Hồi phục mạnh mẽ như “chưa hề có cuộc chia ly”, chỉ 1 tháng sau đại hội cổ phiếu CTD của Coteccons đã tăng 32% về mức 158.000 đồng/cp (chốt phiên 25/6). Có thể nói, chưa doanh nghiệp nào chỉ sau một kỳ đại hội đã “hóa giải” lo ngại của thị trường, ngoại trừ Coteccons. Thực chất, không thực sự gọi là hóa giải, tuy nhiên với những gì cổ đông đạt được và cổ phiếu tăng trở lại, nôm na có thể hiểu Coteccons dường như làm chủ được tình thế.
Nhớ lại thời điểm đầu năm 2018, trước những tin đồn về xung đột nội bộ, chảy máu chất xám, kinh doanh bị đe dọa bởi doanh nghiệp mới của cựu lãnh đạo, tính minh bạch cùng tâm huyết của người cầm cương… cổ phiếu CTD gây nhiều chú ý cho thị trường, tuy nhiên điều đáng nói phía Công ty không có bất kỳ động tĩnh hay lời giải trình nào. Đại hội theo đó cũng nóng và thú vị hơn bao giờ hết, mở đầu là những tâm tư dài cho Công ty khi nhiều năm liền dẫn đầu, tiếp theo đó từng nghi vấn của thị trường được đem ra chất vấn.
Kết thúc, hai nhóm cổ đông lớn đồng thuận khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành của Coteccons, ban lãnh đạo cũng “nhún nhường” với cam kết sẽ cân nhắc và sớm tổ chức đại hội lần hai nhằm thông qua việc sáp nhập về “một Coteccons”, tăng chỉ tiêu lợi nhuận cùng tỷ lệ cổ tức. Bấy nhiêu đó cũng đủ để nhận thấy, Coteccons luôn ở thế chủ động!
Chủ động giảm tốc ngắn hạn, hướng đến chiến lược thay đổi cục diện dài hạn
Bàn về thế chủ động trên, trước hết là công tác kinh doanh, giai đoạn 2014-2016, nguồn cung mới ở phân khúc nhà ở trung đến cao cấp mở bán tại Tp.HCM tăng mạnh từ 9.300 căn lên khoảng hơn 31.000 căn. Đi cùng xu hướng chung đó, Coteccons cũng trên đà tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, bước sang năm 2018 (đúng hơn là từ cuối năm 2017), thị trường BĐS lại chủ yếu hướng đến phân khúc trung cấp. Như vậy, không chỉ do cạnh tranh từ đối thủ trường kỳ là Hòa Bình (HBC) hay rủi ro từ Central Cons của cựu lãnh đạo ra làm riêng, trước sự chuyển dịch của thị trường Coteccons theo nhiều chuyên gia đang chủ động giảm tốc.
Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Coteccon cũng nói: “Chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều. Năm 2017, chúng tôi làm ra lợi nhuận rất tốt. Ngành xây dựng cả thế giới bình quân lợi nhuận 3% doanh thu, CTD đã làm tốt hơn rất nhiều. Năm nay, CTD đưa ra con số thấp hơn, vì chúng tôi muốn để con số hợp lý chứ không phải để đánh bóng. Năm ngoái, một cổ đông lớn đã yêu cầu chúng tôi đặt con số lợi nhuận cao để rồi không đạt được, lần đầu tiên không hoàn thành kế hoạch. Năm nay, chúng tôi đặt kế hoạch để phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu đề ra”.
Được biết, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2018 hầu như không tăng trưởng, lần lượt 27.200 tỷ và 1.400 tỷ đồng. Trước bối cảnh chung, Coteccons cũng đang dần mở rộng sang các phân khúc khác như hạ tầng, kinh doanh dịch vụ BĐS… để có “việc làm”. Điển hình, giữa năm 2017, Coteccons đã rót gần 1.900 tỷ đồng vào công ty con là Covestcons – đây là kế hoạch dài hạn đã được vạch ra từ năm 2016 và theo tiến độ các dự án mà Công ty đang và sắp triển khai. Mục đích của Coteccons là mở rộng sang mảng kinh doanh cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn, đồng thời giúp ổn định lợi nhuận hơn bằng cách mua lại một số BĐS đầu tư để kinh doanh hoặc bán lại ở mức giá hợp lý. Ngay tại điểm nay, Chứng Khoán Tp.HCM (HSC) đánh giá đây là một động lực lớn của Coteccons, động lực tiềm năng này sẽ mất vài năm để trở thành hiện thực nhưng có thể là yếu tố làm thay đổi cục diện của Coteccons trong dài hạn.
