Thị trường chứng khoán tháng 7 diễn ra với sự thận trọng cao độ của nhà đầu tư. Trước những diễn biến khó lường trong quý 2 sau khi TTCK trải qua một đợt giảm sốc trong thời gian ngắn nên tâm lý nhà đầu tư đã bị ‘tổn thương’, chính điều này khiến thanh khoản thị trường trong tháng 7 sụt giảm mạnh. Tổng giá trị giao dịch trên HOSE trong tháng 7 đã giảm khoảng 19% so với tháng 6, có thời điểm VN-Index đã để thủng mốc 890 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2018, VN-Index đứng ở mức 956,39 điểm, giảm 0,46% so với cuối tháng 6, HNX-Index cũng giảm 0,01% xuống 106,16 điểm.
Cổ phiếu đầu cơ trỗi dậy
Trong lúc thị trường gặp khó khăn thì một số cổ phiếu thị giá thấp thu hút được dòng tiền.
Ở sàn HOSE, các cổ phiếu có yếu tố thị trường cao với thanh khoản rất lớn như HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, HAG của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, HVG của Công ty Cổ phần Hùng Vương… đều tăng giá mạnh.
Dẫn đầu danh sách tăng giá sàn HOSE là HNG với 69%. HNG chỉ trong vòng 1 tháng đã tăng từ 10.200 đồng/CP lên 17.250 đồng/CP. Không chỉ dừng ở đó, nếu tính từ ngày 30/5 đến hết tháng 7, giá cổ phiếu HNG đã tăng từ 7.340 đồng/CP lên 17.250 đồng/CP tương ứng gấp 2,3 lần. Giá cổ phiếu HNG tăng trong bối cảnh trên thị trường có tin đồn về một sự hợp tác của một doanh nghiệp lớn tuy nhiên thông tin này chưa được bên nào xác nhận. Trong tháng 5, HNG thông báo chỉ bán được 22 trái phiếu trong tổng số 221.710 trái phiếu đăng ký chào bán. Trong khi đó, theo BCTC quý II/2018, HNG ghi nhận 42,46 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh 95% so với cùng kỳ.
10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HOSE
Đứng thứ hai về mức tăng giá sàn HOSE là HAG – công ty mẹ của HNG. HAG trong tháng 7 cũng tăng 46,3%. Theo BCTC quý II/2018 mới công bố, HAG có lãi sau thuế 83,4 tỷ đồng, giảm 90%. Trong đó, cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ ròng gần 14 tỷ đồng, cổ đông không kiểm soát ghi lãi 97 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu CTF của Công ty cổ phần City Auto và TNI của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam cũng đều tăng giá trên 30%.
Ở sàn HNX, các cổ phiếu đầu cơ cao như HVA của Công ty cổ phần Đầu tư HVA, KLF của Công ty Cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF… cũng đều tăng mạnh, nhưng trong top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất lại phần lớn thuộc về những cổ phiếu thanh khoản kém.
10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HNX
Sàn HNX tháng 7 có 5 cổ phiếu tăng giá trên 50%, dẫn đầu là API của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương với 83,6%. Tiếp sau đó là BST của Công ty Cổ phần Sách – Thiết bị Bình Thuận với mức tăng là 75%.
Ở sàn UPCoM, trong số 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tháng 7 có đến 9 cổ phiếu tăng trên 100%, tuy nhiên, bản chất chung của các cổ phiếu này đều là thanh khoản rất thấp. Trong đó, CEN của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không CENCON Việt Nam dẫn đầu danh sách này với 197%. Trong tháng 7, CEN đã tăng từ 30.300 đồng/CP lên 90.000 đồng/CP. Còn nếu tính từ thời điểm lên sàn UPCoM (15/6/2018) thì CEN đã tăng 765%.
10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn UPCoM
Nỗi thất vọng mang tên YEG
Tuy vậy, không hẳn cổ phiếu đầu cơ nào cũng có được cho mình mức tăng giá mạnh ở tháng qua. Thay vào đó, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã sụt giảm rất mạnh. Đầu tiên phải kể đến TLD của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long. Trong tháng 7 TLD đã giảm 49,4% từ 15.124 đồng/CP xuống 7.650 đồng/CP. Theo BCTC quý II/2018 của TLD, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận hợp nhất đạt 5,6 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HOSE
Một cổ phiếu gây sự chú ý lớn đối với nhà đầu tư là YEG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1. YEG đã giảm 36,6% chỉ trong vòng 1 tháng. Từ một cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường, lên sàn với giá 250.000 đồng/CP. YEG đã tăng lên mức kỷ lục 343.000 đồng/CP, nhưng kể từ thời điểm đó, cổ phiếu này liên tục đi xuống và kết thúc tháng 7 chỉ còn 202.400 đồng/CP.
YEG đã công bố BCTC quý II/2018 với kết quả khả quan. Công ty ghi nhận 57 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 124% so với quý II/2017. Lãi sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 97 tỷ đồng, lên gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên điểm khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi trong BCTC của YEG là trong quý II, YEG hoàn tất việc mua về kiểm soát 51% CTCP Công nghệ Truyền thông ADSBNC với tổng giá phí 116 tỷ đồng. Qua đó, YEG cũng đồng thời kiểm soát 50,49% quyền sở hữu tại CTCP Công nghệ và Dược phẩm Trí Tâm. Theo báo cáo, giá trị tài sản thuần của công ty hợp nhất là 6,4 tỷ đồng, tuy nhiên được đánh giá lợi thế thương mại tới gần 114 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, cổ phiếu CVN của Công ty cổ phần Vinam đứng đầu danh sách giảm với 52,6%. Các mã DS3 của Công ty Cổ phần Quản lý Đường sông số 3, C92 của Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492 và B82 của Công ty Cổ phần 482 đều có mức giảm trên 40%.
10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HNX
Trong khi đó, sàn UPCoM có 19 cổ phiếu giảm giá trên 40%. EME của Công ty Cổ phần Điện cơ đứng đầu danh sách này với mức giảm là 67,9%.
10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn UPCoM