Đây là lần đầu tiên tại TTCK Việt Nam, một DN niêm yết lớn nhận được đề nghị chào mua cổ phần quá bán trong một lần, đồng nghĩa với áp lực bị thôn tính chính danh, nên sự kiện này đang thu hút sự chú ý đặc biệt.
Hai câu hỏi “nóng” khi Masan Consumer mua VCF
Khác với xa với các đợt chào mua công khai tương tự đã từng diễn ra, giá chào mua của Masan Consumer là 80.000 đồng/CP, chỉ tương đương 80% giá thị trường cổ phiếu VCF tại thời điểm công bố thông tin. Khoảng cách này đáng quan tâm khi cơ cấu cổ đông của VCF khá đặc biệt: 53,3% cổ phần thuộc về HĐQT và Ban tổng giám đốc, hơn 7% do cổ đông khác trong Công ty nắm giữ.
Ngay khi thông tin được công bố, đại diện vốn Nhà nước tại VCF khẳng định với báo giới, 37% cổ phần VCF do Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) đang nắm giữ sẽ không dành để bán, đồng thời cũng không khuyến khích CB-CNV VCF chuyển nhượng cổ phiếu. Nhắm tới mục tiêu sở hữu quá bán số cổ phần tại một công ty không có nhiều cổ phiếu trôi nổi, tại sao Masan Consumer chào mua thấp hơn giá thị trường?
Ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc tài chính doanh nghiệp CTCK Bản Việt – đơn vị tư vấn chào mua cho Masan Consumer giải thích, mức giá trên được chọn căn cứ vào hai yếu tố. Thứ nhất, theo các quy định hiện nay, giá chào mua công khai VCF được xác định bằng mức giá thị trường trung bình của 60 phiên giao dịch trước đó.
Cụ thể, trong trường hợp này là 70.790 đồng/CP, giá chào mua đã cao hơn 14%. Thứ hai, về mặt giá trị, với mức giá chào mua, P/E cổ phiếu VCF khoảng 12 lần, cao hơn mức trung bình của thị trường nằm trong khoảng 8 – 9 lần. So sánh với một cổ phiếu “siêu hạng” khác trong ngành thực phẩm là VNM (Vinamilk), P/E khoảng 11 lần, dù vài năm qua VNM duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình trên 50%/năm, trong khi con số tương ứng tại VCF chỉ từ 20 – 30%/năm.
Về mức giá chào mua 80.000 đồng/CP, lãnh đạo VCF phát biểu: “Mức giá trên không hề có ý nghĩa”. Phát biểu “cứng rắn” từ phía lãnh đạo VCF khiến giới quan sát hoài nghi về khả năng trong một thời gian rất ngắn, liệu Masan Consumer có đạt được mục tiêu sở hữu quá bán tại VCF?
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, đây là một thương vụ đã có sự chuẩn bị nhiều năm, được cân nhắc một thời điểm thích hợp để công bố. Bản thân bên mua và VCF không phải là những người xa lạ. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cộng với kinh nghiệm dày dạn của đơn vị tư vấn, thương vụ nhiều khả năng sẽ thành công, mà không cần “gõ cửa” đàm phán với số cổ phần 37% đang do Nhà nước nắm giữ.
Ai là người hưởng lợi?
Một chuyên gia M&A nhận xét, nếu thương vụ diễn ra suôn sẻ như dự kiến, cuối năm nay, VCF chỉ đóng khiêm tốn 7% vào lợi nhuận sau thuế của Masan Consumer (gần 140 tỷ đồng so với 2.200 tỷ đồng). Nhưng quan trọng hơn, chuỗi sản phẩm của Masan Consumer có bước tiến dài khi sở hữu thương hiệu cà phê hòa tan chiếm thị phần nội địa lớn nhất nước, bên cạnh các nhãn hàng đã có.
Về quy mô, Masan Consumer sẽ mang dáng dấp một tập đoàn thực phẩm đúng nghĩa khi cung cấp chuỗi sản phẩm hàng ngang đa dạng từ mì gói, nước tương, nước chấm, dầu màng gạo và sắp tới là cà phê hòa tan.
Về mặt hình ảnh, sau thương vụ Công ty mẹ Masan Group mua lại Dự án Núi Pháo năm ngoái, nếu thôn tính VCF thành công, thì cái tên Masan sẽ trở thành nhân tố năng động và đáng gờm trên thị trường M&A nội địa.
Với VCF, dù vẫn chiếm trên dưới 40% thị phần cà phê hòa tan trên thị trường nội địa, nhưng thực tế đã có sự thoái lui về thị phần vài năm qua, trước sự mở rộng của Trung Nguyên và Nestlé. Công ty giữ nguyên công suất trong một thời gian dài khiến doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng chỉ ở mức ổn định, trong khi các đối thủ trẻ liên tục bành trướng.