Quay trở lại câu chuyện giảm tốc ngắn hạn chủ động, thực tế sức khỏe tài chính của Coteccons hỗ trợ cho luận điểm trên, so với 1.000 doanh nghiệp thầu khác, Coteccons khác biệt khi không vay nợ ngân hàng, đồng thời thanh khoản dòng vốn khá tốt với nợ khó đòi chỉ 200 tỷ đồng.
Giá cao vẫn đắt hàng
Đáng chú ý, khác biệt nữa của đơn vị này là giá chào thầu luôn cao hơn các đơn vị khác từ 3-5%, nhưng Coteccons vẫn chiếm được các hợp đồng giá trị lớn, đây lại là một thế chủ động khác trong kinh doanh!
Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Coteccons đang cải thiện sức mạnh nội tại bằng cách cải tiến công nghệ xây dựng thay vì cạnh tranh về giá. Trong năm 2018, tình hình kinh doanh của Coteccons có thể không thay đổi hoặc suy giảm đôi chút. Điều này cũng nằm trong kỳ vọng của ban lãnh đạo Công ty, khi họ luôn nhận thức được những rủi ro trong thị trường nhà ở, tăng tính cạnh tranh và thay đổi chính sách tiền lương.
Về vấn đề cải tiến công nghệ, Coteccons đã ứng dụng BIM vào trong thiết kế, thi công công trình. Được biết, BIM hay Building Information Model là hệ thống thông tin công trình sử dụng mô hình ba chiều làm thay đổi cách làm truyền thống trong công tác thiết kế, thi công và phối hợp giữa các chủ thể trong ngành xây dựng. Ông Dương từng chia sẻ BIM giúp tiết kiệm được từ 10-15% tổng vốn đầu tư của dự án.
Cần chủ động hơn nữa?
Không chỉ kinh doanh, trong quan hệ với cổ đông có vẻ Coteccons cũng ở tâm thế chủ động. Khi cổ đông yêu cầu tăng mức cổ tức, Chủ tịch Công ty khẳng định với lượng tiền của Coteccons thì không là vấn đề, kết quả đại hội đã nâng mức cổ tức từ 30% lên 50%. Đồng thời, Công ty cũng đồng ý nâng mục tiêu lợi nhuận 2018 lên 1.500 đồng, thông qua ý kiến xem xét sáp nhập Ricons vào công ty mẹ…
Nói đi cũng nói lại, mặc dù thỏa mãn kiến nghi cổ đông, nhưng sau vụ việc cổ đông lớn có động thái rút vốn, Coteccons không hề thông tin. Hay việc cựu lãnh đạo ra làm riêng, Coteccons cũng chỉ nhấn mạnh không cần những người như vậy, nhưng mấy ai hiểu rõ và đánh giá được nguyên nhân, tình hình – đây cũng có lẽ là điều Coteccons chưa trả lời hoàn toàn tại đại hội.
Liên quan đến nhóm cổ đông lớn, thời gian qua Coteccons để lại rất nhiều nghi vấn về những xung đột nội bộ, rồi tin đồn bán ra cổ phiếu CTD, thậm chí Chủ tịch không tâm huyết với Công ty… tất cả những việc này nguyên nhân cũng bởi thông tin chưa thực sự đáp ứng thị trường.
Vị thế lung lay
Trở lại với đối thủ mới Central Cons, “sức ép cạnh tranh từ các đối thủ khiến giá trị hợp đồng ký mới của Coteccons có dấu hiệu chững lại” – trên thực tế nghi vấn này có căn cứ khi tổng giá trị hợp đồng ký mới cuối năm 2017 của Coteccons giảm. Ngược lại tổng giá trị ký mới của Central Cons đã lên đến 5.000 tỷ đồng. Trong số này, có khá nhiều dự án của Vingroup (VIC) như Vinhomes Riverside, The Harmony, Vinpearl Nam Hội An, Vinhomes Star City Thanh Hóa.
Ngay với đối thủ trực tiếp là Hòa Bình cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực, tại lễ công bố và trao giải Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam trong tháng 6, Hòa Bình bất ngờ lọt vào Top 3; trong khi đó, từ vị trí thứ 5 của năm trước, Coteccons rơi xuống vị trí thứ 6 sau 1 năm kinh doanh không như kỳ vọng.
Một điều đáng bận tâm khác, đối với những dự án mới của Coteccons vẫn rất nhiều điều bỏ ngỏ, Coveston vẫn chưa thu về lợi nhuận đáng kể, hay mảng hạ tầng mặc dù theo Chủ tịch là đang triển khai thị trường vẫn còn đó nhiều đồn đại khó thành công!