Thời gian qua, do không lường trước những biến động tỷ giá, xuất nhiều thì gặp giá giảm, còn nhập nguyên liệu nhiều thì gặp giá cao… khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu sức ép lớn. Tại sao lại như vậy?
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương trong 7 tháng đầu năm 2015 cho thấy ảnh hưởng của giá xuất khẩu khiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản giảm hơn 961 triệu USD.
Còn nhóm nhiên liệu, khoáng sản đã giảm đến 2,7 tỷ USD. Một số mặt hàng có giá bình quân giảm khá cao so với cùng kỳ năm 2014 như: cao su giảm 20%, dầu thô giảm đến 47%, xăng dầu các loại giảm 37,2%; chất dẻo các loại giảm 35,6%, gạo giảm 5,4%…
Xuất nhập đều thua thiệt
Ở chiều ngược lại, cũng theo Bộ Công Thương, nhập khẩu hàng hoá trong 7 tháng qua của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 84,35 tỷ USD, tăng đến 16,2% so với cùng kỳ 2014, chiếm tỷ trọng 88,2% kim ngạch nhập khẩu, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất.
Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu thì kim ngạch nhập khẩu lại đạt đến 3,81 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu thì đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ. Xét về giá, so với cùng kỳ năm 2014, giá nhập khẩu bình quân của một số mặt hàng đã tăng.
Nhìn từ các số liệu “biết nói” nêu trên, tuy chưa phản ánh hết thực tại bất cập của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước, nhưng cũng đủ để cho thấy bức tranh tương phản trong cán cân thương mại, mà phần thiệt thòi thuộc về các doanh nghiệp Việt trước những biến động về tỷ giá như hiện nay.
Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, việc ứng phó với các kịch bản thay đổi của tỷ giá của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện đang bộc lộ những yếu kém nội tại. Đáng lý khi tỷ giá tăng mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi từ giá trị nguồn thu ngoại tệ, từ khả năng cạnh tranh giá trên thị trường thì chính các doanh nghiệp xuất khẩu lại không làm được điều đó.
Nhìn vào sự lúng túng bị động của các doanh nghiệp xuất khẩu trước chính sách tăng tỷ giá, tựu trung có thể thấy một vài vấn đề tồn tại nổi cộm của các doanh nghiệp Việt.
Vấn đề thứ nhất là quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đơn cử như các doanh nghiệp dệt may chủ yếu vẫn nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu sợi, xơ, bông, thuốc nhuộm, hoá chất… từ Trung Quốc, châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc là chủ yếu. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thuỷ sản như hạt điều, tôm, chăn nuôi cũng phụ thuộc khá nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Các ngành khác như chế biến gỗ, dược phẩm, thuốc lá…cũng tương tự.
Chính vì thế, khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới rộng biên tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD thêm 1%, tăng từ +/-2% lên +/-3% hôm 19/8 đã làm tăng giá trị hàng nhập vào Việt Nam, tức phải cần nhiều tiền đồng hơn để mua hàng nhập khẩu, khiến chi phí đầu vào tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất.
Vấn đề thứ hai là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt còn yếu khi có biến động tỷ giá. Các doanh nghiệp đa phần cho rằng tình trạng biến động tỷ giá USD mạnh, nhân dân tệ yếu đều tác động không thuận đến xuất khẩu của Việt Nam, mà trực tiếp là làm giảm giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn.
Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Với xuất khẩu, việc neo tiền đồng theo USD, trong khi USD lên giá sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh vì giá xuất khẩu đắt hơn so với các đồng tiền khác. Nhưng với nhập khẩu, điều chỉnh tỷ giá sẽ gây bất lợi, chưa kể nợ công cũng sẽ tăng lên. Và đây là lý do Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chính sách tỷ giá dựa trên quan điểm vĩ mô, hài hòa lợi ích của tất cả các ngành, chứ không chỉ dựa vào xuất khẩu”.
Bị động trước tỷ giá
Vấn đề thứ ba là sự liên quan quá nhiều đến thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp nội. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc và quá lệ thuộc vào thị trường này.
Khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ đã dẫn tới nguy cơ giảm sản lượng xuất khẩu vào thị trường này giảm rõ. Ngay cả khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp Trung Quốc trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường thứ ba cũng thua xa.
Với các nhà nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu hàng hóa để tiêu thụ nội địa, thì đây lại là thông tin không mấy tích cực. Ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải, cho biết là đơn vị chuyên lắp ráp và sản xuất các dòng xe ô tô, nên DN này phải nhập một lượng lớn nguyên phụ liệu, thiết bị cho sản xuất. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá khiến cho giá hàng hóa nhập khẩu đầu vào tăng lên, gây sức ép cho DN trong việc điều chỉnh giá bán do chi phí giá thành sản xuất tăng lên.
Với tình trạng nhập siêu như hiện nay, các doanh nghiệp nội đang phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt trên thị trường trong nước, không ít doanh nghiệp đã bị lép vế. Hàng xuất khẩu của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh, nay gặp chính sách tăng tỷ giá, giá xuất khẩu lại đắt hơn so với các đồng tiền khác.
Vấn đề thứ tư là không có kênh dự phòng khi có biến động tỷ giá. Chủ tịch một doanh nghiệp thuỷ sản cho rằng biến động quá lớn của tỷ giá thời gian qua khiến nhiều đối tác nhập hàng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt còn yếu khi có biến động tỷ giá.
Ông Trần Thanh Sang, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều ở Bình Dương, cho biết khó khăn chủ yếu bây giờ chính là gánh nặng chi phí tài chính trong bối cảnh tỷ giá biến động rất lớn. Không chỉ tăng chi phí, điều doanh nghiệp lo ngại là diễn biến trên có thể khiến việc mua ngoại tệ cho các hoạt động thanh toán khó khăn. Một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hoặc có khoản dư nợ ngoại tệ cao sẽ phải trích thêm dự phòng rủi ro.
Một lãnh đạo công ty xuất khẩu nhựa cho biết, mỗi năm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu với giá trị vài chục triệu USD. Chỉ cần tỷ giá biến động 1% cũng có tác động lớn đến kế hoạch lợi nhuận và các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam khuyến nghị rằng ngay khi thị trường ổn định trở lại, các doanh nghiệp nên áp dụng chính sách quản trị rủi ro để tránh những biến động không lường trước được của thị trường trong tương lai.
Điều đương nhiên khi doanh nghiệp xuất khẩu còn đối mặt nhiều thách thức trước chính sách tăng tỷ giá thì sẽ dễ lúng túng, bị động, dẫn đến thua thiệt trong cạnh tranh quốc tế.
Do đó, việc nắm vững những “luật chơi” của tỷ giá để chủ động trong mọi tình huống là vấn đề sống còn hiện giờ đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay chính các cơ quan quản lý kinh tế cũng cần “hà hơi tiếp sức” cho doanh nghiệp trong cuộc đấu tỷ giá đầy biến động này.