Một số ý kiến cho rằng nếu buộc phải đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng khoảng 17%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt buộc phải tính toán phương án nới room cho một số ngân hàng thương mại (NHTM) có chất lượng tài sản tốt, tăng trưởng lành mạnh, bởi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng hiện đã gần hết.
8 tháng mới đạt nửa chỉ tiêu
Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế cuối năm 2017 ở mức 6,5 triệu tỷ đồng, tăng 18,17%. Trong năm nay, mục tiêu giảm xuống còn 17%, ước tính sẽ có thêm khoảng 1,1 triệu tỷ đồng được bơm qua hoạt động cho vay.
Tuy nhiên, đến 30/8, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 8,5%, đồng nghĩa với việc mới có khoảng 527.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Như vậy, 4 tháng còn lại, ngành ngân hàng phải đẩy ra nền kinh tế thêm khoảng 573.000 tỷ đồng mới đạt được chỉ tiêu cả năm.
Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm thấp nhất trong vòng 4 năm qua, nhưng không phản ánh toàn bộ bức tranh chung của hệ thống tài chính. Với ngành ngân hàng, không ít nhà băng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng hai con số, thậm chí gần vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm.
Vậy, nếu các NHTM không được nới room, liệu tăng trưởng tín dụng toàn ngành có đạt mục tiêu?
Theo phân tích của các chuyên gia, hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN giao cho các NHTM hồi đầu năm cũng rất hạn chế. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tăng trưởng lành mạnh hiện cũng mới chỉ được giao mức tăng từ 14%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung toàn ngành.
Như vậy, có thể NHNN vẫn đang “dự trữ” một lượng tăng nhất định chưa giao cho các ngân hàng. Lượng “dự trữ” này có thể sẽ được thả ra để dùng cuối năm cho kịp chỉ tiêu tăng trưởng Chính phủ giao.
Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) nhận định: “Nếu tăng trưởng GDP quý III có dấu hiệu giảm tốc thì NHNN có thể sẽ phải nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM, hướng về mức 17% nhằm giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm”.
Đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhiều tổ chức quốc tế như WorldBank, IMF, ADB đã khuyến cáo, Việt Nam nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng thay vì số lượng. Tăng trưởng tín dụng phải đi cùng với ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế được lạm phát, có như vậy mới bền vững.
Theo các tổ chức này, từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam chịu nhiều sức ép từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, tỷ giá tăng cao khiến mục tiêu lạm phát luôn bị đe dọa.
Có thể thấp hơn 17%
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 30/8, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong năm nay sẽ khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 18% và hướng dòng vốn chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với mức lãi suất ổn định.
Lãnh đạo NHNN cũng nhiều lần khẳng định, thậm chí liên tục ban hành các văn bản nhắc nhở các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng vượt trần kiểm soát cần chặt chẽ với chất lượng tín dụng.
“Dòng vốn ngân hàng sẽ chỉ tập trung vào sản xuất; tín dụng cho bất động sản, chứng khoán, vay tiêu dùng sẽ được thắt. Có thể sẽ có thanh kiểm tra đột xuất các ngân hàng”, một lãnh đạo NHNN khẳng định.
Một số NHTM cho biết đang có nhiều khách hàng tốt nhưng không thể tiếp tục đẩy mạnh cho vay và đề nghị NHNN nới room tín dụng.
Tuy nhiên Thống đốc Lê Minh Hưng cương quyết: “Kiểm soát tăng tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế là việc rất quan trọng. NHNN sẽ không chấp thuận cho ngân hàng nào tăng tín dụng, ngoại trừ ngân hàng xung phong tham gia quá trình tái cơ cấu tổ chức”.
Mới đây, trả lời các cơ quan báo chí, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, việc điều hành chỉ số tăng trưởng tín dụng đặt ra ngay từ đầu năm khoảng 17% là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, quá trình điều hành sẽ tuỳ theo nhu cầu của nền kinh tế để điều chỉnh mục tiêu này có thể thấp hơn hoặc cao hơn.
“Còn nhu cầu vốn cho nền kinh tế, kể cả hiện nay cũng như tiếp theo, đặc biệt với những lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi, đều đã có kế hoạch và các NHTM vẫn luôn đảm bảo thanh khoản cho những ưu tiên này”, Phó Thống đốc nói.
Như vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành ngân hàng, cơ hội nới room tín dụng cho các NHTM là rất mong manh, rất có thể tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay không đạt ngưỡng 17% như dự kiến từ đầu năm.