Câu chuyện này có thể được nhìn nhận dưới những góc độ nào, và có bao nhiêu phần trăm sự thật? Chuyên gia tài chính Huỳnh Anh Tuấn – Tổng giám đốc CTCK SJCS (tổ chức không hoạt động tự doanh), đã đưa ra những phân tích xung quanh vụ việc.
Thực chất câu chuyện này không hoàn toàn mới. Cách đây hơn một năm, giới đầu tư đã truyền tin nhau về khả năng có một nhóm nhà đầu tư (NĐT) đang nỗ lực gom mua STB. Ở thời điểm đó, STB vẫn còn ở mức giá khá cao (trên 22.000 đồng), và thị trường cũng không “cám cảnh” như bây giờ. Khi thị trường còn đa dạng dòng tiền cũng như đa dạng nhóm đầu tư, thì khả năng gom mua một mã cổ phiếu nào đó, nếu không quá cấp tập, dồn dập, ít bị để ý – ông Tuấn phân tích.
– Hiện nay, dòng tiền vào thị trường rất hẹp, và do đó mà cổ phiếu STB đang được giao dịch với khối lượng lớn, đặc biệt, được khối ngoại bán ra khá nhiều kể từ đầu năm đến nay. Phải chăng những phỏng đoán về nhóm NĐT đang tiếp tục gom mua STB, là có cơ sở ?
Tôi cho là có cơ sở. Nhưng một cơ sở để xác định nhóm NĐT đó đã mua được bao nhiêu khối lượng cổ phiếu, và mua như thế nào (khớp lệnh hay thỏa thuận), ở những mức giá nào, thì rất khó có con số chính xác. Vì rằng cũng theo nguồn tin mà tôi nắm, thì nhóm NĐT này đã bắt đầu mua vào khá lâu. Cũng không mua trên một tài khoản duy nhất. Nên ngay cả Trung tâm Lưu ký, đơn vị kiểm soát chính xác khối cổ phiếu chuyển nhượng từ tài khoản A sang tài khoản B, cũng khó có thể biết được đó là những ai. STB có cơ cấu cổ đông cá nhân rất rộng, trên 40% là các cổ đông nhỏ với hơn 70.000 cổ đông. Chỉ cần một tài khoản thuộc nhóm NĐT kia đang nắm giữ dưới 5% cổ phiếu STB, thì họ vẫn chưa thuộc diện phải công bố thông tin, chưa phải công khai lộ diện. Theo tôi biết thì nhóm NĐT mà thị trường phỏng đoán về việc gom mua STB, hiện đã có trong tay khoảng 18% lượng cổ phiếu này.
– Giả dụ nguồn tin về tỉ lệ cổ phiếu STB đã được gom mua về một mối là đúng, ông có bình luận gì ?
Đây là một tỉ lệ không nhỏ, nếu xét về giá trị. STB hiện có vốn điều lệ trên 9.000 tỉ đồng. Giả sử làm tròn 10.000 tỉ đồng, và nếu tính khối lượng cổ phiếu đã được gom mua là 18% của 10.000 tỉ đồng, với mức giá chỉ bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP, thì có thể thấy số tiền mà nhóm NĐT này bỏ ra là không nhỏ, tương đương với khoảng 1.800 tỉ đồng. Trong khi đó, đầu năm 2010, cổ phiếu STB vẫn còn ở mức giá khá cao. Và ngay cả thời điểm hiện nay thì STB vẫn có thị giá trên 13.000 đồng/CP, nên số tiền bỏ ra trong một thời gian dài để gom STB sẽ lớn hơn 1.800 tỉ rất nhiều.
Tuy nhiên, nếu xét về tỉ lệ sở hữu, so với cơ cấu cổ đông lớn của STB hiện nay, thì con số này chưa hẳn đã nói lên điều gì. Hiện theo tôi biết thì ngoài cán bộ chủ chốt chủ yếu là những người sáng lập và các Cty con thuộc tập đoàn, tổ chức đang nắm hơn 30% STB, cổ đông nước ngoài nắm giữ gần hết “room” 30%, thì có khoảng 40% cổ phiếu STB thuộc thị trường. Do đó, nếu có nhóm NĐT đã nắm 18%, tức là vẫn còn 22% thuộc dư địa chuyển nhượng bên ngoài. Để tích lũy thêm, hẳn nhóm NĐT này phải có một tiềm lực rất hùng mạnh và chiến lược nhẫn nại bài bản, với mục tiêu hết sức rõ ràng. Đặc biệt, họ phải mất thêm rất nhiều thời gian nếu không muốn bị thị trường “ăn theo”. Có lẽ cũng vì vậy mà đã có thông tin nhóm NĐT này xúc tiến đàm phán với Dragon Capital (DC), tổ chức đang nắm giữ một phần cổ phiếu của STB, trong “room” khối ngoại. Chúng ta biết là thời gian trước đây, DC đã thoái vốn đầu tư vào STB với khối lượng không nhỏ. Do đó, trong trường hợp hai bên (DC và nhóm NĐT) khớp được giá, cơ hội chuyển nhượng một khối lượng STB khá lớn, trong một thời gian nhất định, cũng có thể xảy ra.
