Tính chung 9 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,57%. Mức tăng này có sự đóng góp lớn từ việc giá thịt tăng mạnh sau khi chạm đáy hồi năm 2017.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá lợn hơi quý III đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017. Với mức giá hồi phục liên tục từ tháng 3 dẫn tới việc chăn nuôi có lãi trở lại, giá thịt lợn trong quý cuối năm được kỳ vọng không tăng nhiều khi nguồn cung trở nên dồi dào hơn.
Bên cạnh đó, các dịch vụ công đóng góp lớn cho sự gia tăng CPI trong 9 tháng đầu năm 2018. Cụ thể, việc các địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đã làm cho giá mặt hàng này tăng tới 18,26% và làm CPI chung tăng 0,71%.
Ngoài ra, việc các địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí cũng làm CPI nhóm hàng giáo dục tăng 7,02% và tăng CPI tổng 0,36%.
Theo dự báo của VERP, với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của quý III, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới.
Về lạm phát, trong quý III duy trì ở mức 3,98%. Tuy nhiên, theo Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP, trong quý cuối cùng của năm 2018, có nhiều yếu tố bất lợi tác động đến lạm phát. Chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong quý IV.
Tuy nhiên, hiện nay, giá nhiên liệu trên thế giới có nhiều biến động đã tác động mạnh đến giá xăng dầu trong nước.
Điển hình từ ngày 6/10, giá xăng dầu đã tăng vọt lên gần 700 đồng/lít. “Khi không còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ như năm 2017, lạm phát các tháng có khả năng sẽ vượt quá mốc 4%”, ông Thành nhận định.
Thông thường, việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo nhiều loại mặt hàng khác tăng theo do chi phí vận chuyển tăng lên. Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm sau sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới.
VERP cho rằng, mặc dù lạm phát trong năm nay được đánh giá là vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây do giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao. Đồng thời, Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 – 4.000 đồng/lít) kể từ 1/1/2019.
“Những tính toán sơ bộ của chúng tôi cho thấy chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng một năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm. Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần rất thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt khỏi kiểm soát”, VERP nhận định.
Do đó, Viện trưởng VERP khuyến nghị: “Thay vì đặt ra những mục tiêu chưa được tính toán kỹ, Chính phủ thời gian tới cần có những biện pháp mạnh để kiềm chế rủi ro lạm phát tăng cao”.