Tuy nhiên, nhiều NH vẫn chưa thể tăng được vốn cấp 1 để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), nên xu hướng phát hành trái phiếu để tìm vốn thứ cấp vẫn là kênh tăng vốn được ưa chuộng. Song thực chất đó chỉ là tăng vốn đối phó tình thế.
Tiếp tục tung trái phiếu
Ngày 6-7, HĐQT VIB đã gửi tờ trình phê duyệt phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2. Theo đó, hệ số CAR của VIB theo quy định của NHNN tại ngày 30-4-2018 là 12,25%. Bởi từ ngày 1-1-2019, hệ số CAR của VIB sẽ được tính theo chuẩn Basel II, đòi hỏi mức vốn cao hơn để duy trì hệ số này. Đồng thời, việc tăng trưởng tài sản theo kế hoạch kinh doanh của NH cũng đòi hỏi việc tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR luôn ở mức phù hợp quy định trong mọi thời điểm.
Căn cứ số liệu tài chính hiện nay, và dự kiến tăng trưởng của VIB trong thời gian tới, khối lượng phát hành vốn cấp 2 đợt này tối đa ở mức 200 triệu USD (tương đương 4.500 tỷ đồng), sẽ vừa đảm bảo quy định của pháp luật về số dư nợ thứ cấp của NH được tính tối đa 50% tổng vốn cấp 1, vừa đáp ứng nhu cầu vốn của NH, đồng thời đạt được chi phí tối ưu trên mỗi đồng vốn huy động.
VIB cho biết với kế hoạch lợi nhuận trong thời gian tới, cũng như ước tính chi phí và lãi suất phải trả cho vốn cấp 2, việc phát hành trái phiếu kỳ vọng giúp tăng hệ số ROE cho NH và cổ đông. Theo đó, NH dự kiến phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản bằng VNĐ hoặc USD, có thể chia thành nhiều đợt phát hành trong năm 2018. Thị trường phát hành trong nước hoặc nước ngoài, hoặc cả trong nước và nước ngoài, thời hạn 5 năm đến tối đa 10 năm. Trái phiếu có thể được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong và ngoài nước.
Ngày 29-6, VietinBank công bố đã phát hành thành công trái phiếu tăng vốn cấp 2 đợt 3 năm 2018. Tổng giá trị phát hành 180 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm. Lãi suất trái phiếu bằng lãi suất tham chiếu (lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VNĐ trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng của VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank) cộng 1,1%/năm. Trước đó, ngày 12-6 VietinBank đã phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 đợt 2 năm 2018 với kỳ hạn 10 năm, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng 0,8%/năm. Ngoài ra, NH này còn phát hành trái phiếu thường (riêng lẻ) đợt 1 năm 2018 với tổng giá trị phát hành 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 5,8%/năm. Năm 2017, VietinBank cũng đã phát hành 4.200 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2 khi không có nhiều lựa chọn để tăng vốn cấp 1.
Giải pháp ngắn hạn
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6 tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 8,7%). CTCP Chứng khoán TPHCM nhận định, tín dụng tăng chậm lại phản ánh sự thận trọng của NHNN đối với cung tiền M2 và cho vay mới do lạm phát đang tăng tốc. Ổn định lạm phát và tỷ giá trở thành những mục tiêu được ưu tiên hơn. Do đó, hạn mức tín dụng sẽ được phân bổ nghiêm ngặt. Đồng thời, tỷ trọng rủi ro cao hơn áp dụng cho các khoản cho vay bất động sản tăng, cùng với hệ số CAR thấp ở một số NH lớn như BIDV và VietinBank, cũng làm chậm lại tăng trưởng tín dụng. Trong 6 tháng cuối năm, triển vọng lợi nhuận ngành NH nhìn chung là khả quan, bất chấp một số yếu tố tác động tới khả năng tăng trưởng tín dụng ở một số NH.
Tuy nhiên, các NH với hệ số CAR thấp như BIDV và VietinBank phải cẩn thận việc mở rộng cho vay, dù để tăng trưởng mạnh, việc tăng vốn đối với các NH này rất quan trọng. Thực tế, từ năm 2014 đến nay VietinBank chưa thể tăng được vốn điều lệ. Do đó, phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 được xem là giải pháp tối ưu nhằm cải thiện hệ số CAR, cân đối nguồn vốn trung và dài hạn theo quy định của NHNN. Giải pháp này cũng được ưa chuộng vì thực hiện đơn giản, nhanh chóng do không có nhiều yêu cầu về thủ tục. Khi phát hành trái phiếu, các NH có được nhiều lợi ích như cổ phiếu không bị pha loãng, chỉ số ROA và ROE không bị ảnh hưởng.
Một số thống kê cho biết khoảng 50% trái phiếu do các NH phát hành được mua bởi các NH khác, tức có hiện tượng đầu tư lẫn nhau. Thực tế này vừa gia tăng áp lực đối với vấn đề sở hữu chéo giữa các NH, vừa đẩy các NH vào rủi ro. Bởi theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NH, chi nhánh NH nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, phần vốn đầu tư vào trái phiếu đủ điều kiện tính vốn cấp 2 của các NH khác sẽ bị loại khi tính vốn tự có của TCTD.
Như vậy, nếu đầu tư lớn vào trái phiếu NH vào thời điểm này, từ năm 2020 trở đi, các NH cũng sẽ chịu áp lực suy giảm vốn tự có cấp 2. Do đó, với các NH, nếu có thể phát hành cho các định chế tài chính phi tín dụng, quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp trong và ngoài nước, nên phát hành trái phiếu mới có giá trị hỗ trợ ngành NH thêm vốn để tái cơ cấu ổn định và bền vững.