Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu tới độc giả bài viết của ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh về vấn đề này.
Không ít rắc rối
Vào cuối tháng 6 vừa qua, tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với 8 cá nhân đang làm việc tại các quỹ đầu tư ở nhiều nước và khoảng 20 sinh viên Trung Quốc tôi đang giảng dạy, có tham gia đầu tư chứng khoán tại thị trường quê nhà.
Kết quả là, 6/8 nhà quản lý quỹ tỏ ra bi quan về thị trường Đại Lục (đáng chú ý, tất cả những người đang làm việc tại Trung Quốc đều bi quan), 2 người còn lại có ý kiến thận trọng, cho rằng cần tập trung quan sát.
Ông Hồ Quốc Tuấn
Trong khi đó, tất cả các sinh viên Trung Quốc đều có tâm lý chán nản bởi nhiều lý do, nhưng tựu chung là thua lỗ. Một sinh viên cho biết, từ đầu năm tới nay, cậu đã lỗ hơn 30%, trong khi những năm trước “kiếm đậm”.
Một khi mất tiền, nhà đầu tư khó lòng lạc quan. Đây là điều dễ hiểu. Thực tế, thua lỗ đang là tình trạng thường gặp khi thị trường Trung Quốc bước vào “thị trường con gấu” (bear market – thị trường theo chiều giá xuống, trong đó giá các loại chứng khoán giảm một cách đột ngột, liên tục và kéo dài), như Bloomberg gần đây đã nhận định.
Vì sao thị trường chứng khoán nói riêng và các thị trường tài chính khác của Trung Quốc nói chung rơi vào tình trạng như hiện nay? Có vài lý do, trong đó, nguyên nhân rõ ràng và được chú ý hàng đầu hiện nay là những căng thẳng gia tăng trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác chưa được để ý đúng mực. Cụ thể, thứ nhất, Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt lại hoạt động ngân hàng ngầm (shadow banking). Hiểu một cách đơn giản, đây là thị trường tín dụng không do ngân hàng cung cấp, mà là các công ty tài chính cho khách hàng vay mua cổ phiếu, bất động sản. Nó còn bao gồm khoản vay của những công ty công nghệ kết nối người vay trực tiếp với người đi vay (peer-to-peer lending).
Thứ hai, hoạt động đầu tư tài sản cố định và tiêu dùng tăng chậm. Đối với đầu tư tài sản cố định, nguyên nhân chính là Chính phủ Đại lục giảm tốc độ đầu tư hạ tầng, trong khi không ít địa phương đang “sống” nhờ tiền giải ngân từ trung ương.
Thứ ba, đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, khiến các nhà đầu tư chuyển lợi nhuận sang đồng tiền xanh chịu thiệt hại. Với diễn biến này, không ít nhà đầu tư đang lựa chọn rút dòng vốn sang các thị trường khác.
Thứ tư và đáng lo ngại nhất, thị trường tài chính Trung Quốc tiềm ẩn những rủi ro lớn, có thể đe dọa tới sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Cụ thể, nỗ lực bơm tiền ra thị trường trong vài tháng qua của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đang trở nên vô hiệu.
Tờ Financial Times cho biết, PBoC đã bơm khoảng 500 tỷ nhân dân tệ cho một số ngân hàng lớn để các nhà băng này thực hiện hoán đổi nợ thành cổ phần ở các công ty quốc doanh, vốn đang sở hữu số nợ rất lớn. Thực tế, đây là một trong những giải pháp xử lý nợ xấu để làm sạch bảng cân đối của các ngân hàng lớn (PBoC chỉ bơm thanh khoản và tiền xử lý nợ xấu, không bơm nhiều tiền để cho vay mua cổ phiếu do đang siết chặt hoạt động ngân hàng ngầm).
Tuy nhiên, vấn đề là nợ xấu trong nền kinh tế Trung Quốc là quá lớn, bao gồm các khoản cho vay không hiệu quả tại các dự án liên quan đến “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Tham vọng của chính phủ nước này đã và đang tạo ra quả bom nợ khổng lồ. Nhiều nhà phân tích độc lập đã cảnh báo rằng, con số hàng tồn kho của nhiều công ty Trung Quốc lớn bất thường và nghi ngờ, thật ra không có tài sản thật nào đằng sau các con số này. Điều này đồng nghĩa với việc, tài sản của nhiều công ty Trung Quốc nhỏ hơn quy mô họ khai khống rất nhiều, từ đó, rủi ro với những ngân hàng cho các công ty “xác chết” vay là rất lớn.
Trong bối cảnh khó khăn này, Larry Hu, nhà phân tích của Macquarie Capital nhận định, chủ trương giảm nợ trong nền kinh tế của Chính phủ Trung Quốc vẫn là mục tiêu hàng đầu. Như vậy, thị trường bất động sản và chứng khoán Trung Quốc sẽ chịu sức ép giảm giá.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Hiện tại, Việt Nam có một điểm may mắn là vừa trải qua đợt thanh lọc và cải tổ hệ thống ngân hàng, nhờ vậy khả năng xảy ra một đợt khủng hoảng tài chính là không cao, dù chu kỳ kinh tế đi vào giai đoạn suy giảm đi nữa. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ dòng tiền đang nằm chờ, thay vì tham gia vào thị trường cổ phiếu và tâm lý lo sợ bao trùm.
