Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL), ông Ðinh Quang Chiến, thành viên Hội đồng quản trị đăng ký mua 4,75 triệu cổ phiếu; trước giao dịch, ông Chiến sở hữu 1,35 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,21%). Trước đó, phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của công ty này đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu.
Tại Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), ông Chu Mạnh Hiền, Phó tổng giám đốc đăng ký mua 100.000 cổ phiếu. Tại Công ty cổ phần Ðịa chính và Tài nguyên môi trường (CER), một loạt lãnh đạo từ Chủ tịch Hội đồng quản trị, ủy viên Hội đồng quản trị và người có liên quan đăng ký mua vào số lượng lớn cổ phiếu.
Một số nguồn tin từ doanh nghiệp có lãnh đạo đăng ký mua khối lượng lớn cổ phiếu cho hay, doanh nghiệp không có biến động đáng kể trong hoạt động. Tuy nhiên, công ty sắp tới nhiệm kỳ hội đồng quản trị mới, đây có thể là động thái để các lãnh đạo củng cố quyền lực tại doanh nghiệp.
Cần nói thêm, họ tuy là lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng cũng là những nhà đầu tư lão luyện trên thị trường. Ví dụ, ông Ðinh Quang Chiến có bề dày kinh nghiệm trong đầu tư tài chính và được nhận định quá hiểu doanh nghiệp để biết mức giá phù hợp. Nếu giá cổ phiếu giảm thêm, lượng hàng có thể sẽ cạn kiệt.
Chứng khoán đang chịu tác động mạnh mẽ của những thông tin về chiến tranh thương mại trên thế giới. Ðó cũng có thể là nhân tố khiến khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Nhưng trong lịch sử của thị trường đã chứng minh, có nhiều thời điểm, nội lực lại dẫn dắt và những nhà đầu tư “biết người, biết ta” kiếm được bộn tiền. Thành thử, thị trường giảm điểm là cơ hội để lãnh đạo doanh nghiệp gom hàng.
Có những lãnh đạo doanh nghiệp hiện giữ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản sau khi bán ra lượng lớn cổ phiếu hồi chứng khoán chạm đỉnh đầu năm nay đang chờ cơ hội để mua vào. Trong đó, một lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhóm này cho biết, ông thường xuyên thực hiện theo chiến lược “Mua khi người chán, bán khi người thèm”. Hiện tại, P/E toàn thị trường đã về mức 15 – 16 lần, trong đó có nhiều mã chứng khoán đã rớt giá xuống bằng hoặc thấp hơn thời điểm đầu năm 2017.
Chiến tranh thương mại đang nổ ra, doanh nghiệp nào rồi cũng sẽ phải lên kế hoạch phòng vệ. Họ sẽ cố gắng nhận diện rủi ro để tránh hoặc tận dụng cơ hội. Ðó là nền tảng để những doanh nghiệp có kinh nghiệm và nội lực được tích lũy sẽ đứng vững. Ðó cũng có thể là lý do các lãnh đạo doanh nghiệp hiểu và tự tin gom cổ phiếu khi thị trường đang sợ hãi.