VN-Index giảm khoảng 10% trong 1 tháng qua và được đánh giá là thị trường suy giảm mạnh nhất thế giới. Theo ông, đây có phải là giai đoạn khó khăn nhất nhất đối với thị trường chứng khoán?
Ðây là giai đoạn thử thách và khó khăn của thị trường chứng khoán, trong quá khứ đã từng có nhiều giai đoạn như thế.
Theo tôi đánh giá, giai đoạn khủng hoảng năm 2008 đáng sợ nhất, sau đó là giai đoạn 2002 – 2003, khi thị trường chỉ có một chiều giảm, thanh khoản cạn kiệt, thậm chí nhiều nhà đầu tư buồn chán đến nỗi không thiết nói chuyện với nhau.
Mức độ giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay vẫn chưa phải là tệ nhất thế giới, thị trường Thái Lan còn giảm mạnh hơn.
Chỉ số chứng khoán xuống dưới 900 điểm, nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm đáng đầu tư, do định giá chung của thị trường và giá của nhiều cổ phiếu tốt đang về vùng rất thấp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thị trường chứng khoán giảm từ năm 2018 và từ đó đến nay có nhiều khuyến nghị rằng cơ hội đã đến, giá đang rất tốt, nhưng rồi ngày hôm sau giá còn tốt và thấp hơn.
Giai đoạn hiện nay cũng tương tự, nhưng việc giá giảm sâu sẽ dẫn đến các đợt phục hồi ngắn hạn, phù hợp với nhà đầu tư lướt sóng.
Ðể đầu tư với khung thời gian dài hạn thì cơ hội vẫn còn ở phía trước, bởi nhiều yếu tố hiện nay không ủng hộ thị trường.
Ðầu tiên, dòng tiền lớn trên thế giới và tại Việt Nam vẫn đang đổ vào các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu chính phủ, vàng.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lùi xuống dưới 1,3% và kỳ hạn 30 năm giảm về 1,8%, mức thấp nhất mọi thời đại, khiến đường cong lợi suất bị đảo ngược sâu hơn, cho thấy những dòng tiền khổng lồ vẫn chọn kênh đầu tư an toàn làm vịnh tránh bão.
Bởi lẽ, lợi suất giảm khi giá tăng, hoặc lãi suất giảm, hoặc cả hai, mà trái phiếu chính phủ và đặc biệt trái trái phiếu chính phủ Mỹ thường chỉ có các nhà đầu tư lớn như các định chế tài chính, ngân hàng trung ương các nước mới đầu tư vào.
Vàng cũng được xếp vào nhóm được xem là “vịnh tránh bão”, “nơi trú ẩn an toàn”.
Các yếu tố bất ổn như thương chiến, cuộc đua hạ lãi suất thúc đẩy các ngân hàng trung ương mua vàng để cân bằng trạng thái gây ra nỗi lo ngại về nguy cơ tạo ra cuộc chiến tiền tệ.
Thị trường chứng khoán Mỹ, trụ cột cho các thị trường thế giới đang đi vào giai đoạn bất ổn, khi tuần qua có phiên giảm mạnh nhất lịch sử.
Ngoài ra, chứng khoán Mỹ đang trong chu kỳ 4.000 ngày ở trong thị trường “bò tót” (tăng giá) dài nhất lịch sử, rất dễ có các động thái chốt lời, từ đó ảnh hưởng sang các thị trường khác.
USD vẫn tăng mạnh thời gian qua, chỉ số USDX (USD Index) thậm chí chạm ngưỡng 100 điểm. USD tăng điểm chưa bao giờ là tin tốt với kinh tế và thị trường tài chính, đặc biệt trong năm 2020, USD và vàng đi cùng chiều với nhau cho thấy sự sợ hãi trong tâm lý nhà đầu tư đang bao trùm.
Ðáng lưu ý, dịch Covid-19 chưa có hồi kết và nếu sớm kết thúc thì hậu quả có thể phải trong thời gian dài mới khắc phục được.
Theo ông, nhà đầu tư nên chọn kênh đầu tư nào trong tháng 3 và xa hơn?
Kể từ năm 2011, hầu như chỉ có vàng giảm giá, trong bối cảnh chứng khoán, bất động sản, dầu, hàng hóa, tiền mã hóa như Bitcoin đều tăng…
Nửa cuối năm 2018 đến nay, xu hướng này là ngược lại. Nghĩa là, vàng chỉ mới bắt đầu vào chu kỳ tăng dài hạn, khi dòng tiền rút ra khỏi các kênh mạo hiểm để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Do đó, ngắn hạn thì lướt sóng chứng khoán trong những nhịp phục hồi, lưu ý chỉ dành cho những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, tâm lý vững vàng.
Còn trung và dài hạn, vàng có nhiều cơ hội hơn, nhưng chứng khoán không phải không có cơ hội, mà sẽ nằm ở phân khúc khác.
Dự báo, năm 2020 khả năng sẽ là năm của thị trường chứng khoán phái sinh, vốn thu hút dòng tiền mỗi khi thị trường chứng khoán cơ sở suy giảm. Các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa nhỏ cũng sẽ thu hút được dòng tiền, vì thường đi ngược thị trường.
Quỳnh Lê