Phiên giao dịch 30/7, VN-Index dừng ở mức 949 điểm, giảm 1,1% so với thời điểm đầu tháng 7. Theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, đây là tháng thứ 4 liên tiếp, chỉ số giảm điểm. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là mức độ giảm đã thu hẹp khá nhiều nếu so với các tháng trước đó. Cụ thể, tháng 4/2018, VN-Index giảm 12,2%, tháng 5 giảm 5,6% và tháng 6 giảm 3,2%.
Tháng 7, thanh khoản ghi nhận sự cải thiện vào cuối tháng, nhưng dòng tiền có dấu hiện tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ mang tính chất đầu cơ, khó dẫn dắt chỉ số khiến chỉ số khó có thể bứt phá.
Theo ông Trịnh Duy Viết, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Đông Á, dòng tiền đầu cơ, lướt sóng có đặc điểm vào nhanh và ra cũng nhanh, thường kéo dài khoảng 1 – 2 tháng. Do đó, trong nửa đầu tháng 8, nhiều khả năng dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm này và điểm số thị trường sẽ khó có sự bứt phá mạnh.
Cũng theo ông Viết, quý III là quãng thời gian thiếu vắng thông tin từ doanh nghiệp, nên trong ngắn hạn, nhà đầu tư sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố vĩ mô. Trước mắt, 2 thông tin có ảnh hưởng đáng kể là diễn biến kỳ họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tháng 8 và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có nhiều câu chuyện bất ngờ.
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS), ngoài yếu tố vĩ mô bao gồm tỷ giá, lãi suất, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung thì động thái giao dịch của khối ngoại cũng là một yếu tố cần phải xem xét.
“Dòng vốn quốc tế đã có tín hiệu quay trở lại nhóm thị trường mới nổi (Emerging market) khi các thị trường này tạo đáy. Đây cũng là hy vọng mới cho TTCK Việt Nam”, ông Hưng cho hay và kỳ vọng, vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại mua ròng sau đợt bán ròng liên tục hơn 3 tháng qua.
“Đây có thể là yếu tố hỗ trợ thị trường hồi phục trở lại trong những tháng cuối năm”, chuyên gia MBS nói.
Trong ngắn hạn, MBS kỳ vọng, TTCK Việt Nam sẽ hướng đến vùng mục tiêu 975 điểm trong tuần này. Theo đó, yếu tố dòng tiền tiếp tục đóng vai trò then chốt trong quá trình hồi phục của thị trường. “Nếu dòng tiền vẫn duy trì ở mức bình quân 3.000 tỷ đồng/phiên thì có lạc quan đi nữa, thị trường cũng chỉ dao động trong biên độ hẹp và loanh quanh mốc 950 điểm. Nếu dòng tiền có sự đồng thuận thì kỳ vọng vùng mục tiêu 975 – 996 điểm của Index là khả thi”, ông Hưng nhận định.
Ở quan điểm thận trọng hơn, chuyên gia Công ty Chứng khoán Đông Á cho rằng, chỉ số sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang, tăng điểm nhẹ và có thể đạt được 980 điểm trong tháng 8/2018. Trong ngắn hạn, dòng tiền tiếp tục tập trung vào các nhóm cổ phiếu penny và midcap và các cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 tích cực.
Tuy nhiên, dòng tiền vào chứng khoán khó bền, có thể sẽ rút ra rất nhanh nếu có diễn biến bất lợi. Sự lựa chọn đầu tư của những người thiên về trường phái cơ bản đang hướng tới các công ty có cơ cấu tài chính cân bằng, có tỷ lệ nợ vay vừa phải để đối phó với khả năng tăng lãi suất, các công ty có hoạt động xuất khẩu ròng để hưởng lợi từ biến động tỷ giá, các doanh nghiệp có thị trường tốt có thể tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và cuối cùng là các cổ phiếu rơi xuống mức định giá thấp, sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua.
Vậy cụ thể những nhóm ngành nào có sức hấp dẫn dòng tiền? Nhiều ý kiến tin rằng, cổ phiếu ngân hàng – chứng khoán, bất động sản, điện, bán lẻ, các doanh nghiệp hưởng lợi từ dòng vốn FDI như cho thuê khu công nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, thủy sản… có cơ hội tăng giá.
Nhà đầu tư nên quan tâm đến những mã có vốn hóa lớn, giá đã bị giảm mạnh trong thời gian vừa qua, các mã chứng khoán vốn hóa trung bình đang dưới giá trị hợp lý và nhóm cổ phiếu có yếu tố thoái vốn nhà nước.
Một khuyến nghị đáng quan tâm khác là nhóm cổ phiếu dầu khí khi hầu hết kết hoạch kinh doanh năm nay đều dựa trên giả định giá dầu khoảng 50 USD/thùng, trong khi đó tính đến thời điểm hiện tại thì giá dầu duy trì quanh mốc 70 USD/thùng. Cùng với đó, nhóm ngành xây dựng và hạ tầng cũng luôn có “cơ hội tiềm ẩn” trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục quan tâm đến đầu tư, thúc đẩy hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng, để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.