– Ngay sau luồng tin STB phòng thủ trước áp lực thâu tóm, SacomBank đã công bố chào bán 156.046.911 CP để tăng vốn điều lệ. Khối lượng cổ phiếu đó được phát hành cho cổ đông hiện hữu và cán bộ chủ chốt. Việc này pha loãng giá cổ phiếu và có tác động hai chiều : vừa khiến STB có giá thấp hơn, dễ gom mua hơn, vừa khiến lượng cổ phiếu mà nhóm NĐT “nào đó” đang nắm giữ, cũng sẽ bị giảm giá trị lẫn tỉ lệ ?
Đây không phải là một động thái phòng thủ trước áp lực thâu tóm của STB. Nếu quan sát dài kỳ, sẽ thấy các ngân hàng thường có chủ trương tăng vốn điều lệ bằng phát hành thêm cổ phiếu trong mỗi năm. Còn nếu quan sát STB thì những năm gần đây, dường như tỉ lệ tăng vốn đều ở mức 15%/ năm. Do đó, theo tôi, đây là một chủ trương đã có ngay từ ban đầu. Đối với STB thì việc xác định đối tượng chào bán là cán bộ chủ chốt cũng như cổ đông hiện hữu là một giải pháp “khôn ngoan”, bởi với thị trường này thì việc huy động vốn từ bên ngoài không dễ. Càng không dễ với thị giá STB đang ở mức trên 13.000 đ/CP, so với mặt bằng chung của nhóm ngành.
– Một phía dư luận cũng hồ nghi những con số mà như ông nói là khó chính xác, và thậm chí hồ nghi cả vụ việc, xem đây như một hình thức PR giá cổ phiếu với nhiều động cơ khác nhau ?
Đối với một số trường hợp NĐT tổ chức muốn thoái vốn, hoặc đối với chính DN trước khi tung thêm cổ phiếu ra thị trường, cũng có thể sử dụng thông tin, dư luận để làm tăng sức hút, tăng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, với một ngân hàng lớn như STB, và với vốn điều lệ lớn như hiện nay thì để làm điều đó, chi phí phải bỏ ra không nhỏ. Hơn nữa, điều này cũng không dễ đối với hoạt động của một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, áp lực thanh tra, giám sát và đặc biệt đòi hỏi sự minh bạch rất lớn. Chưa kể là trong trường hợp sử dụng dư luận bất hợp lý, nếu không có những cơ sở xác thực mà tạo thông tin “ảo”, có thể sẽ gây hiệu ứng ngược khiến những cổ đông lớn, cổ đông tổ chức bán tháo, chứ không phải là mua vào hay tăng giá cổ phiếu. Tôi không nghĩ STB chọn hình thức PR này.
– Dù sao thì sau những đồn đoán “phần nhiều mang tính sự thật” như ông vừa nêu, thì cổ phiếu STB sẽ có động lực tăng giá ?
Do có đợt phát hành thêm, phần nào pha loãng cổ phiếu nên chắc chắn STB khó có thể tăng giá cao. Vả lại, thông thường thì các cổ phiếu khi được gom mua, chỉ tăng giá đột biến trong lúc thông tin còn tù mù và chưa lộ ra ngoài thị trường. Còn khi cả thị trường đã biết tin thì chưa chắc cổ phiếu được gom mua đó có thể tăng mạnh trong nhiều phiên. Nhưng bên cạnh đó, STB đang có hai yếu tố: 1, cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng đã giữ mặt bằng giá quá lâu; 2, ngân hàng đang là nhóm ngành kinh doanh có lãi lớn hiện nay, so với phần lớn các DN khác. Dầu vậy với bối cảnh kinh tế và thị trường chứng khoán hiện nay, tôi nghĩ là nếu có nhóm NĐT vẫn gom mua STB, họ sẽ chẳng vội vàng.
– Xin cảm ơn ông !