Ngược lại với diễn biến tích cực của tổng thể thị trường chứng khoán thời gian qua, nhiều cổ phiếu ngành hàng ô tô bất ngờ sụt giảm khá mạnh. Điển hình như cổ phiếu SVC của CTCP dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) giảm từ mức hơn 55.000 đồng cách đây 1 năm xuống chỉ còn khoảng 48.000 đồng; cổ phiếu HAX của CTCP dịch vụ ô tô Hàng Xanh giảm hơn một nửa giá trị xuống chỉ còn 16.800 đồng; cổ phiếu đình đám một thời TCH của Công ty đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy gần như đứng yên trong hơn 1 năm qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, 2017 là năm thực sự khó khăn và chỉ diễn biến thuận lợi trong nửa đầu năm. Thị trường cạnh tranh gay gắt khi nhiều DN sẵn sàng chiết khấu, giảm giá bán khiến lợi nhuận sụt giảm khá mạnh. Theo ghi nhận của Savico, toàn thị trường trong năm 2017 chỉ đạt sản lượng tiêu thụ khoảng 272.700 xe và lần đầu tiên chứng kiến mức tăng trưởng âm 10% trong 5 năm trở lại đây.
Thực tế thì thị trường chỉ diễn biến tích cực trong nửa đầu năm 2017, còn khoảng thời gian sau đó bước vào giai đoạn trầm lắng khi người mua trông chờ giá xe giảm sâu khi thuế nhập khẩu cho nhiều dòng xe du lịch giảm về 0% kể từ năm 2018. Để giữ được doanh số, nhiều hãng xe buộc phải gia tăng chiết khấu, đẩy mạnh khuyến mãi… nhưng điều này khiến cho lợi nhuận không còn rực rỡ như năm 2016.
Như tại Savico, doanh thu hợp nhất năm 2017 chỉ đạt 13.795 tỷ đồng, tương đương với 95% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế là 174 tỷ đồng, giảm đến 18% so với năm trước. Điều phấn khởi là sản lượng bán hàng của nhà phân phối này vẫn tăng 2% lên 27.067 xe dù tổng thể thị trường đi xuống, đi kèm với thị phần trong VAMA cải thiện nhẹ từ 8,6% lên 9,9%.
Bước sang năm nay, sự thận trọng hơn là điều được giới lãnh đạo Savico thể hiện. Mục tiêu doanh thu mà hãng phân phối số 1 Việt Nam hướng đến là đạt 14.200 tỷ đồng, tăng trưởng 3% trong khi khoản lợi nhuận trước thuế tăng trưởng khiêm tốn 1% lên 175 tỷ đồng. “Sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ là 27.000 xe mặc dù tiềm năng thị trường còn rất lớn”, ông Mai Việt Hà – CEO của Savico nhận định.
Tại Công ty ô tô Hàng Xanh, mặc dù kết quả kinh doanh năm qua rất khả quan nhưng không thể kìm hãm được đà giảm của cổ phiếu. Lý do là nhà đầu tư lo ngại trước viễn cảnh Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực sẽ siết chặt lại lượng xe sang Mercedes nhập khẩu mà ô tô Hàng Xanh đang là nhà phân phối chính. Thực tế thì lợi nhuận sau thuế quý I của công ty chỉ còn 1,8 tỷ đồng, giảm đến 93% so với cùng kỳ năm trước là một minh chứng khẳng định nỗi quan ngại này là có thực và điều này chắc chắn sẽ tạo ra áp lực rất lớn với mục tiêu tăng trưởng 20% đầy tham vọng mà hội đồng quản trị ô tô Hàng Xanh đặt ra.
Vượt qua được các rào cản của Nghị định 116 thật sự là một thách thức lớn cho các hãng xe nhập khẩu, bởi trong đó có một số điều khoản “lạ lùng” chưa từng thấy trước đây.
Tính đến hết tháng 5 năm nay, chỉ mới có 3 thương hiệu xe hoàn thành được các thủ tục để nhập khẩu xe nguyên chiếc CBU về Việt Nam là Honda, Chevrolet và Volvo. Tất nhiên, việc thị trường Việt Nam vẫn là một trong những đích đến trọng điểm của các hãng xe do nhu cầu lớn sẽ buộc các hãng phải nỗ lực để thích ứng. “Dự kiến thị trường ô tô sẽ bắt đầu khả quan hơn kể từ quý IV năm nay khi nhiều hơn các hãng xe đáp ứng được Nghị định 116”, ông Mai Việt Hà nhận định.
Bên cạnh mảng chủ lực ô tô, các DN trong ngành cũng nỗ lực tìm các mảng kinh doanh khác để vượt khó. Điển hình là mảng dịch vụ chăm sóc sửa chữa xe và phân phối phụ tùng. Lĩnh vực “phụ trợ này” chứng kiến mức tăng trưởng 28% tại Savico trong năm 2017 (đạt 1.615 tỷ đồng doanh thu) và dự kiến sẽ tiếp tục tăng hơn 20% trong năm nay. DN này cũng kỳ vọng sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến 56,9 tỷ đồng nếu hạch toán thành công khoản chuyển nhượng vốn tại dự án 104, Phổ Quang cho đối tác Novaland.
Còn Hoàng Huy đang mở rộng hơn danh mục đầu tư vào bất động sản với hàng loạt dự án tại Hà Nội và Hải Phòng. Dù vậy, với viễn cảnh tăng trưởng chậm lại của thị trường nhà đất và lãi suất ngân hàng đang có dấu hiệu tăng lên, Hoàng Huy sẽ đối mặt với không ít các rủi ro khi phiêu lưu trong lĩnh vực mới mẻ này.