Về mặt hình ảnh, VCF vẫn giữ vị thế là thương hiệu lớn trên thị trường nội địa, nhưng gần đây không tạo ra bước đột phá sáng tạo nào về nhãn hàng hay sản phẩm mới. Một minh chứng là clip “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thử” quảng cáo trên truyền hình, dù tốn kém, nhưng không được giới chuyên môn đánh giá cao về mặt ý tưởng.
Trái lại, Masan Consumer dày dạn kinh nghiệm trong việc tạo dựng và lăng-xê các nhãn hàng mới như mì gói Omachi, nước chấm Chinsu… Nhân tố mới hứa hẹn sẽ tạo ra các đột phá vào một thương hiệu đã nổi tiếng. 37% vốn Nhà nước, hơn 7% số cổ phần CB-CNV nắm giữ và các cổ đông trung thành nắm giữ VCF được nhận định là sẽ hưởng lợi.
Tuy nhiên, không có một bữa tiệc thịnh soạn nào mà tất cả mọi người đều có phần. Giới đầu cơ tham dự cuộc đuổi bắt cổ phiếu VCF trên sàn gần đây có thể trở thành NĐT dài hạn bất đắc dĩ. Khi thương vụ kết thúc, số cổ phiếu VCF trôi nổi sẽ không còn bao nhiêu.
Thanh khoản có thể bị hạn chế. Nghiêm trọng hơn, trong quá khứ với các trường hợp tương tự, giới đầu cơ chưa bao giờ đạt tới điểm hòa vốn: cổ phiếu BBC của Bibica có lúc được đẩy lên trên 100.000 đồng/CP (hiện còn xấp xỉ 12.000 đồng/CP) khi Bibica bán gần 40% cổ phần cho đối tác Hàn Quốc Lotte; cổ phiếu DPC của CTCP Nhựa Đà Nẵng giao dịch với giá trên 40.000 đồng/CP (hiện còn xấp xỉ 13.000 đồng/CP) khi sáp nhập “hụt” với Nhựa Bình Minh…
Những con sóng ngầm
Theo tìm hiểu của ĐTCK, mục tiêu của Masan Consumer chưa dừng lại và thực tế đã tiếp cận với một số công ty niêm yết trong ngành thực phẩm khác, nhưng vẫn chưa giải quyết được nút thắt về giá chuyển nhượng hay vướng sở hữu Nhà nước.
Không ít trường hợp thâu tóm tương tự diễn ra: “cuộc chiến” PV Oil và Saigon Petro tại Comeco chưa ngã ngũ, khi cả hai vẫn đang chạy marathon tăng tỷ lệ sở hữu; sau khi thâu tóm thành công Agifish, CTCP Hùng Vương (HVG) nâng tỷ lệ cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre (FBT) lên 25% và tham vọng vẫn chưa dừng lại; Thành Thành Công đã và đang thâu tóm một loạt công ty ngành mía đường…
Thâu tóm đang là xu hướng diễn ra ngày càng mạnh qua TTCK. Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý đang dần xuất hiện các vấn đề chưa có trong tiền lệ qua các lần chào mua công khai đã diễn ra trước đây: Bên bị mua có thể không đồng ý với các đề nghị của bên mua và làm tất cả để tự vệ, kéo theo vô số hệ lụy phát sinh.
Vấn đề trên cũng đã diễn ra khá phổ biến trên thế giới với nhiều ví dụ sinh động: Yahoo! làm tất cả để chống lại sự thôn tính của Microsoft, Volkswagen gây khó dễ cho Porsche, PeopleSoft viện đến cả Bộ Tư pháp Mỹ chống lại Oracle. Kết quả sau đó cũng khá trái ngược.
Chẳng hạn, sau thời gian “so găng”, Yahoo! và Microsoft đạt được thỏa thuận chung để cùng phát triển, Porsche bị Volkswagen thâu tóm ngược, Oracle thâu tóm PeopleSoft thành công, nhưng chi phí vượt xa dự tính ban đầu…
TTCK Việt Nam đang bắt đầu quen dần với các câu chuyện thâu tóm. Nhiều dấu hiệu cho thấy, những câu chuyện xứ người cũng sẽ diễn ra trên TTCK Việt Nam. Dù còn vướng phải nhiều vấn đề về quyền lợi người lao động, luật pháp và tập quán hành xử, nhưng trên góc độ xã hội, hành động thâu tóm thường có tính tích cực, đưa tư liệu sản xuất tới những người có khả năng khai thác hiệu quả hơn.