NHNN Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 15/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Một trong những thay đổi quan trọng và được quan tâm nhất tại Thông tư 15 đó là bổ sung quy định các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của DN.
TS. Cấn Văn Lực đánh giá việc NHNN ban hành Thông tư 15 vào thời điểm này rất phù hợp nhằm lành mạnh hóa hơn nữa hoạt động của các TCTD cũng như muốn tách bạch hoạt động mua TPDN để đánh giá thực chất hơn về nợ xấu. “NHNN e ngại trường hợp một số TCTD khi tái cơ cấu nợ DN lại mua chính TPDN đó. Lúc bấy giờ khoản nợ cơ cấu này từ nợ xấu lại thành nợ đẹp. Như thế, rõ ràng nợ xấu chưa thực chất”, TS. Lực lý giải.
Một chuyên gia khác đồng tình cho rằng, với cách làm trên cả ngân hàng và DN đều có thể được hưởng lợi. DN có vốn mới để đầu tư sản xuất hoặc trả nợ cũ tồn đọng. Còn ngân hàng thì không phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu đó khi nó đã chuyển sang thành TPDN và lại được tính vào tăng trưởng tín dụng. Với “chiêu” lách trên, NHNN sẽ khó quản lý hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Đánh giá trường hợp vi phạm đến hoạt động trên không xảy ra nhiều, và tùy thuộc khẩu vị rủi ro của mỗi TCTD nhưng TS. Lực cho rằng, việc ban hành Thông tư 15 là phù hợp nhằm lành mạnh hóa hơn hoạt động của TCTD, và đánh giá thực chất hơn nợ xấu.
Trước đó, ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Thông tư 22 cũng đã lý giải vì sao đưa ra quy định trên. Cụ thể, theo ban soạn thảo, tại Điều 3 Nghị định 90/2011 của Chính phủ về phát hành TPDN quy định, DN được phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của DN, tăng quy mô vốn hoạt động của DN và cơ cấu lại khoản nợ của DN. Tuy nhiên, qua quá trình thanh tra, giám sát tại TCTD, NHNN nhận thấy có một số vấn đề cần xem xét.
Theo cơ quan soạn thảo, thời gian qua đã phát sinh việc nhiều TCTD mua TPDN phát hành với mục đích để cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong điều kiện DN phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ. Song song đó, hoạt động mua trái phiếu của DN phát hành nhằm mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực có rủi ro cao, như kinh doanh bất động sản, chứng khoán… dễ phát sinh rủi ro cho hoạt động của TCTD.
Bởi vậy, Thông tư 15 cũng sửa đổi điểm d và bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 3 Thông tư số 22/2016/TT-NHNN, trong đó khi yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua TPDN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng DN phát hành trái phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua TPDN phù hợp quy định.
Yêu cầu trên theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu là hoàn toàn đúng. Bởi việc mua TPDN được tính vào dư nợ tín dụng, nên theo vị chuyên gia trên việc bổ sung quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua TPDN, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro theo đánh giá của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi TPDN tại Thông tư 15 là hoàn toàn phù hợp.
“Có một điều mà nhiều ngân hàng thường hay chủ quan khi mua TPDN là họ nghĩ TPDN có tính thanh khoản cao hơn cho vay. Nhưng thực tế, trừ trường hợp DN được niêm yết trên sàn, làm ăn có lời, tình hình tài chính tốt thì trái phiếu của họ mới có thanh khoản tốt, chứ với DN chưa được niêm yết thậm chí là được niêm yết nhưng tình hình tài chính không ổn định, thì rủi ro của trái phiếu cũng rất lớn. Chính vì vậy, ngân hàng phải đánh giá cấp độ rủi ro TPDN như món vay thông thường”, TS Hiếu lý giải thêm cho nhận định của mình và nhấn mạnh những thay đổi chính sách của NHNN trong thời gian gần đây cụ thể là Thông tư 15 rất hợp lý phù hợp với sự trưởng thành của hệ thống ngân hàng Việt Nam.