Về vấn đề này, có một vài câu hỏi được đặt ra. Theo đó, dòng tiền nằm chờ này sẽ đi đâu? Nếu không phải chứng khoán, liệu có là thị trường bất động sản? Hiện tại, giá bất động sản đã lên khá cao và bắt đầu có những tín hiệu thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu thị trường chứng khoán không đi lên, trong khi giá nhà vẫn rục rịch tăng thì việc bất động sản tiếp tục cơn sốt là có thể xảy ra.
Theo tôi, với nền kinh tế mà sự giàu có trong dân liên quan nhiều tới đất đai như Việt Nam, những cơn sốt bất động sản này có thể hỗ trợ niềm tin tiêu dùng tiếp tục ổn định trong thời gian tới và có lợi cho các cổ phiếu hàng tiêu dùng. Rủi ro đi kèm tất nhiên sẽ là lạm phát, nhưng lạm phát cần một độ trễ nhất định để diễn ra. Trong thời điểm đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp tiêu dùng vẫn tăng trưởng.
Nói chung, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam hiện tại khá cân bằng, rủi ro chính sẽ nằm ở lạm phát, nhưng đây không phải là rủi ro trong ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc, khả năng tăng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn tập trung vào thị trường nội địa còn rộng mở. Nếu giá cổ phiếu tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận có tiềm năng tăng, chỉ số P/E tương lai sẽ giảm về mức hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, trừ trường hợp thị trường hoảng loạn, còn không giá cổ phiếu giảm sẽ tạo ra cơ hội đầu tư tốt vào các công ty hưởng lợi từ sức tiêu dùng nội địa.
Câu hỏi tiếp theo là nếu thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm thêm 5 – 10% nữa thì dòng vốn quốc tế ở Việt Nam liệu có tháo chạy? Điều này khó đoán định và phụ thuộc nhiều vào tính chất dòng vốn đổ vào Việt Nam từ năm ngoái tới năm nay, vốn phần lớn đổ vào thị trường bất động sản. Đây là biến số khó đoán nhất thời điểm này và nhà đầu tư cần thận trọng theo dõi.
Tuy nhiên, có một điều dễ đoán là nếu thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục đà lao dốc, trong khi nhân dân tệ vẫn mất giá, thì USD sẽ tiếp tục mạnh lên so với nhân dân tệ và hầu hết các đồng tiền khác. Điều này sẽ gây sức ép tăng tỷ giá USD so với VND, xuất phát từ nhu cầu đầu cơ trong nước.
Về vấn đề này, lợi thế của Việt Nam là nguồn ngoại tệ đang dồi dào và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều phương thức điều hành tỷ giá linh hoạt. Do đó, những cơn sốt ngoại tệ cục bộ khó tạo ra hiệu ứng hoảng loạn trên thị trường. Chỉ cần VND không mất giá nhiều, lạm phát ổn định, dòng vốn quốc tế sẽ vẫn ở lại Việt Nam.
Tâm lý nhà đầu tư đóng vai trò quyết định
Trong “thế trận” đầu tư hiện tại, nước láng giềng Trung Quốc đang gặp nhiều rắc rối và rủi ro dòng vốn rút khỏi quốc gia này là đáng kể, nhất là khi nhân dân tệ tiếp tục mất giá. Ngược lại, Việt Nam đang ở thời kỳ tương đối ổn định về nền tảng kinh tế vĩ mô và niềm tin tiêu dùng. Biến động của thị trường chứng khoán sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tâm lý của nhà đầu tư nội địa, đặc biệt là nhóm đang cầm tiền chờ đợi.
Nếu giá cổ phiếu còn tiếp tục giảm mạnh, trong khi nền tảng vĩ mô vẫn ổn định, thì nhiều khả năng dòng tiền bắt đáy sẽ chảy vào thị trường. Khi đó, dòng tiền nội địa sẽ phải đóng vai trò dẫn dắt nhiều hơn, bởi dòng vốn ngoại ít nhiều đang lo ngại phần lớn các thị trường mới nổi sẽ đồng loạt đi vào “thị trường con gấu”. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ “nhảy ra nhảy vào”, không dám mạnh tay đẩy vốn vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Tôi đồng tình với quan điểm của một nhà quản lý quỹ đầu tư rằng, đây sẽ là thời điểm của mua bán ngắn hạn nhiều hơn là mua và nắm giữ. Khả năng xác định điểm bùng nổ và điểm rơi của thị trường sẽ đóng vai trò quan trọng bậc nhất, nhưng cũng mang tính may rủi nhiều nhất. Bởi hiện tại, đã qua thời điểm mua và giữ trong vài tháng để có thể “dễ dàng” kiếm lời 20 – 30%.