Sau khi rời sàn HoSE vào tháng 3/2015, MPC đã trở lại sàn UPCoM vào tháng 10/2017 với giá cổ phiếu chào sàn UPCoM cao (79.000đ/cp).
Cải thiện, nhưng đã chắc chân?
Sau gần 1 năm có mặt ở UPCoM, MPC hiện đang lên kế hoạch trở lại HoSE. Tuy nhiên, cổ phiếu MPC đã sụt giảm đáng kể so với lúc chào sàn UPCoM, hiện chỉ còn 40.800đ/cp. Những tham vọng của MPC và kết quả kinh doanh từ 2017 cho thấy, Cty này dường như đã quyết vững tin vào nội tại và sẵn sàng chào đón các đối tác mới để tăng cường năng lực thực thi các mục tiêu dài hạn hơn.
Theo BCTC quý I/ 2018, các chỉ tiêu tài chính của MPC đều thể hiện cải thiện hiệu suất kinh doanh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần của MPC đạt 1.922 tỷ đồng, tăng gần 17%; lợi nhuận sau thuế đạt 195,3 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với quý I/2017 (33,8 tỷ đồng). Trong kỳ, tài sản ngắn hạn của MPC đạt 4.069 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 394 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn là 2.102 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.233 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn khác là 23,5 tỷ đồng.
Dù vậy, nếu so 1/4 chặng đường trong năm mà MPC đạt được với mục tiêu cả năm 2018 với kế hoạch kim ngạch xuất khẩu hợp nhất đạt 800 triệu USD, tăng 15%; sản lượng dự kiến đạt 63.000 tấn tôm thành phẩm, tăng 13%; tổng doanh thu thuần hợp nhất 18.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 990 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 39% so với năm 2017, thì các chỉ tiêu này vẫn chưa đảm bảo chặng đường cần đi. MPC có hoàn tất được kế hoạch đặt ra hay không, sẽ phải chạy nước rút tăng cả doanh thu thuần lẫn lợi nhuận sau thuế lên hơn 2 lần nữa so với kết quả quý I trong từng kỳ kế tiếp theo.
Những lỗ hổng của MPC
Trong chiến lược của MPC, để đến được ngôi vương ngành tôm, ông Lê Minh Quang – Chủ tịch HĐQT MPC cùng các thành viên- đã khá dày công xây dựng chuỗi khép kín. Song ngoài mạng lưới Cty con và liên kết tập trung chế biến tuyển sản xuất tôm giống, nuôi, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối…, MPC vẫn còn rất nhiều mảng trống.
Ngay trong năm 2018 và các năm tới, MPC cũng xác định: đầu tư R&D; sản xuất con giống, thức ăn cho tôm (riêng khâu thức ăn trong chuỗi nuôi trồng, MPC hoàn toàn chưa chủ động mà phải hợp tác với các đối tác lớn); xây dựng vùng nuôi trồng công nghệ cao; thành lập sàn giao dịch tôm; đầu tư thêm nhà máy chế biến; hợp tác xử lý công nghệ thân thiện môi trường và tất cả các công đoạn đầu tư IoT để phát triển thích ứng xu hướng mới, tăng cạnh tranh…
Nói cách khác ngay trong chiến lược, MPC thừa nhận vẫn còn những “lổ hổng” mà để lấp đầy, không chỉ cần thời gian, tiền bạc, còn cần cả năng lực quản trị. Một trong những thách thức đó chính là kỹ năng quản trị cả về chiến lược, tài chính lẫn khả năng quản trị rủi ro.
Với những lỗ hổng này, việc MPC đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp tôm chiếm 1/4 thế giới, được đánh giá sẽ khó thực thi hơn. Đặc biệt, khi xuất khẩu tôm là ngành chiến lược sản phẩm quốc gia, nhưng lại là ngành thiếu tính bền vững trong chuỗi sản xuất do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ sản xuất quy mô nhỏ với các doanh nghiệp đầu ngành, dẫn đến các rủi ro về chất lượng, nguồn cung không ổn đinh gây biến động giá.
Tham vọng thì không ai đánh thuế, song “thuế” của quá trình thực thi tham vọng – những bài học thua lỗ đắt giá, đang nhắc nhớ MPC cần vững vàng hơn ở ngay ngôi vua của mình hiện tại, trước khi tính chuyện xa.