NHNN vừa có văn bản chấp thuận về việc tăng vốn điều lệ của VPBank, MB. Đây cũng là hai trong số nhiều ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng vốn trong năm nay. Áp lực nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các điều kiện của Basel II khiến nhu cầu tăng vốn của các nhà băng ngày càng cấp thiết.
Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có vị thế, uy tín, hiệu quả hoạt động… khác nhau nên cơ hội cho tăng vốn không giống nhau. Giới chuyên gia cũng nhận định, hiện tăng vốn luôn luôn là câu chuyện khó, ngay cả với các ngân hàng lớn khi mà Chính phủ đang yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng; các ngân hàng cũng phải thoái vốn khỏi các ngân hàng khác để đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo đúng quy định; trong khi việc tìm kiếm các nhà đầu tư ngoại cũng không hề dễ dàng.
Mặc dù vậy, việc tăng vốn của các ngân hàng lớn vẫn có phần thuận lợi hơn so với các ngân hàng nhỏ, khi mà cổ đông của các ngân hàng lớn thường có tiềm lực tài chính khá mạnh nên có thể dễ dàng chi thêm tiền; trong khi uy tín thương hiệu, hiệu quả hoạt động… cũng khiến các ngân hàng lớn dễ dàng thu hút nhà đầu tư mới hơn. Thực tế này khiến sự phân hoá giữa các ngân hàng có xu hướng ngày càng rộng hơn.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, xét ở một góc độ nào đó, việc phân hoá là điều tốt bởi việc cạnh tranh là cần thiết để nhà băng có thể khẳng định được mình. Chính những áp lực mang lại sẽ giúp sàng lọc hệ thống ngân hàng, buộc ngân hàng nếu không muốn thụt lùi thì phải có những giải pháp để cải thiện sức khoẻ tài chính của mình. Thậm chí với các ngân hàng nhỏ phải tính đến chuyện sáp nhập, hợp nhất để tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh.
Hiện Việt Nam có hơn 40 NHTM, kể cả ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh… trong một nền kinh tế dù có hơn 90 triệu dân nhưng mới chỉ có khoảng 30% dân số có giao dịch với ngân hàng. “Với số lượng ngân hàng khá nhiều, tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị với mức độ khá dày đặc thì chủ trương của NHNN thu gọn lại hệ thống xuống còn khoảng 15-20 ngân hàng là phù hợp”, vị chuyên gia ngân hàng nói trên chia sẻ.
Số lượng ngân hàng nhiều là tốt hay không? Ông này cho rằng có cả mặt tích cực và hạn chế. Tích cực ở chỗ khi sự cạnh tranh càng nhiều, thì người hưởng lợi nhất vẫn là khách hàng khi được hưởng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đa dạng, hiện đại với mức giá hợp lý nhất. Đơn cử, với người vay tiền, sự cạnh tranh của các ngân hàng khiến họ có thể được vay vốn với mức lãi suất cho vay thấp hơn. Còn ở chiều ngược lại, số lượng ngân hàng giảm xuống sự cạnh tranh cũng sẽ giảm bớt, trong chừng mực nào đó khách hàng lại bất lợi.
Một trong những hướng giải pháp mở ra cho các nhà băng hiện nay là kêu gọi sự đầu tư của các nhà đầu tư ngoại. Ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam từng nhiều lần chia sẻ, Việt Nam hiện là một đất nước có sự phát triển tốt, cộng thêm làn sóng FDI vào Việt Nam ngày càng gia tăng sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho cả DN Việt Nam, trong đó có khối ngân hàng. Để có thể phát triển, tồn tại trong tương lai, ông Hải cho rằng DN, trong đó có ngân hàng cần có sự cải cách, nâng cao giá trị cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững, nâng cao kỹ năng quản trị, áp dụng khoa học công nghệ. Đây là những bài toán cho sự phát triển bền vững.
Lãnh đạo HSBC Việt Nam nhận thấy, việc tái cơ cấu ngân hàng có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng. Và đồng nghĩa với việc đã tới lúc cần xem xét lại tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi với tỷ lệ thấp thì đa phần họ sẽ không có nhiều mong muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam. Cơ hội để ngân hàng Việt có vốn mới cũng sẽ giảm xuống.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Lê – Tổng giám đốc SHB cũng cho rằng, nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài không những giúp nhà băng có lượng tiền mới mà còn giải quyết các vấn đề cho vay, hay minh bạch hoá hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn tăng thêm cũng sẽ giúp ngân hàng nâng cao cơ sở vật chất, hiện đại hóa các phương tiện và công nghệ phục vụ cho công tác quản trị, điều hành. Đi cùng với đó là phát triển sản phẩm dịch vụ mới đa dạng, hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong bối cảnh hoạt động nhiều thách thức của hệ thống ngân hàng hiện nay…
Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng tăng vốn phải dựa vào tình hình thực tế hoạt động cũng như tài chính của mỗi NHTM để có những phương án phù hợp. Hay nói cách khác, vốn tăng phải thực chất. Điều này đòi hỏi lợi nhuận của ngân hàng có sự tăng trưởng, đi cùng với kiểm soát rủi ro, tránh nợ xấu, đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ phi tín dụng…