Với Công văn 2787/UBCK-QLKD, UBCK đã phát đi thông điệp về quan điểm xử lý HĐHT mà các CTCK đã vượt rào triển khai: dừng ký mới HĐHT và tất toán các hợp đồng đã ký. Những nội dung này được coi là một phần không thể tách rời của Quy chế giao dịch ký quỹ (margin), bởi một khi các HĐHT không được dọn dẹp quy củ, thì việc triển khai margin sẽ không dễ đạt được mục tiêu như cơ quan quản lý mong muốn.
Tuy nhiên, không ít ý kiến nghi ngại về tính khả thi của Công văn 2787, bởi UBCK không đưa ra thời hạn cụ thể các CTCK phải kết thúc việc tất toán các HĐHT. Điều này dễ khiến các CTCK có cớ trì hoãn triển khai margin “xịn”, mà vẫn triển khai margin “nhái” dưới dạng HĐHT.
Tạm gác sang một bên tâm lý chần chừ, thậm chí cố tình trì hoãn tất toán HĐHT của một số CTCK vì nguồn lợi không nhỏ của hình thức dịch vụ này, có một thực tế mà ĐTCK ghi nhận được là nhiều CTCK đang gặp khó khăn trong việc tất toán HĐHT. Tổng giám đốc một CTCK có vốn điều lệ gần 150 tỷ đồng chia sẻ: ngoài chịu áp lực lớn từ cơ quan quản lý, do kết quả xử lý HĐHT phải báo cáo UBCK, Công ty đang rất khó khăn trong tất toán HĐHT, nhất là khi thị trường có xu hướng tăng như hiện nay.
Theo lãnh đạo một CTCK, các CTCK đang khá khó khăn trong tìm vốn để triển khai margin, bởi nhiều CTCK chưa trả hết nợ nên các ngân hàng e ngại cho vay tiếp. Một số ngân hàng cam kết hạ lãi suất xuống 17 – 19%/năm theo kiểu đối phó khi ngân hàng nói sẵn sàng cho vay với mức lãi suất trên, nhưng thời hạn chỉ là… 1 tuần! Điều này khiến các DN chưa thực sự được vay với lãi suất “mềm” như các ngân hàng đã hứa. |
“Thị trường tăng điểm, NĐT tiếc chứng khoán nên quay lại Công ty hứa sớm trả nợ để tiếp tục nắm giữ chứng khoán và chờ lên giá bán kiếm lời, nhưng thực tế họ không trả nợ đúng hạn. Bởi vậy, nếu Công ty xử lý HĐHT không khéo, rất dễ bị NĐT kiện… Dẫu vậy, chủ trương của Công ty là rủi ro đến mấy cũng phải giải quyết nhanh HĐHT vì UBCK đã kiên quyết yêu cầu phải làm”, vị lãnh đạo CTCK trên nói.
Theo giám đốc môi giới một CTCK khác, đầu tháng 8/2011, nhiều HĐHT đến hạn phải xử lý, nhân viên giao dịch của công ty gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email đề nghị NĐT đến phối hợp giải quyết, nhưng không nhận được hồi âm, nên Công ty đành bán chứng khoán để thu nợ theo đúng điều khoản trong HĐHT mà hai bên đã ký. Thế nhưng, khi thấy thị trường liên tiếp tăng điểm từ cuối tháng 8 tới nay, một số NĐT đã kéo đến Công ty khiếu nại với lý do tại sao tự ý bán chứng khoán của họ. Đây cũng là câu chuyện đau đầu của CTCK, dễ dẫn đến kiện tụng nếu Công ty xử lý HĐHT không kín kẽ.
Chia sẻ cách thức giải quyết HĐHT chặt chẽ, vị giám đốc môi giới trên cho biết, sau khi gọi điện thoại cho NĐT bất thành, Công ty gửi tin nhắn qua điện thoại và email. Sau vài ngày mà NĐT không có hồi âm, lãnh đạo Công ty triệu tập đại diện các bộ phận liên quan họp bàn và ghi biên bản rõ ràng về quan điểm xử lý HĐHT. Sau đó, hồ sơ giải quyết HĐHT với NĐT được hoàn chỉnh, gồm: biên bản cuộc họp do Công ty tổ chức, HĐHT hai bên đã ký, nội dung email thể hiện rõ ngày, giờ, nội dung gửi, người nhận… Trên cơ sở đó, Công ty bán chứng khoán của NĐT để thu hồi nợ khi đến hạn như thoả thuận nêu trong HĐHT. Trường hợp NĐT có phản ứng, lãnh đạo Công ty trực tiếp gặp NĐT để giải thích, đồng thời xuất trình đầy đủ hồ sơ giải quyết HĐHT để NĐT nắm được. Chuyện NĐT bức xúc vì bị bán chứng khoán là khó tránh khỏi, nhưng với cách giải quyết trên, Công ty đã giảm được thiệt hại cho cả NĐT, chứ không đơn thuần là đem lại lợi ích cho Công ty.
Trong quá trình triển khai chiến dịch tất toán HĐHT theo chỉ đạo của UBCK, cơn “đau đầu” của các CTCK sẽ chưa thể nhanh qua đi, khi mà số lượng HĐHT thuộc diện phải xử lý còn lại không ít, nếu không muốn nói là quá lớn để giải quyết trong thời gian ngắn. Bài toán tìm kiếm lợi nhuận bù đắp khoản doanh thu khá lớn từ các HĐHT bị cắt không đơn thuần trông chờ vào sản phẩm thay thế là margin “xịn”, nên xem ra các CTCK sẽ còn phải “căng thẳng” dài dài.