5 năm liên tục về cả quy mô doanh thu, sản lượng và lợi nhuận sau thuế.
Tỷ trọng bán hàng nội địa đạt 56% và xuất khẩu 46%, sản phẩm tôn và thép mạ của công ty đã xuất khẩu đến 56 nước và vùng lãnh thổ trên thị trường thế giới. Theo số liệu của Hiệp Hội thép Việt Nam, năm 2017 thị phần tôn mạ của Nam Kim đạt 16,2%, đứng vị trí thứ 2 trong ngành.
Trong năm 2017, công ty đã đưa vào hoạt động 1 dây chuyền mạ lạnh 150.000 tấn/năm, 1 dây chuyền mạ màu 120.000 tấn/năm, 1 dây chuyền cán nguội 200.000 tấn/năm của dự án nhà máy Nam Kim 3, 1 nhà máy sản xuất ống thép kẽm tại Long An 200.000 tấn/năm, nâng tổng sản lượng tôn và thép mạ lên 1,2 triệu tấn/năm.
Công ty cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức 50% (đã chia 10% tiền mặt, còn lại tỷ lệ 40% chia bằng cổ phiếu, thực hiện trong quý II/2018). Trong năm 2017, Công ty đã phát thành công 30 triệu cổ phiếu, thu về 810 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và vốn cho dự án.
Kiểm soát hợp lý tồn kho và dư nợ
Đại hội thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để huy động vốn. Giá phát hành sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược, đặc biệt là Quỹ Dragon Capital theo cam kết đã thỏa thuận. Ngoài ra, công ty cũng đàm phán ưu tiên đối tác trong ngành thép, sau đó là các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính.
Số cổ phần phát hành bị hạn chế chuyển nhượng nhưng không ngắn hơn thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc phát hành. Toàn bộ số vốn phát hành được bổ sung vốn lưu động, đầu tư cho kế hoạch sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo công ty khẳng định sẽ cân nhắc và đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông hiện hữu.
Tại Đại hội, cổ đông hỏi về việc tồn kho và nợ của công ty tăng gấp đôi tại thời điểm cuối năm 2017. Lý giải điều này, đại diện Thép Nam Kim nói trong năm này, công ty đã đưa vào hoạt động 1 dây chuyền cán nguội 400.000 tấn/năm; 1 dây chuyền mạ lạnh 150.000 tấn/năm; 1 dây chuyền mạ màu 120.000 tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất ống thép kẽm tại Long An 200.000 tấn/ năm và nhà máy sản xuất thép Long An. Quy trình sản xuất tôn và thép mạ là ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, qua 4 – 5 công đoạn sản xuất mới cho ra thành phẩm cuối cùng, do vậy phải gia tăng hàng tồn kho, đảm bảo hoạt động sản xuất liên tục, tăng công suất, đảm bảo vòng quay nguyên liệu.
Ngoài ra, đầu năm 2017, giá thép cán nóng chỉ khoảng 380 – 420 USD/tấn nhưng đến cuối năm đã tăng lên đến 580 USD/tấn và hiện trên 600 USD/tấn cũng là nguyên nhân dẫn đến giá trị hàng tồn kho tăng. Việc dư nợ gia tăng cao một phần do gia tăng hàng tồn kho để đảm bảo nguyên liệu sản xuất kinh doanh, một phần trong năm đã đưa vào 4 dây chuyền sản xuất để tăng quy mô sản lượng.
Tính chung trong 5 năm qua, Công ty đã đầu tư tăng trưởng quy mô liên tục từ mức sản lượng 400.000 tấn/năm lên 850.000 tấn/năm, quý IV/2018 là 1,2 triệu tấn/năm. Việc tăng tồn kho và dư nợ luôn được tính toán, kiểm soát hợp lý, việc đầu tư tăng trưởng sản lượng của Công ty gắn với tăng trưởng sản lượng bán hàng và doanh thu, mở rộng thị phần. Công ty luôn đảm bảo dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư…