VHM tiền thân là CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Nam Hà Nội. Đầu năm 2018, Cty đổi tên thành CTCP Vinhomes và bắt đầu thực hiện tái cấu trúc, tăng vốn và nhận sáp nhập CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát và CTCP Kinh doanh và Quản lý BĐS Vinhomes, vốn điều lệ của VHM tăng lên 26.796 tỷ đồng.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHM
Tái cấu trúc trước khi chuyển sàn
Có thể nói, năm 2018 là năm đầu tiên đánh dấu việc tái cấu trúc theo hướng tập trung các hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) của Vingroup. Theo đó, VHM chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển, quản lý và vận hành các dự án BĐS mang thương hiệu Vinhomes và VinCity. Trên cơ sở đó, Cty nhận chuyển giao các dự án BĐS, đồng thời tìm kiếm cơ hội mua hoặc hợp tác với các đối tác có uy tín khác để gia tăng lợi nhuận.
Vì vậy, có thể hiểu việc tăng vốn nhanh của VHM để đáp ứng các hoạt động tái cấu trúc nhằm đưa các dự án BĐS của Vingroup và các Cty thành viên về một mối; đồng thời phát huy lợi thế tập trung, tối ưu hóa nguồn nhân lực cũng như tài chính, uy tín và thương hiệu, từ đó giúp Cty duy trì tốt hoạt động kinh doanh sau tái cấu trúc.
Trong năm 2018, VHM dự kiến sẽ tiếp tục bàn giao các căn hộ và biệt thự thuộc các dự án đã mở bán như Vinhomes Central Park, Vinhomes Green Bay, Vinhomes Metropolis. Bên cạnh đó, với quỹ đất đang có kế hoạch triển khai sẽ là nền tảng giúp VHM có những bước phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững, mang lại niềm tin cho khách hàng, giá trị cho cổ đông và nhà đầu tư.
“Tân binh” cán lợi nhuận gần 10.000 tỷ đồng
Điểm nhấn trong mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 thuộc về nhóm ngân hàng khi đa số đều có lợi nhuận tăng trưởng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với nửa đầu năm 2017.
Với lợi nhuận trước thuế trên 8.000 tỷ đồng, Vietcombank đã bỏ khá xa Vietinbank, Techcombank và BIDV với lợi nhuận dao động quanh mức 5.000 tỷ đồng. Tuy vậy, xét trên phạm vi toàn thị trường chứng khoán, lợi nhuận của Vietcombank vẫn xếp sau “tân binh” VHM, đạt 9.974 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc Vinhomes chính thức niêm yết đã góp phần nâng cao mức vốn hóa của toàn thị trường, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam.
Được cơ cấu lại để trở thành Cty trực tiếp phát triển mảng BĐS của Vingroup, VHM có kinh nghiệm triển khai hàng chục dự án BĐS tại 40 tỉnh, thành trên cả nước và được đánh giá là một trong những nhà phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam với tổng tài sản đạt 117.412 tỷ đồng (tính đến 30/6/2018).
Thách thức với VHM
Ngoài việc lọt vào FTSE Vietnam Index, thì FTSE Vientam Allshare Index cũng thêm VHM vào danh mục trong đợt review này. Ngoài ra, VHM đã trở thành cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn thứ 10 trong hơn 200 cổ phiếu thuộc danh mục iShares MSCI Frontier 100 ETF và đứng thứ 3 trong số các cổ phiếu Việt Nam.
Trước đây, các cổ phiếu được lựa chọn vào rổ các chỉ số nói trên dựa nhiều trên vốn hóa và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Trong số này, không phải doanh nghiệp nào cũng có ngành nghề thuận lợi, kinh doanh và sử dụng vốn hiệu quả. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng phát triển theo hướng lành mạnh hơn, việc niêm yết mới, IPO, chuyển sàn của các doanh nghiệp lớn, đầu ngành gần đây đã giúp tăng chất lượng của bộ chỉ số này.
Các cổ phiếu trong rổ này không chỉ có tính đại diện cao về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ chuyển nhượng tự do cao, mà còn có khả năng thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Lọt vào rổ chỉ số FTSE Vietnam Index do Deutsche Bank quản lý đã khó, nhưng “trụ hạng” trong rổ này còn khó khăn hơn khi mà các doanh nghiệp niêm yết đang không ngừng nỗ lực phấn đấu đáp ứng các điều kiện theo quy định để các quỹ đánh giá lại hàng năm… Bởi vậy, đây là thách thức không nhỏ cho VHM trong thời gian tới.